Cảnh quan mới lạ hai bên tuyến metro đầu tiên của Hà Nội

Tuyến metro 'rùa thập kỷ' đang từ từ thành hình kết hợp cùng nhiều dự án bất động sản ăn theo từ Nhổn về tới Kim Mã tạo nên diện mạo mới lạ xuyên suốt chiều dài hai bên đường.

Tuyến metro 'rùa thập kỷ' nhìn từ trên cao Tuyến metro "rùa thập kỷ" đang từ từ thành hình kết hợp cùng nhiều dự án bất động sản ăn theo từ Nhổn về tới Kim Mã tạo nên diện mạo mới lạ xuyên suốt chiều dài hai bên đường.

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội (tuyến đường sắt đô thị số 3) khởi công từ năm 2006, đến nay đã 12 năm, chậm tiến độ gần một thập kỷ so với kế hoạch. Trong ảnh là điểm đầu của tuyến tại khu vực ĐH Công nghiệp (Nhổn).

Tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội (tuyến đường sắt đô thị số 3) khởi công từ năm 2006, đến nay đã 12 năm, chậm tiến độ gần một thập kỷ so với kế hoạch. Trong ảnh là điểm đầu của tuyến tại khu vực ĐH Công nghiệp (Nhổn).

Nhà ga đầu tiên của tuyến tại Nhổn, ga S1, đang được xây dựng. Theo thiết kế, ga có cầu thang lên xuống ở hai bên trên quốc lộ 32.

Đoạn đi trên cao từ Nhổn tới Cầu Giấy dài 8,5 km gồm 8 ga S1 đến S8. Đoạn đi ngầm dưới lòng đất dài 4 km gồm 4 ga từ S9 đến S12, trong đó có 2 ga kết nối và trung chuyển là Cầu Giấy và Cát Linh. Tổng cộng tuyến đường sắt này có 12 nhà ga.

Ga S4 Cầu Diễn gần cầu vượt sông Nhuệ vẫn ngổn ngang, vắng bóng công nhân làm việc.

Dự án có tổng chiều dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm, đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.

Hệ thống dầm đã được lắp đặt xuyên suốt từ đầu tuyến về tới Mai Dịch.

Các thanh dầm này nặng 157 tấn, dài 25 m, rộng hơn 5,5 m và cao gần 2 m. Để cẩu được những tấm dầm kích thước lớn như thế này, đội thi công phải huy động tổ hợp ôtô đầu kéo và cụm rơmooc quá khổ dài 48,8 m, tổng trọng lượng cả xe và hàng lên tới 256 tấn.

Tuyến metro đoạn qua khu vực nghĩa trang Mai Dịch, trên đường Hồ Tùng Mậu.

Nơi đây đang mọc lên nhiều dự án bất động sản ăn theo, tạo nên cảnh quan khá hấp dẫn ở phía tây thủ đô.

Dọc tuyến đường từ Mai Dịch về Nhổn, bên trái là khu đô thị Mỹ Đình, bên phải là tổ hợp chung cư Goldmark City.

Khác với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có kết cấu trụ hình vuông, tuyến Nhổn - ga Hà Nội có trụ bê tông kết nối các nhà ga trên cao hình tròn.

Tuyến metro tại nút giao Phạm Văn Đồng - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu - Phạm Hùng, nơi giao nhau giữa các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Cầu Giấy.

Dự án chạy qua 2 nút giao thông lớn có cầu vượt là Mai Dịch và Cầu Giấy. Khối lượng chính của gói thầu là xây dựng tuyến cầu cạn đi từ Nhổn về Kim Mã với 318 nhịp, bao gồm 286 nhịp điển hình; 32 nhịp đổ tại chỗ và 3 cầu đặc biệt (cầu vượt sông Nhuệ, cầu vành đai 3 và vành đai 2).

Tại các nút giao này, sau khi hoàn thiện, mỗi nút có 3 tầng xe chạy gồm đường bộ, cầu vượt và đường sắt đô thị.

Hình ảnh tại đường Xuân Thủy nơi giao với Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), bên phải là Học viện Báo chí tuyên truyền.

Đoạn đường Cầu Giấy từ ngã tư Nguyễn Phong Sắc...

... tới nút giao Láng - Bưởi chưa được lao dầm. Toàn bộ kết cấu của công trình cầu sử dụng bêtông cốt thép và bêtông cốt thép dự ứng lực để đảm bảo sự bền vững.

Khu vực trước cửa Đại học Giao thông Vận tải ngổn ngang vật liệu xây dựng.

Dự án tại đoạn Kim Mã, bên hồ Thủ Lệ (quận Ba Đình). Điểm cuối của đoạn đi trên cao trên toàn tuyến đã xong phần trụ và đổ xà, chưa có thanh dầm nào được lắp đặt.

Đây là điểm chuyển tiếp giữa nhà ga trên cao và hệ thống nhà ga ngầm của dự án. Từ vị trí này đến ga Hà Nội sẽ có 4 ga ngầm với chiều dài hơn 4 km. Tuy nhiên hiện gói thầu thi công ngầm chưa được khởi công.

Toàn cảnh tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài 12,5 km với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, dự kiến khai thác thương mại vào năm 2021.

Nguyễn Vân Ngọc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/canh-quan-moi-la-hai-ben-tuyen-metro-dau-tien-cua-ha-noi-post830882.html