Cảnh giác với nguy cơ đột quỵ trong thời tiết nắng nóng

Những ngày nắng nóng vừa qua tại miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai gia tăng khoảng 20%. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân nhập viện muộn nên việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém và nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ Đào Việt Phương, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai thăm, khám cho bệnh nhân bị đột quỵ.

Bác sĩ Đào Việt Phương, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai thăm, khám cho bệnh nhân bị đột quỵ.

Cụ thể, ngày 22-4, một nam thanh niên ngoài 30 tuổi đang đá bóng bất ngờ ngã, ngất xỉu rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê sâu. Mặc dù bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nhưng đã tử vong ngay sau đó.

Phân tích về ca bệnh đáng tiếc này, PGS, TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đá bóng và thời tiết không phải là nguyên nhân nhưng đó có thể là yếu tố tạo thuận lợi trên nền bệnh có bất thường về mạch máu não. Việc vận động với cường độ mạnh trong thời tiết nắng nóng có nguy cơ gây nguy hiểm bởi khi nhiệt độ cao hơn cơ thể sẽ dễ xảy ra nhiều biến cố “sốc nhiệt”, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong nhanh chóng. Đặc biệt, trong những ngày nắng nóng vừa qua, riêng tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ nhập viện Bạch Mai gia tăng khoảng 20%. Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ lớn nhất khu vực miền Bắc. “Chúng tôi làm việc liên tục 24/24 giờ để hội chẩn, đưa ra phương án cứu chữa bệnh nhân kịp thời”, PGS, TS Nguyễn Văn Chi nhấn mạnh.

Những ngày nắng nóng, bệnh nhân đột quỵ gia tăng tại Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

Theo Phó trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đột quỵ không phải do nắng nóng, nhưng nhiệt độ cao là một trong những yếu tố ảnh hưởng bất lợi cho bệnh nhân cao huyết áp và từ đó dẫn đến đột quỵ. Cụ thể, đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ, điển hình là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, béo phì... Với những người mang yếu tố nguy cơ này thì khi gặp điều kiện thời tiết bất thường như quá nắng nóng, quá lạnh thì dễ làm các yếu tố nguy cơ khởi phát và gây đột quỵ.

Bên cạnh đó, cần phải kể đến là trong điều kiện thời tiết nóng bức, khó chịu sẽ gây căng thẳng, rất nhiều người bệnh quên uống thuốc, ngại đi khám,... dẫn đến tình trạng bất ổn tăng lên. Nhiều bệnh nhân không kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Đó chính là lý do đột quỵ, cũng như các bệnh mạn tính khác gia tăng trong thời tiết nắng nóng.

Đáng lo ngại, các chuyên gia y tế cảnh báo, hiện nay đột quỵ không chỉ gặp ở người già mà nhiều người trẻ tuổi cũng bị. “Hiện mô hình bệnh tật ở nước ta khá giống các nước phát triển, khi bệnh nhiễm trùng giảm, các bệnh không nhiễm trùng tăng lên. Những người trẻ cũng mang các yếu tố nguy cơ không khác người lớn tuổi. Do đó, nguy cơ xảy ra đột quỵ cũng tương tự”, bác sĩ Nguyễn Văn Chi cảnh báo.

Trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ Nguyễn Văn Chi cho biết, đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ cao là nhóm người cao tuổi, trẻ em và người phải làm việc trong điều kiện ngoài trời. Đây là những đối tượng cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe trong mùa hè. Bởi lẽ, người cao tuổi thường có nhiều bệnh mạn tính kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường… Bên cạnh đó, các phản xạ của người già rất kém, sức chống đỡ không tốt. Vì vậy, khi tiết trời nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các yếu tố nguy cơ, các bệnh trong cơ thể bất ổn thì rất dễ bị đột quỵ phải nhập viện.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần biết bảo vệ cơ thể, nếu thời tiết quá nóng, quá nắng thì phải nghỉ ngơi, tạm dừng công việc. Đặc biệt là những người lao động có điều kiện làm việc đặc thù như cầu thủ bóng đá, công nhân lò cao, người nông dân… Người dân cần lưu ý tránh ra đường trong thời gian cao điểm 12-16 giờ, đồng thời chú ý bù đủ nước, có các phương tiện hỗ trợ khi ra ngoài hoặc làm việc để tránh tác động của nhiệt và tia tử ngoại.

PGS, TS Nguyễn Văn Chi cho biết, hiện nay, Bệnh viện Bạch Mai đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới đối với bệnh nhân đột quỵ như kỹ thuật tiêu sợi huyết đối với bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não, kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ… giúp cứu sống và phục hồi tốt cho rất nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu sớm trong khung giờ vàng chỉ chiếm gần 10%. Đột quỵ điều trị thành công hay không phụ thuộc vào việc người bệnh đến cơ sở y tế sớm hay muộn.

Các dấu hiệu của bệnh đột quỵ là rối loạn ý thức, méo miệng, nói khó, thậm chí không nói được, đột ngột mất thị lực, liệt một nửa cơ thể, liệt một tay, một chân, vận động khó khăn, chóng mặt bất thường, đau đầu dữ dội. Khi thấy người bệnh có các dấu hiệu trên, người nhà nên nhanh chóng sơ cứu bệnh nhân bằng cách cho bệnh nhân nằm nghiêng, gối cao đầu và tạo thông thoáng đường thở. Tiếp đó cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Tuyệt đối không cố gắng cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất kỳ loại thuốc gì vì rất dễ gây sặc và nghẹt đường thở cho bệnh nhân.

Bài và ảnh: THÁI SƠN - MINH KHUÊ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/canh-giac-voi-nguy-co-dot-quy-trong-thoi-tiet-nang-nong-572599