Cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo 'chạy' tuyển sinh

Những ngày qua, dư luận rất bất bình trước vụ việc tiêu cực nâng điểm xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương. Ngoài hành vi vi phạm pháp luật của những người công tác trong ngành giáo dục thì cũng cần lên án hành vi 'chạy điểm', 'chạy trường' của một số cá nhân, là nhân tố tác động tới các vụ việc tiêu cực đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Lợi dụng nhu cầu "chạy chọt" mua điểm của một số phụ huynh và những cá nhân không có đủ năng lực khi thi cử, không ít đối tượng xấu đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền với số lượng lớn khiến không ít người bị nếm trái đắng…

Ngày 2-8, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cho biết vừa thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đối với Đỗ Mạnh Quy (34 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội). Trước đó, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can Đỗ Mạnh Quy về hành vi giả danh là cán bộ công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước để lừa đảo "xin" thêm chỉ tiêu cao học, chiếm đoạt trên 500 triệu đồng của 18 cán bộ đang công tác trong ngành y tế.

Đỗ Mạnh Quy và Nguyễn Chí Dũng.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Đỗ Mạnh Quy có trình độ văn hóa chỉ hết PTTH. Năm 2011, Quy làm lái xe thuê, đến 2016 thì xin vào làm việc tại một công ty xây dựng có trụ sở tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), làm giám sát công trình của công ty.

Với cái mã đẹp trai, bóng bẩy và tài… chém gió, khi giao lưu với người lạ, Quy tự vỗ ngực giới thiệu mình đang công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, có mối quan hệ rộng với nhiều cơ quan, bộ ngành. Mặc dù không có kiểm chứng nhưng nhiều người tin Quy đến mức nhờ vả anh ta giúp đỡ những việc quan trọng, và rồi rơi vào bẫy lừa của "thánh nổ".

Một trong số bị hại của Đỗ Mạnh Quy là anh Nguyễn Doanh, đang làm việc trong ngành y. Đầu năm 2017, qua bạn bè, anh Doanh quen biết Quy. Tại buổi gặp gỡ có đông bạn bè, thấy Quy giới thiệu làm việc tại Văn phòng Chủ tịch nước, không thấy bạn bè có thông tin phản hồi lại nên anh Doanh tin là như vậy. Trong những lần "chém gió", Quy khoe khoang về mối quan hệ của mình với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoe đã giúp đỡ nhiều người giải quyết vướng mắc trong học hành thi cử.

Thông báo

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị, những ai bị Đỗ Mạnh Quy lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên hệ Đội 10 Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội để trình báo và giải quyết. Địa chỉ 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Chính vì thế, khoảng tháng 9-2017, trong kỳ thi cao học, anh Doanh cùng một nhóm bạn không đạt điểm đỗ, anh liền nghĩ đến việc gặp Quy để nhờ vả. Nghe chuyện, Đỗ Mạnh Quy hứa hẹn sẽ "tác động" Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin thêm chỉ tiêu cao học cho anh Doanh và nhóm bạn. Tin Quy sẽ làm được việc này nên anh Doanh về trao đổi với những người bị trượt khóa thi cao học về việc nhờ Quy giúp đỡ.

Nhóm bạn đồng ý, thống nhất để anh Doanh đứng ra làm đầu mối liên hệ với Quy. Ban đầu, có 25 người tham gia danh sách nhờ Đỗ Mạnh Quy "xin" thêm chỉ tiêu cao học. Quy yêu cầu mỗi người nộp cho anh ta 30 triệu đồng để làm chi phí đi quan hệ "tác động" xin chỉ tiêu tại Bộ Giáo dục, sau đó "giảm giá" xuống còn 27 triệu đồng/người. Quy yêu cầu nhóm cử 1 người đại diện đứng ra thu tiền chuyển cho anh ta và trao đổi công việc. Nhóm của anh Doanh thống nhất cử chị Thu làm đầu mối thu tiền của mọi người và liên lạc chuyển tiền cho Quy.

Từ ngày 25-9 đến ngày 20-10-2017, chị Thu đã đứng ra thu tiền của 18 người (cùng công tác trong ngành y) số tiền 554 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này đã được chị Thu chuyển cho Đỗ Mạnh Quy. Nhận tiền xong, Quy hứa hẹn trong tháng 11-2017 sẽ có kết quả. Tuy nhiên đến hẹn, không thấy có thông báo bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh cao học, anh Doanh, chị Thu liên hệ với Quy để hỏi thì anh ta tìm cớ khất lần rồi cắt liên lạc. Anh Doanh cùng những người bị hại đã làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Đỗ Mạnh Quy.

Tại cơ quan điều tra, Đỗ Mạnh Quy thừa nhận việc mạo danh cán bộ Văn phòng Chủ tịch nước để nhận tiền "xin" thêm chỉ tiêu cao học là vi phạm pháp luật. Ngoài việc mạo danh thì bản thân anh ta cũng không có mối quan hệ với bất cứ ai tại Bộ Giáo dục và Văn phòng Chủ tịch nước. Sau khi nhận tiền của bị hại, Quy đã chi tiêu cá nhân hết.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam đối với Nguyễn Chí Dũng (35 tuổi, ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong "chạy" tuyển sinh vào trường công an. Quá trình điều tra làm rõ Nguyễn Chí Dũng làm nghề thi công và giám sát các công trình xây dựng nhưng anh ta mạo danh là người nhà một lãnh đạo cấp cao, có khả năng "chạy" cho những thí sinh không có năng lực thi đỗ vào trường trung cấp Công an.

Tin tưởng Dũng nên hai ông Lê Xuân và Hoàng Văn (đều ở Hà Tĩnh) đã chuyển cho anh ta tổng số tiền 920 triệu đồng để "chạy" cho 2 cậu con trai vào học trường trung cấp công an và đã bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt.

Duy Trần

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/canh-giac-voi-nhung-thu-doan-lua-dao-chay-tuyen-sinh-504802/