Cảnh giác với tín dụng đen

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế xuất hiện nhiều nhóm đối tượng ngoại tỉnh liên quan đến hoạt động 'tín dụng đen' với lãi suất cho vay lên đến 730%/năm.

Nắm bắt được tâm lý của người dân về thủ tục vay tiền cần nhanh gọn, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được tiền, nhiều đối tượng (là người ngoại tỉnh) đã đến lưu trú tại tỉnh Thừa Thiên – Huế để thực hiện các hành vi cho vay nặng lãi với thủ tục cho vay đơn giản. Do nhu cầu cần tiền nhanh, thủ tục đơn giản, nhiều người dân đã không mấy quan tâm đến lãi suất, dẫn đến việc bị các đối tượng cho vay tính lãi suất từ 114% đến 536%/năm, thậm chí có nhóm đối tượng cho vay với lãi suất “trên trời” lên đến 730%/năm.

Để ngăn chặn hoạt động tín dụng đen ngày càng len lỏi vào các khu dân cư, vừa qua các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế liên tiếp triệt phá và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động này.

Mới đây, ngày 2/12 Công an huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã bắt giữ đối tượng Đặng Đình Đoàn (trú tại Hà Nội) về hành vi cho vay nặng lãi. Vào tháng 5/2019, Đặng Đình Đoàn từ TP Hà Nội vào TP Huế để hành nghề cho vay nặng lãi. Thời gian đầu, đối tượng này hoạt động ở TP Huế sau đó chuyển về huyện Phú Lộc và cho gần 30 người trên địa bàn huyện (chủ yếu khu vực nông thôn) vay tiền. Với lãi suất 120,45%/năm, đối tượng này đã thu lợi bất chính gần 70 triệu đồng.

Trước đó, ngày 20/11 Công an TP Huế cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt nhiều đối tượng hoạt động tín dụng đen. Bằng hình thức cho vay là trả góp cả gốc lẫn lãi hàng ngày, lãi suất từ 1% đến 2% mỗi ngày, chu kỳ thường là 10 đến 25 ngày. Đặc biệt, tiền phí đi thu đối với khoản vay là từ 5% đến 10% tổng tiền gốc.

Với thủ đoạn này, các đối tượng đã thực hiện 96 hợp đồng cho vay, số tiền gốc cho vay gần 2 tỷ đồng, tiền thu lợi bất chính hơn 360 triệu đồng. Lãi suất mà các đối tượng cho vay từ 365% đến 730%/ năm vượt từ 18,25 đến 36,5 lần so với mức lãi suất quy định trong Bộ luật Dân sự.

Anh Trương Ngọc Tuấn (trú tại TP Huế) cho biết, trước đây do cần một số tiền để kinh doanh, thấy thông tin cho vay tiền với lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản được dán ở một cột điện, anh đã liên hệ theo số điện thoại và vay được số tiền 20 triệu đồng. “Thế nhưng, khi đến kỳ hạn trả lãi suất, tôi mới ngớ người ra và biết là mình đã dính vào tín dụng đen”, anh Tuấn cho hay.

Công an TP Huế cũng đã khuyến cáo đến người dân hết sức cẩn trọng trong việc vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền, công ty tài chính núp bóng hoạt động tín dụng đen... tránh trường hợp, vay thì dễ trả thì khó, nợ chồng nợ và bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, khủng bố về tinh thần, tạo áp lực về trả nợ. Khi có nhu cầu vay tiền nên đến ngân hàng, các đơn vị có uy tín để làm các thủ tục vay mượn theo đúng các quy định của pháp luật.

Nguyễn Quốc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/canh-giac-voi-tin-dung-den-tintuc454167