Cảnh sát biển Việt Nam – nòng cốt thực thi pháp luật trên biển

QĐND Online - Quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh, an toàn vùng biển, đảo của Tổ quốc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó, xây dựng lực lượng Cảnh sát biển (CSB) cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và có tính chuyên nghiệp cao, đóng vai trò nòng cốt, trực tiếp là chủ trương đúng đắn của Đảng, yêu cầu tất yếu trong tình hình mới.

Việt Nam là một quốc gia ven biển, với diện tích trên 1 triệu km2, gần 3.000 đảo, quần đảo; bờ biển có chiều dài hơn 3.620 km, trải dài qua 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó nhiều tỉnh, thành phố có hệ thống cảng biển, các khu kinh tế, du lịch ven biển là cửa ngõ, đầu mối giao thương về kinh tế, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và thế giới.

Tàu Cảnh sát biển 8004.

Tàu Cảnh sát biển 8004.

Xây dựng, phát triển kinh tế biển gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trên hướng biển luôn là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.

Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng cũng nêu rõ: “Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Tổ chức tốt việc xây dựng và quản lý thống nhất quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và chuyên ngành về biển, đảo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển”.

Những năm qua, tình hình thế giới, khu vực, nhất là tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều tình huống mới về các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống như vi phạm chủ quyền biển, đảo, các hoạt động tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, mất an toàn hàng hải, ô nhiễm môi trường biển ngày càng có chiều hướng gia tăng, xuất hiện nhiều vi phạm có yếu tố nước ngoài, có tổ chức chặt chẽ. Trước tình hình đó, việc xây dựng và phát triển Lực lượng Cảnh sát biển (LLCSB) thành lực lượng chuyên trách, nòng cốt để thực thi pháp luật và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết, chính đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đến thăm và kiểm tra Bộ tư lệnh Cảnh sát biển.

Xác định rõ sự cấp thiết và tầm quan trọng của việc xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt để thực thi pháp luật, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, đảm bảo quốc phòng - an ninh của đất nước trong xu hướng hội nhập toàn cầu, ngày 12-11-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2048/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng LLCSB đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Mục tiêu của Đề án là xây dựng LLCSB Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, tổ chức biên chế hợp lý, tinh gọn, trang bị đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, thực thi pháp luật trên biển và hợp tác quốc tế; làm cơ sở xây dựng hoàn chỉnh LLCSB trong những năm tiếp theo để Lực lượng đủ sức và đủ tầm gánh vác chức năng, nhiệm vụ nặng nề mà Tổ quốc và Nhân dân giao phó.

Clip: Cảnh sát biển Việt Nam vững vàng thực thi pháp luật, điểm tựa của ngư dân.

Theo Thượng tá Lê Huy, Phó chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát Biển Việt Nam: Sự ra đời, phát triển của lực lượng cảnh sát biển và Luật Biển Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng trong thực thi pháp luật trên biển; thể hiện sự tập trung ý chí của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân, là tuyên bố mạnh mẽ quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chủ trương xây dựng lực lượng Cảnh sát biển “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, xứng tầm là lực lượng nòng cốt trong quản ý, bảo vệ chủ quyền, duy trì thực thi pháp luật trên biển, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc có ý nghĩa chiến lược quan trọng.

Trước những diễn biến nhanh chóng, phức tạp của tình hình an ninh, chủ quyền, biển đạo; tình hình vi phạm, tội phạm, đặc biệt là tội phạm có yếu tố nước ngoài gia tăng, phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi, tổ chức chặt chẽ với phương tiện, trang bị hiện đại, Ðảng, Nhà nước ta xác định chủ trương, đối sách để giải quyết các xung đột, tranh chấp trên biển là đấu tranh bằng biện pháp mang tính dân sự, trên cơ sở pháp luật.

Tàu Cảnh sát biển 8001.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, cảnh sát biển đã luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, làm tốt công tác tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đề ra chủ trương, đối sách xử lý linh hoạt, hiệu quả các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ; khôn khéo, kiên quyết, kiên trì, đấu tranh với các hoạt động của tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và phương tiện, tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động tội phạm trên biển, làm tốt công tác tìm kiếm, cứu nạn.

Bộ tư lệnh Cảnh sát biển bắt giữ hàng hóa nhập lậu, tàu nước ngoài vận chuyển hàng hóa trái phép vào Việt Nam, áp giải tàu nước ngoài chở dầu lậu...

Trong 5 năm qua, Bộ tư lệnh CSB đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức cứu nạn được 142 vụ, đã cứu được 1.189 người, 74 phương tiện; đón 660 ngư dân từ đảo về đất liền trong điều kiện thời tiết phức tạp, để lại tình cảm tốt đẹp về hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-người chiến sĩ cảnh sát biển trong lòng nhân dân. Lực lượng đã tổ chức triển khai 1.650 lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; sử dụng 30 lượt tàu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và hoạt động kinh tế biển; phát hiện, tuyên truyền, xua đuổi gần 6.200 lượt tàu cá nước ngoài và 20 lượt tàu khác vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; ghi số hiệu lập biên bản, phóng thích hơn 4.000 lượt tàu vi phạm. Các đơn vị đã chủ động đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trên biển, phát hiện, bắt giữ, xử phạt vi phạm hành chính và xử lý tang vật trị giá gần 1.000 tỷ đồng, sung vào ngân sách nhà nước.

Từ năm 2017, các đơn vị cảnh sát biển cũng đã triển khai sáng tạo và hiệu quả hoạt động công tác dân vận thông qua Chương trình “CSB đồng hành với ngư dân” và “CSB với đồng bào dân tộc, tôn giáo”. Chương trình đã thu hút được nhiều tổ chức chính trị-xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng tham gia giúp đỡ ngư dân bằng hiện vật và số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Hoạt động này đã góp phần tạo hiệu ứng trong xã hội hướng về biển, đảo, góp phần xây dựng thế trận lòng dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển ngày càng vững chắc.

Các đơn vị Cảnh sát biển Việt Nam luôn đồng hành với ngư dân và làm tốt công tác dân vận

Theo Thiếu tướng Đỗ Hồng Đó, Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, trong thời gian tới, lực lượng cảnh sát biển sẽ triển khai thêm nhiều địa điểm ứng trực trên biển tạo độ dày trên biển để khi ngư dân có yêu cầu hỗ trợ thì lực lượng cảnh sát biển chúng tôi sẽ có mặt được ngay”.

Để nâng cao khả năng giải quyết các vấn đề an ninh, môi trường biển. Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ động, tích cực phát triển, mở rộng quan hệ với lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước trên tinh thần hợp tác, phát triển, hội nhập. Đến nay, Cảnh sát biển Việt Nam đã có quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, như: Campuchia, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ….

Cảnh sát biển Việt Nam đã có quan hệ song phương, đa phương với lực lượng thực thi pháp luật của nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra, Cảnh sát biển Việt Nam còn hoàn thành tốt vai trò là đại diện cho Chính phủ Việt Nam tham gia Hiệp định liên chính phủ về chia sẻ thông tin chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại châu Á; là thành viên của hội nghị Những người đứng đầu lực lượng thực thi pháp luật trên biển các nước châu Á; đại diện cho Việt Nam tham gia Sáng kiến thực thi pháp luật trên vịnh Thái Lan…. Cảnh sát biển đã xây dựng một trung tâm trao đổi thông tin liên lạc, duy trì thường xuyên hoạt động chia sẻ thông tin về tình hình an ninh hàng hải, cướp biển, cướp có vũ trang, tìm kiếm cứu nạn với lực lượng thực thi pháp luật của 20 quốc gia và duy trì đường dây nóng với 7 quốc gia trong khu vực.

Phối hợp luyện tập phòng, chống cháy nổ với Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ.

Những hoạt động thiết thực này đã góp phần làm phong phú hơn kiến thức và kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, quân đội với bạn bè quốc tế, tạo dựng niềm tin, xây dựng môi trường hòa bình, ổn định.

Sau 22 năm xây dựng và trưởng thành (28-8-1998 / 28-8-2020), hiện nay, về cơ bản, tổ chức, biên chế, trang bị phương tiện của lực lượng CSB đã và đang được đầu tư đúng hướng, bảo đảm được sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; bảo đảm sự chỉ huy tập trung, thống nhất từ Bộ tư lệnh đến các đơn vị trong toàn lực lượng, bảo đảm bao quát được các nhiệm vụ và triển khai thuận lợi các biện pháp công tác. Cảnh sát biển từ chỗ là một cơ quan trực thuộc Quân chủng Hải quân, đến nay đã thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; các vùng Cảnh sát biển được tổ chức lại thành Bộ Tư lệnh vùng; các cụm trinh sát, phòng chống tội phạm ma túy được tổ chức thành Đoàn trinh sát, Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy.

Lực lượng Cảnh sát biển đã và đang được trang bị nhiều phương tiện hiện đại.

Thiếu tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển cho biết:Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng có nhiều điểm mới, nhưng tôi tâm huyết nhất là việc Đảng ta định hướng nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế biển. Trong đó Nghị quyết của Đảng đã định hướng thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, bảo vệ tài nguyên môi trường biển. Điều đó thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước ta về vai trò của kinh tế biển cũng như yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới.

Hoạt động cứu hộ - cứu nạn của Cảnh sát biển

Để góp phần thực hiện thắng lợi những chủ trương của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam (BTL CSBVN) đã, đang và sẽ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng lực lượng CSBVN hiện đại vào năm 2030. Tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, pháp luật. Xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện mẫu mực, tiêu biểu về mọi mặt, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Tàu Cảnh sát biển 8004.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam giai đoạn 2015-2020, phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo do Bộ Quốc phòng tổ chức,Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: "Đề án xây dựng lực lượng Cảnh sát biển là một đề án rất lớn, liên quan đến tổ chức, biên chế, trang bị, đảm bảo cơ sở hạ tầng cho một lực lượng mới được thành lập, có nhiều công việc. Đến năm 2030, Cảnh sát biển được xác định là một trong những lực lượng tiến thẳng lên hiện đại". Bộ tư lệnh CSB tiếp tục triển khai thực hiện hoàn thành các mục tiêu còn lại của đề án, tập trung ổn định tổ chức, biên chế, các nguồn lực bảo đảm đủ vũ khí, trang bị, xây dựng cơ sở hạ tầng; xác định đến năm 2030 lực lượng CSB hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển thực hành huấn luyện trên biển.

Thực hiện lộ trình đến năm 2030 xây dựng lực lượng hiện đại, nhiệm vụ được cảnh sát biển đặt lên hàng đầu là xây dựng lực lượng vững mạnh về chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ. Để xây dựng được lực lượng hiện đại trước tiên cần có con người hiện đại, theo đó lực lượng cảnh sát biển sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của lực lượng, trong đó đặc biệt phải quan tâm bồi dưỡng, đào tạo về kiến thức luật pháp, ngoại ngữ, kiến thức kinh tế-xã hội và quan hệ quốc tế…. Đồng thời, tham mưu, kiến nghị cấp trên căn cứ vào điều kiện của đất nước và yêu cầu nhiệm vụ, tiếp tục trang bị nhiều tàu, xuồng cùng nhiều loại trang thiết bị sẵn sàng chiến đấu và hệ thống thông tin chỉ huy hiện đại, đảm bảo lực lượng đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới.

Những thành tích và kết quả lực lượng cảnh sát biển đạt được trên con đường xây dựng hiện đại đã thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sâu sát của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với công tác cảnh sát biển. Những thành quả thu được đã góp phần tô thắm thêm truyền thống “Kiên quyết dũng cảm, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, giữ nghiêm pháp luật” của Cảnh sát biển Việt Nam, cùng với các lực lượng khác thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh-trật tự an toàn trên biển, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân.

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN VĂN MINH

Nội dung: NGUYỄN VĂN DUYÊN - NGUYÊN MINH

Ảnh: MẠNH THƯỜNG, ĐỨC HẠNH, MINH TUẤN, CTV

Kỹ thuật, đồ họa: PHẠM HÀ - THANH HƯƠNG - VIỆT HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/da-phuong-tien/longform/canh-sat-bien-viet-nam-nong-cot-thuc-thi-phap-luat-tren-bien-650356