Cảnh sát Biển Việt Nam phát triển vượt bậc khi có thêm hải đoàn tàu tuần tra

Sự kiện Hải đội 302 được nâng cấp thành Hải đoàn 32 đã cho thấy sự trưởng thành vượt bậc và bước đi vững chắc của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trên con đường tiến lên hiện đại.

 Hôm 24-7-2018, tại Khánh Hòa, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 long trọng tổ chức Hội nghị công bố quyết định triển khai và ra mắt Hải đoàn 32. Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho Hải đoàn 32.

Hôm 24-7-2018, tại Khánh Hòa, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 long trọng tổ chức Hội nghị công bố quyết định triển khai và ra mắt Hải đoàn 32. Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Thiếu tướng Lê Xuân Thanh - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã trao Quân kỳ Quyết thắng cho Hải đoàn 32.

Phát biểu chỉ đạo, Trung tướng Hoàng Văn Đồng - Chính ủy Cảnh sát biển nhấn mạnh, việc tổ chức lại lực lượng Cảnh sát biển nói chung, Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 nói riêng và triển khai Hải đoàn 32 là dấu ấn quan trọng thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Được biết Hải đoàn 32 được tổ chức lại trên cơ sở Hải đội 302 thành lập vào tháng 8/2014 và đóng quân tại Cảng Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, trực thuộc Vùng Cảnh sát biển 3.

Hải đội 302 là đơn vị đầu tiên của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được biên chế tàu tuần tra đa năng hiện đại DN-2000 mang số hiệu 8001, trước khi tiếp nhận tàu CSB 8020 lớp Hamilton thì đây là con tàu tuần tra lớn nhất của Việt Nam.

Tàu do Nhà máy Z189 Bộ Quốc phòng đóng theo thiết kế và chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Damen (Hà Lan). Điểm đặc biệt của tàu CSB 8001 là nó được tích hợp vây giảm lắc chủ động, có thể giảm được 2 đến 3 cấp sóng, còn phía sau tàu có sàn đáp dành cho trực thăng.

Tàu có chiều dài 90 m, rộng 14 m, độ cao mạn tàu 7 m, lượng dãn nước nước 2.400 tấn, tốc độ 21 hải lý/h, có thể bám biển liên tục trên biển 40 ngày đêm, tầm hoạt động 4.000 hải lý, chịu được sóng cấp 9, gió cấp 12.

Trên tàu còn được tích hợp nhiều trang thiết bị điện tử viễn thông và dẫn đường hàng hải thuộc hàng hiện đại nhất thế giới hiện nay, đây cũng đồng thời là con tàu tuần tra tốt nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh đó trong biên chế Hải đoàn 302 còn có tàu CSB 7011 được thiết kế cho nhiệm vụ vận chuyển vật tư kỹ thuật - hậu cần cho các tàu hoạt động trên biển cũng như cho các đảo và nhà giàn.

Tàu đảm bảo hậu cần CSB 7011 có dài gần 90 m, chiều rộng lớn nhất gần 14 m, trọng tải toàn phần khoảng 2.900 tấn, lượng giãn nước trên 4.300 tấn.

Tầm hoạt động của tàu CSB 7001 lên đến 6.000 hải lý, thời gian hoạt động liên tục trên biển đến 60 ngày đêm và chịu được sóng, gió cấp 9 - 11.

Khả năng vận chuyển và tiếp tế nhiên liệu, nước ngọt của tàu CSB 7001 lên tới 2.000 m3 dầu và 500 m3 nước ngọt. Lớp tàu này có thể vận chuyển và tiếp tế hàng hậu cần với khối lượng khoảng vài trăm tấn.

Như vậy có thể thấy rằng lực lượng của Hải đội 302 thuộc hàng tốt nhất trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam khi những con tàu lớn và hiện đại nhất đều tập trung ở đây.

Việc Hải đội 302 được nâng cấp thành Hải đoàn 32 (tổ chức biên chế lớn hơn) mở ra triển vọng để đơn vị tiếp nhận thêm nhiều tàu tuần tra lớn và tối tân hơn nữa trong tương lai.

Đây rất có thể sẽ là đơn vị được ưu tiên biên chế tàu tuần tra đa năng DN-4000 lớn nhất của Cảnh sát biển Việt Nam khi nó được thi công hoàn thiện.

Ngoài ra rất có thể Hải đoàn 32 sẽ là đơn vị đầu tiên của Cảnh sát biển Việt Nam được trang bị trực thăng hạm tàu khi mới đây tàu CSB 8001 đã tiến hành nghiệm thu sàn đáp trực thăng sau quá trình nâng cấp.

Cùng với Trung đoàn Không quân 915, Lữ đoàn tàu đổ bộ 955, Hải đội 32 cũng là đơn vị mới thành lập, chứng tỏ bước phát triển không ngừng của lực lượng vũ trang Việt Nam.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-canh-sat-bien-viet-nam-phat-trien-vuot-bac-khi-co-them-hai-doan-tau-tuan-tra/776981.antd