Cảnh giác với tin nhắn mạo danh ngân hàng

Thời gian gần đây, tội phạm công nghệ cao đã dùng thủ đoạn mạo danh ngân hàng gửi tin nhắn chứa kèm đường dẫn (link) độc đến điện thoại di động để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Cùng với việc cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật thì người dân cần thận trọng, nâng cao cảnh giác với những tin nhắn khuyến mãi, tặng quà, yêu cầu khai báo thông tin cá nhân... để tránh 'sập bẫy' lừa đảo.

Người dân cần cảnh giác với tin nhắn mạo danh ngân hàng để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm khi giao dịch trên mạng internet. Ảnh: Đỗ Tâm

Thủ đoạn lừa đảo tinh vi

Chị Nguyễn Thị Thanh (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cho biết, đầu tháng 3-2021, chị nhận được ảnh chụp gửi qua tin nhắn Facebook có nội dung giao dịch chuyển khoản thành công, ghi rõ số tài khoản của chị nhận được 109,78USD, sau đó nick chat nhắn đường link https://quydoingoaiteuc-vietnam247.weebly.com và hướng dẫn chị Thanh vào xác nhận thông tin để quy đổi ngoại tệ, rồi nhận tiền. Do có kinh nghiệm giao dịch ngân hàng, khi nhìn các thông tin chuyển khoản ghi bằng chữ tiếng Việt, chị Thanh đã nghi ngờ. Nhìn lại đường link có đuôi weebly.com, chị Thanh khẳng định đối tượng đang dùng thủ đoạn lừa đảo, nên không đăng nhập.

Tương tự, chị Nguyễn Thúy Hạnh (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) nhận được tin nhắn mạo danh Ngân hàng ACB với nội dung: “Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài. Nếu không phải là bạn, vui lòng nhấp vào https://v-acb.com để hủy thanh toán”. Chưa hề mở tài khoản tại ngân hàng này nên chị Hạnh không làm theo hướng dẫn.

Trước tình trạng trên, nhiều ngân hàng đã lên tiếng cảnh báo tới khách hàng. Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) lưu ý, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin bảo mật (mật khẩu, OTP, thông tin thẻ...) cho bất cứ ai và qua bất cứ hình thức nào (gọi điện, tin nhắn SMS, email, Zalo, Viber, Messenger...).

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) thông báo, khách hàng không bấm vào các link khả nghi, không đăng nhập dịch vụ VietinBank iPay từ các tin nhắn lạ, không cung cấp tên truy cập, mật khẩu, mã OTP và các thông tin cá nhân bởi, các yêu cầu cung cấp thông tin như trên đều là giả mạo. Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chỉ ra các website đặt tên miền có yếu tố BIDV như bidv-vay24h, bidv347, hoidap-bidv... đều không phải là website của BIDV.

Theo điều tra, xác minh của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), đối tượng lừa đảo không chỉ gửi tin nhắn từ đầu số cá nhân mà tạo những đầu số tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng như TPBank, Sacombank, ACB... gửi các nội dung giả mạo, nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.

Nhằm tránh bị lừa đảo, người dân nên đến các chi nhánh, hội sở của ngân hàng để được hướng dẫn, xác minh khi giao dịch. Ảnh: Đỗ Tâm

Nâng cao cảnh giác với tội phạm công nghệ

Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Khắc Lịch cho biết, các đối tượng xấu thực hiện phát tán tin nhắn lừa đảo bằng cách sử dụng các thiết bị phát sóng giả mạo (IMSI Catcher/SMS Broadcaster) để gửi tin nhắn trực tiếp vào điện thoại mà không thông qua mạng viễn thông di động. Tin nhắn này đã bị thay đổi thông tin nguồn gửi (số điện thoại, đầu số hoặc tên định danh) nhằm mục đích tạo lòng tin, đánh lừa người nhận. Nội dung tin nhắn thường là quảng cáo, hướng dẫn hoặc chứa đường link tới website giả mạo - giống như các website chính thức của các tổ chức tài chính, ngân hàng để dẫn dụ và đánh cắp thông tin của người dùng như tài khoản, mật khẩu, mã OTP…

Khi người dùng cung cấp thông tin, website giả mạo sẽ điều hướng sang website khác hoặc yêu cầu người dùng chờ đợi. Đối tượng xấu dùng thông tin cá nhân của người dùng để đăng nhập vào website chính thức của tổ chức tài chính, ngân hàng lấy trộm mã xác thực (OTP). Đây là hành vi rất tinh vi và nguy hiểm, Cục An toàn thông tin đang phối hợp với các cơ quan chức năng, doanh nghiệp viễn thông triển khai biện pháp ngăn chặn, điều tra, xác minh và xử lý đối tượng vi phạm pháp luật.

Bên cạnh việc cảnh báo tới khách hàng những đường link, ứng dụng giả mạo, các ngân hàng đã và đang triển khai nhiều biện pháp ứng phó. Ông Trần Việt Thắng, thành viên Ban Điều hành phụ trách Khối Công nghệ Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABbank) cho biết, ngân hàng đã chủ động rà soát định kỳ, ghi nhận phản ánh của khách hàng, từ đó thực hiện các biện pháp ngăn chặn qua kênh email, thông báo rộng rãi về các trang web giả mạo hay phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) Huỳnh Ngọc Huy cũng cho biết, đơn vị đang tăng cường các giải pháp như xây dựng, tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chuẩn về an toàn thông tin, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi thế hệ mới với các quy trình được số hóa, quản trị thông minh, dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn và tự động hóa để hỗ trợ công tác quản lý, điều hành, kinh doanh, hạn chế rủi ro.

Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, để tránh trở thành nạn nhân của tội phạm khi giao dịch trên mạng, người sử dụng dịch vụ cần nâng cao cảnh giác trước những tin nhắn khuyến mại, tặng quà... Nếu còn băn khoăn, người dân nên tìm đến các chi nhánh, hội sở của ngân hàng để được hướng dẫn, xác minh trước khi đưa ra quyết định.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/tai-chinh/994648/canh-giac-voi-tin-nhan-mao-danh-ngan-hang