Hài hòa lợi ích nông dân và doanh nghiệp

Hiện một số địa phương ở Nam Bộ đã bước vào giai đoạn thu hoạch lúa đông xuân 2017-2018. Theo nhận định, vụ lúa này được giá so với các năm trước, khi giá lúa tươi (thu hoạch xong bán liền, không qua phơi sấy) dao động từ 5.300 đến 5.400 đồng/kg đối với giống IR50404, 5.500 đến 5.600 đồng/kg đối với giống OM5451...

Với giá lúa này, ước tính nông dân có thể đạt lợi nhuận từ 20 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, ngay từ đầu vụ, nhiều nông dân đã nhận tiền cọc bán lúa cho thương lái hoặc ký hợp đồng bán lúa cho doanh nghiệp với mức giá thấp hơn từ 300 đến 500 đồng/kg so với giá hiện tại, vì thế giá lúa trên thị trường đang tăng cao khiến nhiều người nghĩ đến “kịch bản” nông dân sẽ không thực hiện các hợp đồng đã cam kết và họ sẽ “bẻ kèo” doanh nghiệp để thu lợi...

Thực tế, trong tiêu thụ nông sản, tình trạng phá vỡ cam kết đã xảy ra thường xuyên. Không chỉ chuyện “nông dân bẻ kèo doanh nghiệp”, trong lĩnh vực lúa gạo cũng từng xảy ra chuyện ngược lại là “doanh nghiệp bẻ kèo nông dân”. Còn nhớ hồi năm 2016, giá lúa tươi ở đồng bằng sông Cửu Long giảm xuống còn 4.200 đến 4.300 đồng/kg, thậm chí có nơi giảm còn 4.100 đồng/kg, nhiều nông dân tham gia cánh đồng lớn bức xúc khi giá lúa sụt giảm đã bị các doanh nghiệp cố tình "bẻ kèo". Cụ thể trước khi lúa chín, doanh nghiệp ký hợp đồng bằng văn bản với nông dân giá hơn 4.600 đồng/kg, nhưng sau đó hạ giá xuống còn 4.300 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg. Nếu nông dân không đồng ý bán thì coi như “bể” hợp đồng. Không chỉ lúa, nhiều nông sản khác như trái cây, thủy hải sản, hồ tiêu, gừng… cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Việc doanh nghiệp và nông dân “bẻ kèo” nhau thật ra đều xuất phát từ sự không tin tưởng lẫn nhau ở cả hai phía: Nông dân than phiền do thường xuyên bị doanh nghiệp ép giá; không chịu chi trả các chi phí phát sinh; không chia sẻ lợi nhuận cũng như rủi ro với họ; doanh nghiệp thường không chịu mua theo giá thị trường; hay kiếm cớ chèn ép nhiều mặt khi đến kỳ thu hoạch làm nông dân thua lỗ. Trong khi đó, các doanh nghiệp “tố” ngược lại nông dân: Vì chạy theo lợi nhuận cho nên hay “bẻ kèo”, phá vỡ hợp đồng, không giữ đúng thỏa thuận ban đầu; không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi trồng, làm giảm chất lượng nông sản.

Nhận thấy nguy cơ này, các cơ quan chức năng, điển hình là sở nông nghiệp và phát triển nông thôn một số địa phương đã chủ động phối hợp các cơ quan chức năng như ngành công thương, hội nông dân, các doanh nghiệp và chính quyền các địa phương tổ chức hội nghị để bàn giải pháp giải quyết những vướng mắc nêu trên. Cụ thể, hai ngành nông nghiệp và công thương với vai trò cầu nối tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân đã vận động các doanh nghiệp, nông dân (đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp qua các tổ hợp tác, hợp tác xã) thỏa thuận lại giá tại thời điểm hiện tại (lúc thu hoạch) theo hướng doanh nghiệp sẽ nâng giá thu mua lên so với giá trong hợp đồng và nông dân chấp nhận hạ giá bán so với giá thị trường một chút để bảo đảm hài hòa lợi ích của hai bên.

Đối với các trường hợp nông dân ký hợp đồng hoặc đã nhận tiền đặt cọc của thương lái, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương vận động, thuyết phục nông dân và thương lái bàn lại giá thu mua nông sản sao cho đôi bên cùng có lợi vì mục đích hợp tác lâu dài. Bởi suy cho cùng, nếu chạy theo lợi nhuận trước mắt, một trong hai đối tác không thực hiện đúng hợp đồng, không chia sẻ hài hòa lợi ích thì các cam kết sẽ đổ vỡ, cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều bị thiệt hại...

Đây là một cách làm hay, phù hợp với thực tế cần được nhân rộng tại nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

TÂM THỜI

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35777202-hai-hoa-loi-ich-nong-dan-va-doanh-nghiep.html