Cảnh sát bắn đạn thật, 3.000 người Iraq tàn tật sau 2 tháng biểu tình

Hamza xuống đường biểu tình ở thủ đô Baghdad của Iraq, mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng cậu bé 16 tuổi đã trả giá quá đắt: bị gãy xương sống và liệt chân.

“Đây là hy sinh của tôi cho Iraq”, Hamza nói với AFP qua điện thoại từ Baghdad.

“Nếu đi lại được, tôi sẽ lại xuống đường ngay”.

Hamza và ít nhất 3.000 người khác đã bị thương tật ở Baghdad và vùng phía nam Iraq kể từ khi biểu tình chống chính phủ nổ ra ngày 1/10, theo tổ chức Iraqi Alliance for Disabilities Organization (IADO) (tạm dịch: liên minh Iraq cho người khuyết tật).

Đó là một con số đau lòng tại đất nước đang có tỷ lệ người khuyết tật cao nhất thế giới, theo Liên Hợp Quốc.

Sau khi chịu nhiều thập kỷ xung đột liên miên, Iraq lại đang chìm trong phong trào biểu tình đường phố lớn nhất và đẫm máu nhất, với 300 người chết và 15.000 người bị thương từ khi bắt đầu biểu tình

Người biểu tình Iraq vẽ chữ "Chúng tôi cần đất nước mới" trên đầu. Ảnh: AFP.

Người biểu tình Iraq vẽ chữ "Chúng tôi cần đất nước mới" trên đầu. Ảnh: AFP.

Để giải tán đám đông, an ninh Iraq dùng hơi cay, đạn cao su, lựu đạn choáng, đạn thật và súng máy - tất cả đều có thể gây thương tật, thậm chí tử vong.

Hamza nằm trong số khoảng 20 người đã bị trúng đạn thật ngày 4/11 ở Baghdad. Viên đạn đó đi qua bụng và đâm xuyên qua lưng của Hamza, để lại một lỗ hổng lớn. Hai viên đạn khác trúng chân của cậu.

Iraq có hàng triệu người khuyết tật

Đến khi cậu đến bệnh viện gần đó, Hamza đã mất một lít máu và nhịp tim cậu đang giảm dần, theo Abu Layth, cha của cậu.

“Nó gần như đã chết. Bác sĩ đã cứu sống nó”, cha của Hamza nói với AFP.

Ảnh chụp CT và hồ sơ bệnh án do gia đình Hamza cung cấp cho thấy xương sống của cậu bị nhiều vết rạn, khiến chân phải của cậu bị liệt.

Sau hơn một tuần nằm viện, Hamza được về nhà và phải dùng thuốc mê đều đặn.

“Có những lúc nó la lên giữa đêm vì đau”, cha của Hamza nói.

Người biểu tình ở Baghdad ngày 16/11. Ảnh: AP.

Iraq có phải trải qua nhiều cuộc xung đột đẫm máu, từ chiến tranh năm 1980-1988 với nước láng giềng Iran đến cuộc xâm lược năm 2003 của Mỹ lật đổ độc tài Saddam Hussein, sau đó là cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS).

Mỗi cuộc chiến đã giết chết hàng chục nghìn người, khiến nhiều người hơn thế bị thương tật vĩnh viễn.

Cơ quan thống kê trung ương cho biết sau nhiều thập kỷ xung đột, hơn 2 triệu trong tổng số 40 triệu người Iraq là người khuyết tật đủ điều kiện được chính phủ hỗ trợ.

Nhưng IADO và các nhóm nhân quyền khác nói con số thực lên tới hơn 3 triệu, và vẫn đang tăng lên.

“Số người khuyết tật vẫn tiếp tục tăng... Chúng tôi đi qua hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác”, người đứng đầu IADO Muwafaq al-Khafaji nói với AFP.

Ông nói con số ước tính 3.000 người bị thương tật kể từ 1/10 chỉ là con số ước tính, vì chính phủ hoặc là không thống kê đầy đủ, hoặc là không công bố con số chính xác.

Tổ chức IADO phải liên hệ với các bệnh viện và các gia đình ở Baghdad và vùng miền Nam Iraq để thực hiện việc ước tính.

Cảnh sát bắn hơi cay khi đụng độ với người biểu tình ở Baghdad, Iraq ngày 14/11. Ảnh: AP.

“Sinh ra để chết”

Mặc dù Iraq là một bên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của Người Khuyết tật, người khuyết tật nước này phải đối mặt với dịch vụ y tế chất lượng kém, thiếu cơ hội việc làm và bị xã hội xa lánh.

Họ đã tổ chức những buổi tuần hành ở Baghdad để đòi hỏi có thêm sự hỗ trợ từ chính phủ.

“Cơ sở hạ tầng ở Iraq thậm chí còn không đủ để đáp ứng nhu cầu của những người lành lặn”, al-Khafaji từ tổ chức IADO nói.

Hệ thống y tế của Iraq đã kiệt quệ, các bệnh viện thiếu thốn trầm trọng và các bác sĩ bị đe dọa trong những tranh chấp về chính trị và bộ lạc.

Cảnh sát dùng hơi cay đối phó với người biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Baghdad của Iraq ngày 28/10. Ảnh: AP.

Các nhóm hoạt động nhân quyền đã ghi nhận các vụ bắt cóc nhân viên y tế, cũng như việc bắt giữ những người biểu tình làm việc cho các bệnh viện.

Thiếu nguồn lực, các bác sĩ không thể chăm sóc đầy đủ cho những người biểu tình bị thương, khiến vết thương của họ ngày càng trầm trọng.

Các nhân viên y tế thậm chí phải cưa chân hoặc tay để cứu mạng người biểu tình, theo Farah, một sinh viên ngành y 19 tuổi đang tình nguyện ở một trạm y tế trong cuộc biểu tình ở quảng trường Tahrir (giải phóng), Baghdad.

Quảng trường Tahrir có nhiều trạm y tế tạm, chữa trị cho những người biểu tình, bao gồm Ali, 30 tuổi, người đang phải đeo băng che con mắt phải.

Biểu tình phản đối tham nhũng và dịch vụ công yếu kém ở Baghdad cuối tháng 9. Ảnh: AFP.

Vào đêm ngày 24/10, Ali, cha của bốn đứa trẻ, đang ở một cây cầu gần đó khi nghe tiếng súng vang lên và nhìn thấy hàng trăm người chạy tán loạn.

Trước khi anh chạy theo họ, một lựu đạn choáng nổ ở chân khiến anh ngã gục. Anh tỉnh dậy sau một giờ ở một bệnh viện gần đó.

Ali chỉ có thể mở mắt trái. Anh đã mất con mắt kia do mảnh đạn văng vào.

“Họ muốn ngăn chặn người biểu tình, nhưng chúng tôi lại càng quyết tâm”, anh nói với AFP, giữa nhiều người khác cũng băng bó ở xung quanh.

“Người Iraq đã phải chịu đựng mọi thứ, chúng tôi được sinh ra là để chết”.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/canh-sat-ban-dan-that-3000-nguoi-iraq-tan-tat-sau-2-thang-bieu-tinh-post1015537.html