Cảnh sát Myanmar khám xét nhà dân, cấm truyền thông đưa tin

Cảnh sát Myanmar tiến hành khám xét nhà dân, truy lùng người biểu tình và tịch thu giấy phép của các hãng truyền thông khi tình hình căng thẳng ở nước này chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Hãng tin Reuters ngày 8-3 cho biết cảnh sát Myanmar đã đe dọa sẽ kiểm tra từng ngôi nhà của người dân để truy lùng người biểu tình và yêu cầu các kênh truyền thông dừng đưa tin về cuộc khủng hoảng.

Việc các lãnh đạo quân sự nước này thực hiện chính biến, lật đổ chính phủ dân sự và bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đã khiến Myanmar rơi vào hỗn loạn. Lực lượng cảnh sát đã giết chết hơn 60 người biểu tình và bắt giữ hơn 1.800 người kể từ đó.

Tuy vật, hàng nghìn người vẫn bất chấp lệnh giới nghiêm để xuống đường biểu tình ở TP Yangon, ủng hộ và kêu gọi trả tự do cho những sinh viên bị bắt ở quận Sanchaung, nơi hàng ngày diễn ra nhiều vụ biểu tình phản đối cuộc chính biến hôm 1-2.

Cảnh sát sử dụng vòi rồng và xịt hơi cay để giải tán người biểu tình ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 8-3. Ảnh: REUTERS

Cảnh sát sử dụng vòi rồng và xịt hơi cay để giải tán người biểu tình ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 8-3. Ảnh: REUTERS

Cảnh sát khám xét nhà dân, truy lùng người biểu tình

Ở Sanchaung, lực lượng cảnh sát đã xả súng, sử dụng lựu đạn gây choáng và tuyên bố sẽ kiểm tra nhà của người dân sống trong và bên ngoài quận và sẽ trừng phạt bất kỳ ai bị bắt quả tang giúp đỡ hay che giấu người biểu tình.

Người dân Myanmar và hãng truyền thông MTK tiết lộ tính đến đầu ngày 9-3, hơn 20 người đã bị bắt ở Sanchaung sau khi cảnh sát tiến hành khám xét nhà dân.

Ở những nơi khác ở Yangon, hàng nghìn người cũng bất chấp lệnh giới nghiêm mà tràn xuống đường, hô vang câu "Hãy trả tự do cho sinh viên ở Sanchaung", khiến lực lượng an ninh phải xả súng và sử dụng lựu đạn gây choáng để giải tán họ.

Tại quận Lanmadaw của Yangon, người dân cho biết lực lượng cảnh sát đã phá cửa nhà người dân trong các cuộc truy bắt ban đêm, sau khi các thanh niên tại nơi này tiết lộ họ đã bắt được một số binh sĩ bị tình nghi vận chuyển vũ khí trong một chiếc xe hơi riêng.

"Xin hãy cứu với, cửa nhà của tôi đang bị phá vỡ" - một phụ nữ đăng trên trang Facebook của mình. 20 phút sau, cô nói rằng cha và chú của cô đã bị bắt đi mà không biết bị giam giữ ở đâu.

Người dân dùng khiên chắn chống lại hơi cay và vòi rồng do cảnh sát sử dụng trong cuộc biểu tình ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 8-3. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, ba người biểu tình cũng đã thiệt mạng trong các cuộc bạo động ở miền bắc Myanmar và khu vực đồng bằng sông Irrawaddy hôm 8-3, theo các nhân chứng và hãng truyền thông địa phương.

Các cuộc biểu tình của người dân được tổ chức mỗi ngày trong hơn một tháng qua nhằm yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi và tôn trọng kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 11-2020 mà Đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo.

Vụ chính biến diễn ra sau nhiều ngày căng thẳng leo thang giữa chính phủ dân sự và quân đội, khi quân đội cáo buộc rằng cuộc bầu cử trên đã bị gian lận, Reuters đưa tin.

Các cuộc biểu tình đã làm tê liệt hoạt động kinh doanh của chính phủ, trong khi đó nhân viên tại các ngân hàng, nhà máy và cửa hàng ở Yangon đều quyết định đình công và đóng cửa từ ngày 8-3.

Một phụ nữ giơ ba ngón tay trong cuộc biểu tình ở Naypyitaw, Myanmar, ngày 8-3. Ảnh: REUTERS

Chính quyền quân sự tịch thu giấy phép cơ quan truyền thông

Chính quyền Myanmar còn yêu cầu các kênh truyền thông nước này ngừng đưa tin về cuộc khủng hoảng, bao gồm việc hủy bỏ giấy phép của năm hãng truyền thông địa phương: Mizzima, DVB, Khit Thit Media, Myanmar Now và 7Day News.

“Các công ty truyền thông này không còn được phép phát sóng, viết hoặc cung cấp thông tin bằng bất kỳ công nghệ hay kênh truyền thông nào nữa” - Đài Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Myanmar (MRTV) tuyên bố.

Đây là năm hãng truyền thông chuyên đưa thông tin về các cuộc biểu tình. Lực lượng cảnh sát Myanmar cũng đã tiến hành lục soát các văn phòng của Myanmar Now hôm 8-3, trước khi tịch thu giấy phép của cơ quan này.

Ngoài ra, cảnh sát còn bắt giam hàng chục nhà báo kể từ khi cuộc chính biến xảy ra, bao gồm một phóng viên của Myanmar Now và một phóng viên của hãng tin Mỹ Associated Press (AP), cả hai đều bị buộc tội gây rối trật tự công cộng với mức phạt lên đến ba năm tù.

Cảnh sát lập hàng rào phòng thủ trong cuộc biểu tình ở Yangon, Myanmar, ngày 8-3. Ảnh: REUTERS

Cộng đồng quốc tế tiếp tục lên tiếng

Cùng ngày, phát ngôn viên Liên Hợp Quốc (LHQ) Stephane Dujarric dẫn lời Tổng thư ký Antonio Guterres "kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar thả tự do người biểu tình một cách an toàn và kiềm chế tối đa mọi hành động bạo lực cũng như dừng việc bắt giữ người dân".

Văn phòng LHQ tại Myanmar cũng như các đại sứ quán Mỹ và Anh tại quốc gia này cũng kêu gọi lực lượng an ninh nước này trả tự do cho người biểu tình và chấm dứt mọi hành vi bạo lực, theo Reuters.

Trong một đòn ngoại giao nhằm vào chính quyền quân sự, đại sứ Myanmar tại Anh đã theo chân đại diện Myanmar tại LHQ và kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi. Động thái này đã nhận được lời khen ngợi từ Ngoại trưởng Anh Dominic Raab.

Anh, Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính phủ quân sự. Liên minh châu Âu cũng đang chuẩn bị mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các doanh nghiệp do quân đội điều hành.

Đài truyền hình nhà nước PBS Thái Lan cũng cho hay các khu vực dọc biên giới của nước này với Myanmar đã được dành để làm nơi cư trú cho bất kỳ người tị nạn nào chạy trốn khỏi tình trạng bất ổn.

KHÔI CHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/canh-sat-myanmar-kham-xet-nha-dan-cam-truyen-thong-dua-tin-971206.html