Cảnh luyện võ Bình Định nguy hiểm ở tháp Bánh Ít

Để chuẩn bị cho Liên hoan Tinh hoa võ Việt quốc tế 2019, thầy trò Võ đường Việt Anh ở Bình Định đã có nhiều buổi tập luyện và thi đấu nội bộ tại khuôn viên tháp Bánh Ít.

Một buổi tập luyện của thầy trò Võ đường Việt Anh tại khuôn viên tháp Bánh Ít, huyện Tuy Phước (Bình Định).

Một buổi tập luyện của thầy trò Võ đường Việt Anh tại khuôn viên tháp Bánh Ít, huyện Tuy Phước (Bình Định).

Đối luyện song kiếm tấn công trường kích. Võ Bình Định có hệ thống đòn thế, quyền cước rất phức tạp. Qua thời gian, những đòn thế này được tổng hợp thành các bài quyền điển hình của võ thuật cổ truyền Việt Nam như Ngọc trản quyền, Lão mai quyền, Hùng kê quyền, Siêu bát quái, Roi tấn nhứt, Roi ngũ môn.

Trong số hàng trăm võ sinh các lò võ tuyển lựa ra được một số người thực sự có năng khiếu. Trong ảnh, màn Một đối hai có binh khí được các võ sinh luyện tập thường xuyên để nâng cao khả năng phòng vệ.

Quyền cước được chú trọng trong võ cổ truyền. Đòn Bàn long cước cũng là một trong những cước pháp có uy lực để truy cản hoặc hạ gục đối thủ.

Đòn Bàn long cước dũng mãnh đẩy lùi đối thủ. Từ xa xưa, Bình Định đất rộng người thưa, núi rừng hiểm trở, ruộng đồng chưa được khai phá, đi lại khó khăn, chưa có bàn tay xây dựng của con người. Đây là địa danh mang đầy bí ẩn, hấp dẫn đã thu hút người dân ở mọi miền về đây lập nghiệp và tạo nên môn võ thuật cổ truyền Bình Định.

Theo nhiều tài liệu sử học khác nhau, võ thuật Bình Định được hình thành từ nền tảng hết sức phong phú. Trong ảnh, đòn Giáng long thôi sơn hạ gục đối phương một cách nhanh chóng.

Pha giao đấu giữa Song kiếm và Trường thương trong đó người dùng thương là kẻ tấn công còn võ sĩ cầm kiếm làm nhiệm vụ chống đỡ và khống chế. Đây là những môn trong thập bát binh khí của võ lâm.

Đòn Song phi mượn côn khống chế đối thủ sử dụng Tứ linh đao. Tên gọi Tứ Linh rất có thể nhằm chỉ 4 loài thú thiêng (Long, Lân, Quy, Phượng) toát lộ cả hình và ý trong các chiêu thức của bài.

Tung người tránh đòn quét đao. Đây là pha không chiến giữa Tứ linh đao và Đại đao. Các chiêu thức trong bài võ này gồm trảm, phạt, khắc, đâm, chém, đỡ.

Kim tinh phiến (võ quạt) hóa giải đòn tấn công của tứ linh đao bằng sự linh hoạt của thân thủ. Chiêu thức này đòi hỏi người tập luyện phải uyển chuyển mềm mại cả thân pháp lẫn cước pháp.

Hạ gục đối phương bằng cạnh bàn tay. Trong môn võ cổ truyền Bình Định, kỹ thuật này gọi là Cương đao trảm thạch.

Roi (hay còn gọi là Trường côn), một binh khí được hình thành trong lao động của người Bình Định. Với Trường côn, có thể tung cao, nhảy rộng, thấp, bổ, quét, múa hoa, biến hóa, linh hoạt, tiếng gió côn ào ạt, khí thế cực kỳ dũng mãnh. Loại côn lớn ngày xưa khi vũ lộng thì phải có kình lực ở hông, chân và lực ở tay cũng đòi hỏi phải phối hợp, khi tác chiến thực sự thì lấy ưu thế chiều dài, độ lớn và sức nặng để chế ngự đối phương.

Nghệ thuật đánh côn yêu cầu tay, mắt, thân pháp, bộ pháp phải thống nhất hợp điệu, có lợi cho việc nâng cao thể lực, phát triển độ nhanh, sức bền, tạo tinh thần kiên cường, dũng cảm. Trong ảnh, tuyệt chiêu thoát hiểm bởi những cú bay người khi bị tấn công bằng vũ khí.

Thiết phiến (quạt chiến) - một trong những binh khí huyền bí và nguy hiểm có nguồn gốc từ Nhật Bản. Thiết phiến đấu cùng Song kiếm. Theo các chuyên gia võ thuật, Thiết phiến không rõ có mặt ở Việt Nam từ thời điểm nào.

Đòn Song long xuất hải có thể hạ gục đối phương có binh khí trong tích tắc. Võ Bình Định có nhiều tuyệt chiêu về quyền thuật nên việc đối kháng với binh khí không làm những võ sĩ tay không nao núng trước đối thủ có binh khí.

Đoàn Hoàng Giáp, võ sinh Võ đường Hồ Sơn Hào, từng đoạt nhiều huy chương vàng quốc gia với bài quyền Song nhị khúc.

Võ Việt

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/canh-luyen-vo-binh-dinh-nguy-hiem-o-thap-banh-it-post977876.html