Cảnh sát Mỹ và những rắc rối chuyện quân sự hóa: Xói mòn niềm tin

Có một sự trùng hợp, khi cảnh sát sử dụng ngày càng nhiều thiết bị quân sự thì các chiến thuật quân sự cũng được áp dụng ngày càng tăng.

 Lực lượng cảnh sát vũ trang "tận răng" đối mặt với những người biểu tình ôn hòa bên ngoài Tòa thị chính Baltimore, ngày 1/5/2015. Ảnh: Left in Focus.

Lực lượng cảnh sát vũ trang "tận răng" đối mặt với những người biểu tình ôn hòa bên ngoài Tòa thị chính Baltimore, ngày 1/5/2015. Ảnh: Left in Focus.

Có thể thấy rõ điều này qua những cuộc đột kích của các biệt đội SWAT hay nhiều cuộc tấn công không báo trước.

Trong những năm gần đây, các sở cảnh sát từ Ferguson, Charlotte và Southampton nhận được vô vàn chỉ trích do áp dụng chiến thuật quân sự.

Một nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các đội theo kiểu bán quân sự của cơ quan thực thi pháp luật đã tăng hơn 1.400% kể từ năm 1980.

Nguy cơ tiềm tàng

Việc quân sự hóa ngày càng tăng của cảnh sát xảy ra đồng thời với sự suy giảm đáng kể niềm tin của công chúng đối với những cơ quan thực thi pháp luật.

Trong một cuộc khảo sát quốc gia từ năm 2016, đa số người Mỹ tuyên bố họ tin rằng việc sử dụng các thiết bị quân sự của cảnh sát “đã đi quá xa”.

Nghiên cứu tương tự này cũng cho thấy hầu hết người Mỹ tin cảnh sát nên được yêu cầu nhận lệnh trước khi tiến hành khám xét nhà cửa và phương tiện hoặc theo dõi các cuộc gọi điện thoại.

Sự xói mòn niềm tin của công chúng vào việc thực thi pháp luật và hỗ trợ thấp cho việc quân sự hóa cản trở khả năng Bảo vệ an toàn công cộng của lực lượng hành pháp.

Một nghiên cứu về những cái chết liên quan đến cảnh sát giai đoạn 2012 - 2018 cho thấy, tính trung bình, cảnh sát giết chết 2,8 người đàn ông mỗi ngày ở Mỹ.

Lực lượng cảnh sát Mỹ không chỉ nhận vũ khí từ quân đội của chính họ, nhiều người còn được huấn luyện từ quân đội Israel, nơi bị cáo buộc lạm dụng quyền nghiêm trọng đối với người Palestine.

Cảnh sát quốc gia, các dịch vụ quân sự và tình báo của Israel đã cung cấp đào tạo về kiểm soát đám đông, sử dụng vũ lực và giám sát cho hàng ngàn thành viên của cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ trong những năm qua.

Khóa đào tạo này tiến hành ở Mỹ, Israel và các vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.

Người dân phản kháng

Sau cái chết của George Floyd vào ngày 25/5, do bị sĩ quan da trắng “ghì chết”, biểu tình phản đối cảnh sát nổ ra khắp nơi. Những người phản đối đặt ra câu hỏi “Liệu việc quân sự hóa của cảnh sát Mỹ có khuyến khích bạo lực quá mức?”

Hình ảnh và video cảnh sát trên khắp Hoa Kỳ bị cáo buộc đánh đập, sử dụng đạn, hơi cay và lựu đạn gây choáng đàn áp người biểu tình, thành viên của các phương tiện truyền thông, y tế và người ngoài cuộc ngày càng khiến căng thẳng gia tăng.

Nhiều hình ảnh trong số này thể hiện rõ cảnh sát mặc áo giáp toàn thân và mang khiên, đứng cạnh các phương tiện trông giống xe tăng hơn là các xe tuần tra với đèn nhấp nháy xanh, đỏ.

"Lần lượt từ thành phố nọ đến thành phố kia, nước Mỹ đang chứng kiến những hành động có thể được coi là vũ lực không cần thiết hoặc quá mức", Rachel Ward, Giám đốc nghiên cứu quốc gia tại Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ cho biết.

"Trang bị cho các sĩ quan theo cách phù hợp hơn cho chiến trường có thể khiến họ suy nghĩ rằng đối đầu và xung đột là không thể tránh khỏi", bà Ward phân tích.

Một số người biểu tình trải nghiệm trực tiếp điều này. Haley Pilgrim, một thành viên của Resource Generation, một "cộng đồng thành viên đa chủng tộc" gồm những người từ 18-35 tuổi, có mục đích tạo ra một thế giới "chỉ mang tính chủng tộc về kinh tế ", có mặt tại các cuộc biểu tình ở Philadelphia, Pennsylvania những ngày cuối tháng 5/2020.

Pilgrim nói với Al Jazeera rằng cô thấy cảnh sát dùng dùi cui nhằm vào người biểu tình và "quất" ngã họ xuống đất.

"Không còn nghi ngờ gì nữa, có nhiều cảnh sát hơn. Tôi chưa bao giờ thấy dùi cui được sử dụng nhiều lần đối với người biểu tình như vậy", Haley, người đã hoạt động 8 năm trong tổ chức, cho biết.

Trong khi hình ảnh những chiếc xe cảnh sát bị đốt cháy được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, Pilgrim nói rằng điều đó đã không xảy ra cho đến khi cơ quan thực thi pháp luật bắt đầu hành động mạnh mẽ quá mức với người biểu tình.

"Những người biểu tình lẽ ra đã không trở nên bạo lực", cô nói thêm. "Chúng tôi chỉ có áp phích và micro… Trong khi cảnh sát đến với khiên và dùi cui".

Một trong những phong trào đáng chú ý thời gian gần đây là “Black Lives Matter”. Các thủ lĩnh phong trào đã tuyên chiến với cảnh sát và chuẩn bị một kế hoạch chi tiết - "tuần tra" theo dõi hành vi các sĩ quan trên đường phố, DailyMailTV tiết lộ.

Hawk Newsome, Chủ tịch chương trình Greater New York của “Black Lives Matter”, cho biết nhóm đang “huy động” căn cứ của mình và nhằm mục đích phát triển một đội quân được đào tạo bài bản, đủ để thách thức sự tàn bạo của cảnh sát.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền, ông Newsome nói rằng phong trào đã tiến hành trong nhiều năm với mục tiêu đánh thức mọi người về thực tế của sự tàn bạo và áp bức của cảnh sát.

Một nghiên cứu từ năm 2017 cho thấy cứ tăng 10% giá trị thiết bị quân sự mà lực lượng cảnh sát nhận được sẽ dẫn đến ít hơn 5,9 tội phạm trên 100.000 dân. Tuy nhiên, khi xem xét cụ thể các loại vũ khí cấp quân sự, nghiên cứu tương tự cho thấy việc nhận các vũ khí này có tác động tối thiểu hoặc không có tác dụng răn đe tội phạm.

Dương Châu

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/canh-sat-my-va-nhung-rac-roi-chuyen-quan-su-hoa-xoi-mon-niem-tin-d267483.html