Cảnh sát bó tay khi công nghệ AND… vô dụng

Theo nhiều chuyên gia, vì không thể dựa vào bằng chứng ADN, nhà chức trách thường dựa vào lời khai nhân chứng, đặc điểm về hình thể (vết sẹo, thương tật, hình xăm), bằng chứng ngoại phạm hoặc dấu vân tay để phân biệt hai người song sinh.

Không có bằng chứng

Tháng 2-2018, một người đàn ông 23 tuổi, sống tại thị trấn Cheltenham, hạt Gloucestershire (Anh) đã tránh được nguy cơ ngồi tù vì phía công tố không thể đưa ra bằng chứng chứng minh có tội. Patrick Hennessy bị truy tố tội danh tàng trữ dao bấm trái phép và lái xe gây tai nạn. Nếu bị kết tội, anh ta có thể sẽ bị phạt tiền và phạt tù tối đa 4 năm. Hồ sơ vụ việc cho thấy anh ta không phủ nhận việc chiếc xe đã gây tai nạn, nhưng cho biết mình không phải là người lái xe tại thời điểm ấy.

Patrick Hennessy khẳng định người anh sinh đôi James Hennessy mới cầm vô lăng khi tai nạn xảy ra. James Hennessy cũng bị thương trong vụ tai nạn và được đưa tới bệnh viện để điều trị sau đó. Ngay cả bằng chứng ADN lấy tại hiện trường cũng không cho ra kết quả đáng kể vì gien di truyền của cặp song sinh quá giống nhau.

Cặp song sinh phạm tội nhiều khi cảnh sát bó tay.

Cặp song sinh phạm tội nhiều khi cảnh sát bó tay.

Trong buổi điều trần tại Tòa án hạt Gloucester, công tố viên Julian Kesner cho biết văn phòng công tố cần chứng minh chính xác ai trong số hai người sinh đôi là người gây ra vụ việc. Tuy vậy, cảnh sát không thể tìm ra bằng chứng gì cho tới thời điểm ấy. Kết quả, hai người được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

New Straits Times đưa tin, vào năm 2003, Cảnh sát thành phố Kuala Lumpur (Malaysia) đã bắt một người đàn ông vì hành vi vận chuyển 166kg cần sa và gần hai kg thuốc phiện thô bằng xe ôtô. Người em sinh đôi tới hiện trường ngay sau đó và cũng bị bắt giữ. Nếu bị kết tội với tội danh vận chuyển ma túy, người phạm tội chắc chắn đối diện với án tử hình.

Nhưng kể cả với sự trợ giúp của công nghệ ADN, cảnh sát Malaysia không thể xác định được đã bắt giữ ai trước tiên và ai trong số hai anh em Sathis Raj và Sabarish Raj là người chủ sở hữu số ma túy. Với quan điểm không thể đẩy nhầm người tới chỗ chết, thẩm phán vụ việc quyết định hủy cáo trạng.

Nytimes đưa tin, ngày 12-2-2011, trong khi đang ẩu đả, một người rút khẩu súng bắn chết thanh niên 19 tuổi Sir Xavier Brooks trước cửa hộp đêm Leonardo's Da Vinci Code tại thành phố Chandler, Arizona, Mỹ. Cảnh sát sau đó bắt Orlando Nembhard, 19 tuổi, nghi là hung thủ.

Vụ án mạng tưởng chừng rất dễ dàng cho cảnh sát vì có nhiều nhân chứng ở hiện trường khai đã thấy Orlando Nembhard rút súng bắn nạn nhân. Nhưng sau đó, cảnh sát phát hiện cậu này còn có người anh em sinh đôi giống như đúc, Brandon Nembhard, cũng ở hiện trường vụ án vào sáng 12-2.

Cả hai anh em đều khẳng định không có tội. Cảnh sát bối rối vì không xác định được ai là thủ phạm gây án, trong khi chỉ có một người phạm tội. Hai anh em sinh đôi đều có dáng người khẳng khiu, có cùng sở thích mặc quần áo rộng thùng thình và giao du cùng một nhóm bạn. Quan trọng hơn, tại thời điểm xảy ra vụ án, cả hai đều có mặt tại hiện trường. Không tìm được vật chứng là khẩu súng, cảnh sát trông cậy vào nhân chứng để xây dựng hồ sơ vụ án.

Tuy nhiên, lời khai của các nhân chứng không thống nhất. Một số người khẳng định Orlando Nembhard là người bắn phát súng chí mạng. Nhiều người khác lại cho rằng Brandon Nembhard mới là kẻ gây án. Một số người khác có mặt ở hiện trường không nhớ đích xác ai là hung thủ vì hai anh em sinh đôi quá giống nhau.

Nhân chứng chủ chốt của bên công tố viên, Omar Standford, khai rằng hoàn toàn có thể phân biệt được hai anh em và đã nhìn thấy đích xác Orlando Nembhard bắn nạn nhân. Nhưng luật sư bào chữa lập tức chỉ ra lời khai của nhân chứng không đáng tin cậy vì giữa anh này và Orlando Nembhard từng có mâu thuẫn.

Không có được đầy đủ chứng cứ kết tội, thẩm phán vụ việc quyết định giảm số tiền tại ngoại cho Orlando Nembhard từ 500.000 USD xuống còn 10.000 USD vào ngày 28-7-2011. Ngày 19-11-2011, không còn cách nào khác, công tố viên hạt Maricopa, bang Arizona buộc phải hủy truy tố trách nhiệm hình sự với Orlando Nembhard.

Không thoát

Theo tờ Daily Mail, Yoan Gomis và Elvin Gomis là hai anh em song sinh, 26 tuổi, sống ở thành phố Marseille (Pháp). Hai người giống nhau tới mức họ dùng chung gần như mọi thứ: từ điện thoại, ô tô, quần áo, nhà ở tới tài khoản Facebook. Tháng 1-2013, hai người bị bắt vì cảnh sát nghi ngờ một trong hai có liên quan tới vụ tấn công tình dục 6 phụ nữ từ tháng 9-2012.

Cảnh sát không thể dùng ADN của anh em sinh đôi để xác định, dù trên lý thuyết có thể phân biệt bằng xét nghiệm ADN, nhưng chi phí cho xét nghiệm dạng này cực kỳ đắt đỏ, có thể lên tới hơn 1,3 triệu USD và chưa chắc kết quả đã được công nhận tại tòa. Hai người ban đầu chối tội.

Cảnh sát buộc phải dựa vào những tình tiết khác để phân biệt. Cuối cùng, một số nạn nhân nhận ra Yoan Gomis bị tật nói lắp giống như kẻ gây án, trong khi Elvin Gomis hoàn toàn bình thường.

Nguyễn Hưng

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/canh-sat-bo-tay-khi-cong-nghe-and-vo-dung-544543/