Cảnh giác với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng

Theo thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46), Công an TP HCM, những tháng cuối năm 2017, đầu năm 2018, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua điện thoại VOIP có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, Ban chỉ huy Phòng PC46, Công an TP HCM đã vào cuộc nhằm nhanh chóng tìm ra chân tướng bọn tội phạm...

Một phương thức thủ đoạn của bọn tội phạm là sau khi đưa ra các thông tin về việc bị hại có liên quan đến đường dây tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy hoặc rửa tiền, đang bị cơ quan Công an vào cuộc điều tra nhằm thăm dò thông tin tài khoản ngân hàng, tiền gửi tại các ngân hàng của bị hại, các đối tượng lừa đảo yêu cầu bị hại ra một ngân hàng khác mở tài khoản đứng tên của chính mình, đồng thời đăng ký Internet Banking bằng số điện thoại do chúng cung cấp.

Sau khi nắm được thông tin tài khoản rồi, chúng yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản và cả sổ tiết kiệm vào tài khoản mới mở với lý do để kiểm tra, xác minh, giám định số tiền này có liên quan đến phạm tội mà có hay không.

Tống đạt quyết định khởi tố bị can trong một vụ lừa đảo.

Với cách lừa này, bị hại thường bị mất cảnh giác vì tin rằng tài khoản của mình thì không ai có thể rút tiền ra được nên đã thực hiện theo yêu cầu của chúng. Khi tiền vừa chảy vào tài khoản, bọn tội phạm lập tức nhập mã kích hoạt và mật khẩu rồi sử dụng thông tin do bị hại cung cấp đăng nhập chuyển tiền sang một tài khoản bí mật khác của chúng và rút tiền ngay trong ngày.

Cụ thể như vụ việc xảy ra vào ngày 22-1-2018, trong lúc đang dọn hàng ra bán tại một địa chỉ ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, bà Lê Thị T.B nghe tiếng điện thoại cố định đổ chuông. Vừa nhấc điện thoại lên nghe, bà B đã bị một người đàn ông ở đầu dây bên kia tự xưng là "Điều tra viên cao cấp của Bộ Công an", đang điều tra vụ án mà bà có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia và rửa tiền.

Chưa kịp hoàn hồn thì đầu dây bên kia bồi tiếp rằng, nếu muốn chứng minh được mình trong sạch, bà phải ra Ngân hàng Sacombank mở tài khoản rồi chuyển tiền vào đó để kiểm tra. Trước khi cúp máy, đối tượng không quên buông câu: "Bà cứ yên tâm. Tài khoản đứng tên chính bà nên không sợ bị lừa đâu".

Đang trong tâm trạng hoang mang lo sợ, lại không một chút mảy may nghi ngờ, bà B, lập tức ra Ngân hàng Sacombank - Phòng giao dịch Bình Đăng, chi nhánh quận 8 mở tài khoản số 0601704327… đứng tên chính mình và đăng ký dịch vụ Internet Banking bằng số điện đoại 0947561912 do chúng cung cấp. Sau khi hoàn thành việc mở tài khoản, bà B lập tức cung cấp tất cả các thông tin liên quan, kể cả mã số kích hoạt cho đối tượng.

Một số đối tượng giả danh Công an để lừa đảo vừa bị bắt.

Đến lúc này, đối tượng đi tiếp một bước nữa là yêu cầu bà B rút toàn bộ số tiền 1,043 tỷ đồng đang gửi tại một ngân hàng chi nhánh Chợ Lớn nộp ngay vào tài khoản mới để chúng kiểm tra. Theo dõi khi phát hiện bà B đã thực hiện theo đúng ý đồ của mình, ngay trong ngày 22-1-2018, đối tượng đã kích hoạt dịch vụ Internet Banking chuyển toàn bộ số tiền trên vào một tài khoản khác rồi rút ra chiếm đoạt.

Bên cạnh việc giả danh cán bộ điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án để hù dọa, hiện nay các đối tượng còn sử dụng chiêu gọi điện thoại vào bất kỳ một máy cố định nào đó và sau khi nhận thấy người nhấc máy là nữ thì lập tức thông báo đang có bưu phẩm có giá trị lớn từ nước ngoài chuyển về tại một ngân hàng nào đó. Muốn nhận được hàng phải đóng phí bưu phẩm, nếu không sẽ bị trừ tiền tại bất cứ tài khoản ngân hàng nào.

Nếu gặp trường hợp bị phản đối thì ngay lập tức chúng chuyển máy cho đối tượng khác để giả danh cán bộ Công an đang điều tra vụ rửa tiền, mua bán trái phép chất ma túy… theo kịch bản cũ để hù dọa.

Điển hình nhất là vụ việc xảy ra vào ngày 17-1-2018, bà Huỳnh Thị H, ngụ phường 11, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh, nhận được cuộc điện thoại thông báo bà đang có một thùng bưu phẩm có giá trị lên đến hàng trăn ngàn USD tại Ngân hàng Vietcombank và yêu cầu bà phải thanh toán cước phí 16.858.000 đồng để được nhận.

Tang vật thu được từ các đối tượng lừa đảo.

Khi bà H phản ứng lại rằng bà không nợ tiền ngân hàng và cũng không quen biết bất cứ ai ở nước ngoài để có thể gửi bưu phẩm về thì các đối tượng lập tức kết nối máy đến cho một đối tượng khác với số điện thoại 0692345860 để đối tượng này giả giọng của cán bộ điều tra cho rằng bà có liên quan đến đường dây rửa tiền từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt chúng đọc vanh vách họ tên, ngày tháng năm sinh và nhân thân của bà H khiến bà tin.

Nắm được tâm lý sợ hãi của bà H, bọn tội phạm lập tức yêu cầu bà rút 96.961.000 đồng từ Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Bình Thạnh chuyển vào tài khoản của chúng tại Ngân hàng SHB Móng Cái, chi nhánh Quảng Ninh để kiểm tra. Quá lo sợ, bà H lập tức thực hiện theo yêu cầu của bọn tội phạm và đến khi phát hiện mình bị lừa thì đã quá muộn, nhưng bà vẫn lập tức đến cơ quan Công an trình báo để cảnh tỉnh cho người khác.

Một vụ lừa khác, trước sự cám dỗ quá lớn của món quà từ nước ngoài gửi về mà bà Lê Thị B.V, ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, đã phải cay đắng nhìn hơn một tỷ đồng của mình bốc hơi trong chốc lát.

Do trước đây bà từng có quen biết với vài người nước ngoài nên vào ngày 19-1-2018, khi vừa nghe đầu dây bên kia thông báo có kiện hàng của một người bạn da màu đang sinh sống tại Mỹ gửi tặng, hiện đang được chuyển về Ngân hàng SHB Sài Gòn.

Để tạo lòng tin, ngay sau đó đối tượng còn chụp ảnh kiện hàng cùng tờ vận đơn giả có nội dung gửi tặng bà V, số tiền 500.000 USD gửi vào máy điện thoại di động cho bà rồi yêu cầu bà muốn nhận thì phải đóng thuế 10.000 USD. Lúc đầu bà V còn ngập ngừng, nhưng nghĩ cứ thử tìm hiểu xem sao, biết đâu có được món tiền lớn thì sao nên bà lập tức hỏi thêm thông tin về người gửi.

Sau khi đối tượng đọc chính xác tên và số điện thoại của người bạn nước ngoài mà mình từng có thời gian quen biết trong thời gian dài, bà V lập tức tin ngay và ra Ngân hàng chuyển 10.000 USD vào tài khoản do chúng cung cấp. Đến khi ra ngân hàng SHB nhận hàng thì được biết không thấy có kiện hàng hay số tiền nào được gửi như trong thông báo, bà V mới tá hỏa.

Gọi điện lại số thuê bao trước đó đối tượng dùng để gọi cho mình thì tắt máy, kiểm tra lại số tiền vừa chuyển vào tài khoản mà chúng yêu cầu thì được nhân viên ngân hàng ở tỉnh Lạng Sơn thông báo vừa được rút ra và tài khoản giao dịch này cũng vừa bị chủ của nó yêu cầu xóa trên hệ thống.

Theo cảnh báo của Phòng PC46, Công an TP Hồ Chí Minh, hầu hết các vụ lừa đảo qua điện thoại giả danh cán bộ Công an, trước khi tiến hành trao đổi với bị hại, các đối tượng thường giới thiệu là người của cơ quan Công an đang tiến hành thẩm vấn nhanh qua điện thoại.

Nếu phát hiện bị hại nghi ngờ, đối tượng lập tức yêu cầu họ kiểm tra lại qua tổng đài 1080 để xác minh số điện thoại mà bọn chúng đang sử dụng và khi kiểm tra thì bị hại thường nhận được thông tin trả lời rằng đây là số của trực ban Công an TP Hà Nội, Đà Nẵng, Bộ Công an…

Thực tế đây là cuộc gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói từ máy tính thông qua mạng Internet và số điện thoại đến khi hiển thị trên màn hình điện thoại của bị hại đều là giả mạo, được chúng thiết lập giống đầu số của các đơn vị Công an, Viện kiểm sát, Tòa án.

Sau khi bị hại gọi vào tổng đài 1080, bọn chúng lập tức gọi điện đe dọa khiến cho bị hại không kịp suy nghĩ mà thực hiện theo yêu cầu của bọn chúng. Ngoài gọi vào máy điện thoại cố định, hiện nay các đối tượng lừa đảo còn nhắn tin vào cả điện thoại di động thông báo khách hàng nợ cước rồi sau đó sử dụng nhiều loại kịch bản để lừa đảo.

Hiện cơ quan Công an vẫn đang tích cực vào cuộc nhưng cũng thông báo rộng rãi đến bà con nhân dân nếu phát hiện vụ việc hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo thì nhanh chóng thông báo đến đơn vị Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn.

Nguyễn Cương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/canh-giac-voi-toi-pham-lua-dao-chiem-doat-tai-san-qua-mang-479817/