Cánh phía Đông đã mở

Năm 1975, 52 liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh ác liệt tại cầu Rạch Chiếc (nối quận 9 và quận 2, TPHCM), để mở đường cho cánh quân phía Đông thẳng tiến vào cắm cờ trên dinh Độc Lập. Giờ đây, ở cánh phía Đông TPHCM đang có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Hạ tầng giao thông liên hoàn, hiện đại tại khu Đông TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Hạ tầng giao thông liên hoàn, hiện đại tại khu Đông TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Hạ tầng đi trước

Xa lộ Hà Nội vốn có tên xa lộ Biên Hòa (nối Biên Hòa với Sài Gòn) được hoàn thành năm 1961 sau 4 năm thi công, là tuyến đường hiện đại nhất miền Nam lúc bấy giờ, dài 31km, rộng 21m, với 2 chiều phân cách, mỗi bên 2 làn xe. Nay tuyến đường này đã thực sự thành một xa lộ hiện đại, chiều rộng mặt đường từ 21m được mở rộng thành 142m (có đoạn rộng đến 153,5m), với 16 làn xe.

Các cầu Sài Gòn, Rạch Chiếc, Đồng Nai trên xa lộ đã được xây mới, mở rộng, nâng cấp. Trên xa lộ, dòng phương tiện nườm nượp lưu thông ngày đêm không nghỉ. Song song với xa lộ Hà Nội, lừng lững trên cao có tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên uốn lượn. Hệ thống nhà ga, đường chạy tàu đã thành hình, sắp đến ngày vận hành.

Mặc dù xa lộ Hà Nội đã được mở rộng, nhưng vẫn bị quá tải trước nhu cầu vận tải ngày càng cao của TPHCM. “Chia lửa” với xa lộ Hà Nội, tuyến đường Phạm Văn Đồng đã được đầu tư xây dựng, kéo dài quốc lộ 1K vào trung tâm thành phố. Tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây cũng đã được đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác từ nhiều năm qua.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, để thúc đẩy kinh tế phát triển, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Giao thông ở cánh phía Đông không chỉ dừng lại xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1K, đường cao tốc TPHCM - Long Thành và tuyến metro số 1, mà còn có tuyến đường sắt tốc độ cao, các đường vành đai nối kết, bến phà Cát Lái sẽ được thay bằng cầu, tuyến metro số 1 sẽ được kéo dài thêm.

Thành phố sáng tạo nay mai

Xa lộ Hà Nội bây giờ là đại lộ lớn nối quận Thủ Đức, quận 9 và quận 2, hai bên đường là những khu đô thị khang trang, hiện đại. Vùng đất ngày trước nổi danh “Vùng bưng sáu xã”, căn cứ cách mạng trong suốt những năm tháng kháng chiến, nay được chọn để xây dựng thành phố sáng tạo, với 3 trụ cột chính: Đại học Quốc gia TPHCM, Khu Công nghệ cao TPHCM và Trung tâm Tài chính - Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Nằm trên ngọn đồi cao thuộc phường Linh Trung (quận Thủ Đức), Đại học Quốc gia TPHCM là trung tâm đào tạo, nghiên cứu lớn của đất nước. Đại học quy tụ 8 đơn vị thành viên và tập trung 27 cơ sở đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ. Quy mô đào tạo hiện nay đã lên đến 69.000 sinh viên.

Bên kia xa lộ, dọc theo đường Võ Chí Công (quận 9) đã mọc lên hàng loạt nhà máy, trung tâm nghiên cứu của Khu Công nghệ cao TPHCM khang trang, hiện đại. Sau hơn 17 năm thành lập, Khu Công nghệ cao thu hút được 157 dự án, trong đó có trên 70 dự án đã đi vào hoạt động, tổng giá trị xuất khẩu lũy kế trên 45 tỷ USD. Nơi đây được nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới chọn, đầu tư hàng tỷ USD để phát triển như Intel (Mỹ), Samsung (Hàn Quốc), Nidec, Nipro (Nhật Bản)…

Ông Trần Văn Bảy, Chủ tịch UBND quận 9, chia sẻ: “Vùng bưng sáu xã hôm nay được chọn xây dựng thành phố sáng tạo. Cán bộ chúng tôi cũng như người dân luôn ý thức, đây không chỉ niềm tự hào mà còn là trách nhiệm nặng nề, phải quyết tâm thực hiện. Nhiều năm giảng dạy ở Trường Đại học Luật TPHCM trước lúc làm công tác quản lý lãnh đạo, tôi rất tâm đắc bài học để phát triển kinh tế, xây dựng thành phố giàu mạnh, bền vững phải dựa trên nền tảng tri thức và kỷ cương”.

Cánh phía Đông thành phố đã mở. Nơi đây không chỉ là chứng tích lịch sử, mà còn là “chứng nhân” của sự phát triển đất nước.

TRẦN YÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/canh-phia-dong-da-mo-660039.html