Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức bán vé máy bay qua mạng

Khi Phạm Minh Tân, SN 1996, trú tại phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk- thủ phạm của hàng loạt vụ lừa đảo bằng hình thức bán vé máy bay qua mạng bị bắt giữ, chị Nguyễn Thị O, SN 1979, trú tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh và chị Nguyễn Tuyết M, SN 1985, trú tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh- 2 nạn nhân từng bị Tân lừa đảo.

Mừng bởi kẻ rắp tâm lừa đảo mình đã bị bắt- nghĩa là loại trừ cho xã hội và cho nhiều người khác thoát khỏi bẫy lừa do đối tượng đặt ra. Chị M, chị O cũng như nhiều chị em khác, vì bận rộn nhiều công việc nên khi gia đình có nhu cầu đi du lịch, 2 chị đã đăng tải thông tin trên mạng xã hội; những mong bạn bè ai biết địa chỉ bán vé máy bay tin cậy thì giới thiệu. Khi thông tin vừa đăng, hai chị nhận được lời chào và lời mời rất hấp dẫn từ nick lạ.

Trước sự nhiệt tình và thành thạo của người hướng dẫn, 2 chị đều tin tưởng và chốt vé máy bay với họ. Đến khi chuyển số tiền vé vào số tài khoản người đó cho, chờ mãi không thấy gửi lại mã vé; đăng nhập vào hệ thống của hãng hàng không, 2 chị đều té ngửa khi biết mình bị lừa.

Kẻ gây nên hành vi lừa đảo của chị O và chị T là Phạm Minh Tân. Sau hơn 1 năm bỏ trốn, đối tượng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Trong thời gian bỏ trốn, đối tượng tiếp tục lừa đảo nhiều người cũng bằng hình thức nêu trên. Tại CQCA, Phạm Minh Tân khai nhận hành vi phạm tội của mình là sử dụng mạng xã hội chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân bằng hình thức đưa ra thông tin tư vấn bán vé máy bay giá rẻ khiến nạn nhân tin đó là sự thật và đặt mua vé máy bay thông qua Tân. Sau khi các nạn nhân chuyển tiền qua tài khoản của Tân, đối tượng không chuyển tiền mua vé cho hãng mà sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân.

Cần thận trọng khi mua vé máy bay qua mạng. Ảnh: TL

Chị P.T. trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng từng là nạn nhân của trò lừa đảo bán vé máy bay qua mạng. Giữa năm 2018, chị và 5 người bạn cùng nhóm lên lịch đi du ngoạn Thái Lan. Theo kinh nghiệm cá nhân, chị P.T đã tìm qua internet và đăng bài hỏi trên các hội facebook dành cho những người tìm vé máy bay. Lúc đăng lên, rất nhiều người đã vào nhắn tin riêng cho chị P.T nhưng chị chú ý nhất với lời giới thiệu của T.D. Xem facebook cá nhân của T.D cũng rất nhiều tương tác nên chị P.T bắt đầu tin tưởng… Tài khoản T.D cho biết người này cung cấp gói dịch vụ du lịch “chuyên các nước Đông Nam Á”, bao gồm cả vé máy bay, di chuyển và khách sạn nhưng nhóm của chị P.T chỉ chọn gói vé máy bay và được T.D báo giá 3,5 triệu đồng/người, cả nhóm 6 người là 21 triệu đồng.

Thời điểm này, mức giá T.D đưa ra rất hấp dẫn. Phải chớp nhanh cơ hội giá vé rẻ, chị P.T quyết định chốt và gửi thông tin cá nhân cho T.D đặt vé. Sau khi gửi, người này gửi tới email của tôi một file PDF có nội dung là “mã đơn hàng”… Do bận việc và quá tin tưởng T.D nên nhóm chị P.T đã không gọi điện tới hãng hàng không để kiểm tra chéo về tính xác thực của mã đơn hàng trên và chuyển 21 triệu vào tài khoản của người này. Nhận tiền xong, chị P.T nhắn tin thì thấy T.D đã chặn facebook của mình. Gọi điện liên tục, T.D cũng không nghe máy. Lúc này, chị P.T mới ngậm ngùi biết mình bị lừa…

Nạn nhân bị lừa đảo bằng thủ đoạn nêu trên là không hề ít và ngày càng tăng. Có nhiều người ở xa, thậm chí ở nước ngoài gọi điện trình báo cơ CQCA về việc mình bị lừa bằng cách thức này. Khi họ gọi điện trình báo CQCA, họ bày tỏ nguyện vọng lực lượng chức năng tích cực vào cuộc điều tra, bắt giữ đối tương, đừng để những nạn nhân khác bị lừa bằng thủ đoạn tương tự. Họ cũng mong rằng, người dân cần cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo liên quan bán vé máy bay qua mạng; đừng cả tin để rồi sai lầm và mắc bẫy như mình.

Nam Du

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/canh-giac-voi-thu-doan-lua-dao-bang-hinh-thuc-ban-ve-may-bay-qua-mang-134314.html