Cảnh sát bốn phương số 222

Trong 6 thập kỷ, Cảnh sát chống bạo động (CRS) giữ vai trò như nhân viên cứu hộ túc trực trên những bãi biển ở Pháp mang đến sự yên tâm cho người dân. Gần đây, số nhân viên trên đã bị cắt giảm một phần do ngân sách cho ngành cảnh sát bị cắt giảm.

Nên có cảnh sát cứu hộ biển?

Nhưng trong tương lai, có thể lực lượng cảnh sát biển này sẽ không còn nữa vì Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Gérard Collomb, cho biết ông đang có kế hoạch kết thúc nhiệm vụ cứu hộ.

Ông Gérard Collomb cho rằng: "Việc giám sát trên bãi biển và giúp người gặp khó khăn trong khi bơi lội không phải là một nhiệm vụ cốt lõi của CRS".

Mặc dù vậy, kế hoạch loại bỏ cảnh sát cứu hộ ra khỏi các bãi biển nhận được phản đối dữ dội từ các thị trưởng địa phương, do vấn đề này có liên quan đến an toàn công cộng và khủng bố. Nhiều người lo sợ gia tăng các vụ đuối nước vì không có giám sát viên. Và các du khách cũng dễ gặp nguy hiểm hoặc khủng bố ở các bãi biển. Sau một loạt các cuộc tấn công ở Pháp, từ năm 2016, cảnh sát chống bạo động của CRS đã được trang bị súng trong khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại các khu nghỉ mát tấp nập nhất vào các tháng 7 và 8.

Nghị sĩ Daniel Fasquelle thuộc khu vực Calais cho biết: “Loại bỏ CRS sẽ là một mất mát đáng kể cho sự an toàn cộng đồng và khách du lịch nước ngoài trên các bãi biển, vì họ có thể giám sát người bơi lội, ngăn chặn hành vi ồn ào và hành động chống lại mối đe dọa của những cuộc tấn công khủng bố”. Bởi theo ông "Sự an toàn trên bãi biển và các nơi khác là trách nhiệm của nhà nước, không phải của địa phương".

Cyril Lambert, một nhân viên cứu hộ của CRS cho biết: "Sự hiện diện của chúng tôi trên bãi biển là rất cần thiết". (Huy Hải)

CSGT Nghệ An trả ví tiền cho người đánh rơi

Trong khi đang làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đảm bảo ANTT sau một trận đấu bóng đá cùng với tổ công tác của mình, Trung úy Phạm Văn Phi, Đội CSGT Công an TP Vinh, đã nhặt được một chiếc ví màu đen bên vệ đường Trần Phú.

Kiểm tra trong ví có 6 triệu đồng và một số giấy tờ khác, Trung úy Phi liền báo cáo lãnh đạo để có biện pháp liên lạc trả lại người đánh rơi. Qua kiểm tra một số thông tin, Đội CSGT biết chính xác chủ nhân của chiếc ví là anh Nguyễn Viết Sơn Kim, 19 tuổi, trú tại xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn và đã liên lạc để trả lại chiếc ví cho anh.

Anh Kim cho biết trong lúc cùng đoàn người diễu hành chúc mừng chiến thắng của Đội tuyển Olympic Việt Nam, anh đánh rơi chiếc ví lúc nào không biết. Sau khi phát hiện, anh có quay lại tìm kiếm nhưng không thấy. Khi nhận lại được chiếc ví, anh Kim xúc động nói: “Thật tôi không biết nói gì hơn, vô cùng cảm ơn các anh CSGT”. (Sao Mai)

Cảnh sát đóng giả siêu anh hùng cổ vũ trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo

Từ nhiều năm nay, cảnh sát Damon Cole thuộc Sở Cảnh sát Fort Worth đã quyết định mặc một chiếc áo có in hình logo Superman bên ngoài áo chống đạn của mình, với mục đích xây dựng niềm tin và tương tác với trẻ em trong quá trình làm nhiệm vụ. Đáng yêu hơn, cảnh sát Cole còn hé lộ với lũ trẻ rằng mình là Superman và nói chúng phải giữ bí mật này.

Không chỉ thế, cảnh sát Cole còn chuyên cosplay các siêu anh hùng trong những lúc rảnh rỗi, với mục đích khích lệ tinh thần cho các trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo. Hành động này của anh đã nhận được sự hưởng ứng vô cùng lớn và truyền cảm hứng cho cả cộng đồng.

Cụ thể, cảnh sát Cole đã đóng vai các siêu anh hùng đi tới hơn 20 bang và gặp gỡ hơn 1.000 trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo để động viên khích lệ các em. Thậm chí năm 2015, Cole còn từ bỏ cả chuyến nghỉ mát của mình để lái xe 11 tiếng đến Illinois, chỉ để gặp gỡ cậu bé 7 tuổi đang bị bệnh ung thư. (Anh Khoa)

Cảnh sát Mỹ nhận nuôi con của một phụ nữ vô gia cư

Jesse Whitten - nhân viên Sở Cảnh sát Santa Rosa, bang California, Mỹ - đã quyết định nuôi con của một người phụ nữ vô gia cư, sau khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp, cầu xin gia đình anh nhận nuôi con của chị ta. Việc làm nhân văn này của cảnh sát Jesse Whitten nhận được sự hoan nghênh của nhiều người.

Thực ra Harlow - tên người phụ nữ vô gia cư - đã gặp cảnh sát Whitten nhiều lần khi anh đi tuần tra trên các con phố. Viên cảnh sát đặc biệt này cũng từng giúp Harlow tìm nơi tạm trú. Chị Harlow cũng từng gặp và chuyện trò với vợ cảnh sát Whitten. Có lẽ chính sự tốt bụng, thương người của vợ chồng cảnh sát Jesse Whitten khiến chị tin tưởng, gửi gắm đứa con mình dứt ruột đẻ ra cho họ chăm sóc. Và gia đình Whitten cũng rất sẵn lòng chào đón bé gái như một thành viên mới trong gia đình.

Sở Cảnh sát thành phố Santa Rosa đã đăng bức ảnh cảnh sát Whitten bế bé gái nhận nuôi lên trang Facebook chính thức kèm lời bình:

“Cách đây không lâu, anh Whitten đã gặp một người phụ nữ mang thai và rất cần sự giúp đỡ. Chị đang tìm một mái nhà cho đứa con sắp chào đời. Anh Whitten - người đã là cha của 3 đứa trẻ, đã sẵn lòng mở rộng vòng tay chào đón cháu bé mới sinh. Sau khi thủ tục nhận nuôi hoàn tất, bé đã chính thức trở thành con của gia đình Whitten. Xin chúc mừng gia đình Whitten và chào đón cháu bé đến với gia đình Sở Cảnh sát Santa Rosa”. (H.H.)

PV

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/canh-sat-bon-phuong-so-222-513280/