Cảnh sắc đắm say ở vùng đất phía tây nam Tổ quốc

Kiên Giang được ví như một Việt Nam thu nhỏ với điều kiện tự nhiên phong phú, có rừng, núi, sông, suối, biển đảo, đồng bằng. Nơi đây ngày càng có sức hút đối với du khách mọi miền.

Cảnh sắc đa dạng như Việt Nam thu nhỏ

Kiên Giang ai vẽ thành tranh núi rừng xanh nhìn nước biển xanh.

Bao nhiêu biển rừng bao chiến tích lẫy lừng nào ai du khách về thăm nặng tình miền quê khó rời.

Lời bài hát Đất biển Kiên Giang của nhạc sĩ Lý Dũng Liêm nổi tiếng khiến mỗi người con mảnh đất Kiên Giang đều biết đến, hoặc từng ngân nga một vài câu hát. Nói đến Kiên Giang, điểm nhấn rõ nét nhất trong lòng du khách bốn phương là một vùng đất biển với cảnh quan biển đảo tươi đẹp, những cánh rừng xanh thẳm hoang sơ.

Kiên Giang cũng có hàng chục ngọn núi, phân bố nhiều tại Hà Tiên, Phú Quốc, Kiên Hải, Kiên Lương và Hòn Đất. Nơi đây cũng được thiên nhiên ưu ái, ban tặng những ngọn núi đồi xinh đẹp phủ bóng cây xanh. Điểm đặc biệt là vùng đất có vị thế nằm sát biển, tạo khung cảnh biển đảo kết hợp đồi núi tươi đẹp hút hồn du khách.

Với thế mạnh biển đảo, tỉnh xây dựng đề án phát triển du lịch phân thành 4 vùng trọng điểm gồm Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá - Kiên Hải - Hòn Đất và U Minh Thượng. 3/4 vùng du lịch (ngoại trừ U Minh Thượng) ưu tiên tuyệt đối phát triển du lịch biển đảo, đồi núi.

Khung cảnh biển đảo trong lành, hoang sơ của Phú Quốc, Hà Tiên.

Khung cảnh biển đảo trong lành, hoang sơ của Phú Quốc, Hà Tiên.

Bên cạnh biển đảo, đồi núi, Kiên Giang cũng rất thu hút du khách với những khung cảnh làng quê đậm chất miền Tây, cánh đồng lúa trĩu vàng, ô ruộng đầu vụ. Nhiều du khách thích thú điều này. Họ cho rằng ít nơi nào trong cả nước vừa có biển đảo, lại có đồng bằng, với những cánh đồng lúa mênh mông.

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những dòng sông mượt mà nơi đất biển Kiên Giang. Sông trong nội đồng, hay trên đảo đều có. Đặc trưng của những con sông ở Kiên Giang là nước khá tĩnh lặng, in bóng những căn nhà, bóng cây ven sông.

Những năm gần đây, ngành du lịch Kiên Giang ngày càng phát triển, doanh thu tăng trưởng ấn tượng. Tổng lượng khách du lịch đến tỉnh từ năm 2016 đến tháng 9/2019 đạt khoảng 26,3 triệu lượt.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch khoảng 20%/năm, doanh thu du lịch tăng khoảng 40%/năm. Doanh thu du trực tiếp về du lịch từ năm 2016 đến tháng 9/2019 đạt gần 21.000 tỷ đồng. Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Đô thị biển lung linh ánh đèn đêm

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế Kiên Giang đạt mức khá so với bình quân cả nước, duy trì trung bình trên 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người khoảng 3.000 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, theo hướng tăng dần tỷ trọng cộng nghiệp và dịch vụ du lịch.

Kết cấu hạ tầng đô thị được quan tâm chỉnh trang, xây dựng. Cuối năm 2018, Hà Tiên được công nhận là thành phố. Huyện đảo Phú Quốc cũng đang xin ý kiến Trung ương xem xét đề án trở thành thành phố trong tương lai gần. Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc hiện là 3 đô thị năng động, phát triển và hiện đại nhất của tỉnh Kiên Giang.

Đô thị TP Rạch Giá.

Rạch Giá là trung tâm kinh tế - chính trị của Kiên Giang. Đây là một trong những thành phố giàu có và sầm uất bậc nhất miền Tây. Đến đây, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi khu lấn biển ở TP Rạch Giá đã trở thành khu đô thị mới khang trang, với nhiều kỳ vọng sẽ là đô thị biển tiêu biểu của cả nước.

TP Rạch Giá hiện là nơi có hoạt động thương mại năng động bậc nhất của tỉnh. Đô thị TP Rạch Giá từng bước được chỉnh trang, diện mạo dần khang trang.

Hiện TP Rạch Giá đã hình thành 2 khu lấn biển với tổng diện tích khoảng 520 ha, giải quyết đất ở cho hơn 60.000 người dân. Cùng với đó, khu vực lấn biển này đã và đang triển khai xây dựng các công trình công cộng, quảng trường, bệnh viện, trường học, các địa điểm vui chơi giải trí…

Bên cạnh đó, Phú Quốc đã được quy hoạch và đang phát triển thành khu kinh tế biển - trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế.

Với cảnh quan thiên nhiên và điều kiện địa lý tuyệt vời, cùng với những nỗ lực trong nhiều năm gần đây về đổi mới cơ chế, chính sách, về tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, hạ tầng đô thị… đảo Phú Quốc đang trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch, cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Thị trấn Dương Đông - đô thị lớn nhất tại Phú Quốc.

Ai đã qua Hà Tiên, chắc hẵn không khỏi xuyến xao bởi vẻ đẹp của vùng đất này. Hà Tiên từng đi vào thơ ca, nhạc họa, là vùng đất lành, xinh đẹp nhiều người muốn tìm về khám phá.

Thành phố Hà Tiên.

Hà Tiên nổi tiếng với thập cảnh hữu tình như Thạch Động, Đá Dựng, Mũi Nai, đầm Đông Hồ, núi Bình San… Với cảnh quan tươi đẹp, Hà Tiên thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm, đứng thứ nhì trong tỉnh Kiên Giang (chỉ sau Phú Quốc).

Thị xã Hà Tiên chính thức trở thành thành phố Hà Tiên cuối năm 2018. Thành phố này nằm ven con sông Tô Châu hiền hòa, xung quanh là những ngọn núi xanh thẳm bóng mây.

Năm 2018, Hà Tiên đón 2,6 triệu lượt khách. 10 tháng đầu năm 2019, thành phố này đón trên 2,3 triệu lượt khách, doanh thu 1.300 tỷ đồng. Lượng khách đến Hà Tiên khá bình ổn, năm sau cao hơn năm trước khoảng 10%, chứng tỏ được sức hút du lịch của vùng đất này.

Những đặc sản chân quê bình dị

Ngoài những thắng cảnh biển đảo, đồi núi tươi đẹp, những khu phố lấn biển đặc trưng, Kiên Giang còn được biết đến là "đất chiến" của giới nhiếp ảnh trong cả nước, khi tỉnh có nhiều đề tài sáng tác ảnh đặc trưng, thậm chí có một không hai.

Nghề làm khô cá ngân chỉ ở TP Rạch Giá.

Vào những tháng đầu năm, từng đàn chim hải âu bay về trước cửa sông Kiên (TP Rạch Giá) để săn mồi. Thói quen săn mồi này của chim hải âu đã trở thành thường xuyên hàng năm. Những cú đảo chân, đướp mồi ngoạn mục dưới làn nước trở thành đề tài sáng tác ảnh nghệ thuật. Đây là đề tài "có một không hai" mà giới nhiếp ảnh rất thích thú sáng tác.

Kiên Giang cũng là tỉnh thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên bị tác động bởi nước lũ thượng nguồn. Hàng năm, cứ đến mùa nước nổi, hoạt động mưu sinh của người dân như đặt dớn, chài lưới... khá đa dạng. Công việc này gắn bó với người dân từ nhiều đời. Có những năm con nước về muộn hoặc không về, người dân lại mỏi mòn ngóng chờ.

Nông dân mưu sinh mùa nước nổi.

Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các được tổ chức tại thành phố Hà Tiên vào tháng 2 hàng năm. Một trong những hoạt động của lễ hội là phần diễu hành xe đạp hoa của thiếu nữ và người dân Hà Tiên. Hình ảnh này tạo thích thú cho nhiều người. Họ nói rằng hoạt động này giúp gợi nhớ một nét văn hóa của nhiều năm về trước, thông qua hình ảnh nữ sinh với xe đạp, với áo dài duyên dáng.

Nữ sinh diễu hành xe đạp hoa trong dịp lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên.

Tại TP Rạch Giá, văn hóa lễ hội được duy trì và phát huy thông qua lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Lễ giỗ năm 2019 vừa qua, có hơn 1 triệu lượt nhân dân các nơi về khấn viếng cụ Nguyễn. Đây là lễ hội lớn nhất của tỉnh Kiên Giang cả về quy mô tổ chức lẫn số lượng người tham gia, trở thành một nét văn hóa đặc trưng của địa phương.

Người dân tụ họp gói bánh làm lễ giỗ anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Mùa biển cạn, người dân Phú Quốc cho ghe đánh cá nằm bến.

Nhịp sống vẫn êm trôi. Người Kiên Giang mến đất, quý người luôn cố gắng lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần nhân văn và gần gũi nhất. Giả từ đất biển Kiên Giang, những người xa quê không khỏi chạnh lòng nhớ...

Phạm Ngôn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/dep-tuoi-dat-bien-kien-giang-post1010521.html