Cảnh giác với viêm não Nhật Bản biến chứng nặng

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp Y học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận khoảng gần 100 ca viêm não, trong đó có hai ca viêm não Nhật Bản còn lại viêm não do các loại virus khác.

TS. BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện tại, Trung tâm đang điều trị cho một ca bệnh viêm não Nhật Bản rất nặng đó là bệnh nhi 10 tuổi vào trong tình trạng phù não nặng, giảm vận động, liệt nửa người. Sau quá trình điều trị tích cực chống phù não, bệnh nhi đã tạm ổn định, hiện đang được tập phục hồi chức năng.

Bệnh nhi viêm não đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Phương

Bệnh nhi viêm não đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Lê Phương

Khai thác tiền sử của bệnh nhân cho thấy, bệnh nhân dù đã được tiêm phòng vắc xin viêm não song mũi tiêm thứ 3 cách mũi 2 hơi dài (cách hai năm). Đồng thời, từ đó đến nay bệnh nhi không tiêm nhắc lại.

Do vậy, bệnh nhân mắc bệnh trong tình trạng rất nặng. “Đây là trường hợp điển hình của tiêm không đầy đủ và không nhắc lại theo đúng phác đồ của Bộ Y tế đề ra”, bác sỹ Lâm nêu.

Cũng theo chuyên gia này, hầu hết các trẻ mắc viêm não đều chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Để hạn chế các biến chứng nặng của bệnh, các bậc phụ huynh không được chủ quan, cần đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi.

Cảnh báo về sự nguy hiểm của bệnh, bác sỹ Lâm nêu, do bệnh xuất hiện và có thể gây ra biến chứng nặng nề, nguy cơ tử vong cao, do vậy các chuyên gia khuyến cáo, khi nghi ngờ bị viêm não cần cho trẻ bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh càng sớm càng tốt.

"Các bậc phụ huynh không nên tự chẩn đoán bệnh và không tự mua thuốc để tự điều trị khi không có chuyên môn về y học. Nếu đưa người bệnh đến bệnh viện muộn sẽ rất khó khăn cho việc điều trị và nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân", chuyên gia cảnh báo.

Ngoài ra, do bệnh này cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vắc xin.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong hơn 10 năm trở lại đây, số ca mắc viêm não virus trung bình khoảng 1.000- 1.200 trường hợp/năm và có khoảng 20- 50 trường hợp tử vong; trong đó, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận 200- 300 trường hợp mắc và tăng cao vào các tháng mùa Hè. Đây là bệnh có diễn biến nặng, chủ yếu tấn công trẻ dưới 15 tuổi.

Viêm não Nhật Bản do virus gây ra, bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 15 tuổi, song người trưởng thành vẫn có khả năng mắc bệnh viêm não Nhật Bản khi trong cơ thể không có miễn dịch chống virus. Hơn thế nữa, bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền do muỗi, vì vậy, mùa nắng nóng cộng thêm thời tiết mưa nhiều là điều kiện thuận lợi nhất cho các loài muỗi phát triển nhanh.

Những dấu hiệu để cha mẹ phân biệt được giữa sốt virus với sốt do viêm màng não. Theo đó, sốt virus có triệu chứng sốt, nôn, đau đầu. Nhưng sốt do viêm màng não thường sốt rất cao, đau đầu nhiều, nôn sau khi ăn. Thêm nữa, trẻ viêm não cũng kèm theo rối loạn ý thức từ ngủ gà, lơ mơ, li bì, thậm chí hôn mê.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/canh-giac-voi-viem-nao-nhat-ban-bien-chung-nang-127417.html