Cảnh sát giao thông tiếp tay đưa hối lộ hàng tỷ đồng trong vụ án 'logo xe vua'

Sau nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, ngày 30/8, Tòa án Nhân dân TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 'đưa hối lộ' và 'môi giới hối lộ' đối với 10 bị cáo trong đường dây mua bán 'logo xe vua' nhằm tránh bị xử phạt của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT).

Các bị cáo nghe đọc cáo trạng. Ảnh: N.Hiền

Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử có Nguyễn Cảnh Chân, là cán bộ Đội 1, Phòng CSGT – Công an tỉnh Đồng Nai (hiện đã bị loại ngũ) bị truy tố về tội “môi giới hối lộ”. Cùng với đó, các bị cáo Nguyễn Văn Thới (kinh doanh vận tải), Lê Thị Cẩm Vân (kinh doanh vận tải) và các đồng phạm bị truy tố về tội “đưa hối lộ”.

Theo cáo trạng công bố tại tòa, Nguyễn Văn Thới làm nghề kinh doanh vận tải và thường bị xử phạt do chở quá tải. Sau nhiều lần đến ký biên bản, nộp tiền phạt, Thới đã quen biết một số cán bộ của các đơn vị này. Thới đặt vấn đề sẽ nộp tiền và dán ký hiệu logo lên các xe để một số cán bộ Thanh tra giao thông (TTGT), CSGT khi làm nhiệm vụ nhận biết và không xử phạt.

Trong thời gian từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, Nguyễn Văn Thới, Lê Thị Cẩm Vân và các đồng phạm đã câu kết với một số lái xe, chủ xe góp tiền đưa hối lộ cho cán bộ TTGT, CSGT để xe chở quá tải trọng đi qua địa bàn không bị xử phạt. Để thực hiện hành vi này, Nguyễn Văn Thới và Trần Quốc Thái đã in logo có số “68” và chữ “Garage Thành Đô”, Lê Thị Cẩm Vận in logo chữ “xe chở hàng” bán cho các chủ xe, lái xe để dán vào đầu xe làm ký hiệu cho những người nhận hối lộ nhận biết khi kiểm tra.

Cụ thể, từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, Nguyễn Văn Thới đã bán cho khoảng 15.000 lượt xe, thu được số tiền gần 22,8 tỷ đồng. Thới đã sử dụng 5 tỷ đồng để đưa hối lộ 79 lần, mỗi lần từ 9 đến 150 triệu đồng. Trong đó, chuyển cho Nguyễn Cảnh Chân 1,26 tỷ đồng để đưa cho một số cán bộ CSGT Công an tỉnh Đồng Nai. Do đó, cáo trạng xác định Nguyễn Cảnh Chân đã làm trung gian môi giới cho Nguyễn Văn Thới đưa hối lộ 12 lần, mỗi lần từ 60 đến 120 triệu đồng, với tổng số tiền 1,26 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ tháng 5/2015 đến tháng 8/2015, Lê Thị Cẩm Vân thông qua các đồng phạm bán logo thu được 7,9 tỷ đồng. Trong đó sử dụng 627 triệu đồng để đưa hối lộ 16 lần, mỗi lần từ 3 đến 150 triệu đồng.

Trả lời chất vấn của HĐXX tại tòa, Nguyễn Văn Thới cho biết mỗi logo được bán với giá từ 1,2 đến 1,8 triệu đồng và sử dụng được trong 1 tháng. Khi bán logo, Thới cam kết với các chủ xe rằng khi dán logo lên xe thì sẽ không bị xử phạt. Nếu bị phạt thì gọi điện báo để Thới xử lý. Nguyễn Văn Thới cũng xác nhận các chi tiết về số lần đưa hối lộ, số tiền thu được từ việc bán logo, số tiền đưa hối lộ… đúng với nội dung cáo trạng truy tố.

Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân trả lời câu hỏi của HĐXX. Ảnh: N.Hiền

Theo lời khai của Thới, số tiền còn lại sau khi đưa hối lộ là 17,8 tỷ đồng, Thới sử dụng để nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị xử phạt và thuê người canh đường.

Cụ thể, do có Tổ tham mưu đặc biệt của Phòng CSGT – Công an TP.HCM thường xuyên kiểm tra lưu động, không nhận hối lộ mà xử phạt các xe dán logo có vi phạm. Do đó, Thới phải thuê người đi canh đường, khi thấy có tổ công tác tuần tra, kiểm soát trên tuyến đường nào thì báo cho lái xe hoặc chủ xe đã mua logo biết để đi tuyến đường khác. Sau khi đưa hối lộ và chi cho nộp phạt, thuê người canh đường, bản thân Thới hưởng lợi 1,31 tỷ đồng.

Bị cáo Trần Quốc Thái cũng khai đã giúp Thới bán logo cho các lái xe, chủ xe và thuê người canh đường để báo tin cho các lái xe, chủ xe. Mỗi logo bán được, Thái trích lại 300.000 – 400.000 đồng. Tổng cộng bị cáo Thái hưởng lợi 360 triệu đồng.

Bị cáo Nguyễn Cảnh Chân cũng thừa nhận đã giúp các bị cáo Thới, Thái đưa hối lộ cho các cán bộ Cảnh sát giao thông tổng cộng 12 lần với số tiền 1,26 tỷ đồng. Trong đó, Chân được hưởng lợi 300 triệu đồng.

Không ai bị khởi tố về tội “nhận hối lộ”

Tại phiên tòa, trong khi có 10 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội "đưa hối lộ" và "môi giới hối lộ" nhưng lại không có bị cáo nào bị truy tố về tội "nhận hối lộ". Theo cáo trạng, quá trình điều tra, các bị cáo khai đã đưa hối lộ cho 62 cán bộ của Đội, Trạm trong lực lượng CSGT trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM. Tuy nhiên, qua lấy lời khai, 62 cán bộ, chiến sỹ đều khai không nhận tiền của Vân, Thới và Thái. Tiến hành cho Vân, Thới và Thái nhận diện qua ảnh, các bị cáo đã nhận diện được một số cán bộ CSGT .

Đối với các cán bộ trong lực lượng TTGT, Cơ quan điều tra đã tiến hành ghi lời khai của 18 người, kết quả không có người nào thừa nhận đã nhận tiền của Thới, Vân để không xử phạt các xe chở quá tải. Tiến hành cho nhận diện qua ảnh, các bị cáo nhận dạng được ông Phan Minh Hải – Đội phó Đội 7 TTGT TP.HCM và ông Trần Trung Phương, Đội 8, TTGT TP.HCM.

Theo cáo trạng, xét thấy, việc bán logo thu tiền và đưa hối lộ cho một số cán bộ chức năng để không xử phạt xe chở hàng quá tải là có thật. Tuy nhiên, ngoài lời khai của Vân, Thới, Thái, không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh những người mà các bị can đã khai và nhận diện được nêu trên có hành vi nhận hối lộ hoặc làm môi giới hối lộ để không xử phạt các xe chở quá tải có dán logo. Do đó, cơ quan điều tra không khởi tố để xử lý đối với những người này.

Đối với những chủ xe, lái xe mua logo, Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh và ủy thác cho Cơ quan điều tra Công an các tỉnh tiến hành lấy lời khai các chủ xe, tài xế theo danh sách 1.682 xe mua logo của Vân, Thới. Kết quả có 524 trường hợp thừa nhận có mua logo, còn lại 1.158 trường hợp không thừa nhận hoặc không xác minh được do đã thay đổi địa chỉ nơi cư trú.

Xét thấy những người này bỏ tiền ra mua logo để không bị xử phạt nhưng không biết Vân, Thới sẽ đưa hối lộ cho ai. Do đó, chưa đủ căn cứ để xác định những người này đồng phạm với Vân, Thời về hành vi đưa hối lộ nên Cơ quan điều tra không đề cập xử lý.

Nguyễn Hiền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/canh-sat-giao-thong-tiep-tay-dua-hoi-lo-hang-ty-dong.aspx