Cảnh giác với ngộ độc thực phẩm dịp cuối năm

Thị trường sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong toàn quốc bắt đầu sôi động phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021.

Trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương đã tăng cường triển khai các biện pháp nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP. Tuy nhiên, nguy cơ mất ATTP, ngộ độc thực phẩm (NĐTP) luôn diễn biến phức tạp tại những bữa ăn đông người, bếp ăn tập thể, tiệc liên hoan, thức ăn đường phố, do vi khuẩn và độc tố... Do đó, cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, tiêu thụ thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc.

Sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm có thể dẫn đến ngộ độc

Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội 2021 sắp tới, các thực phẩm có sức tiêu thụ tăng nhiều lần ngày bình thường như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát... có thể làm giả, làm nhái rất nhiều, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.

Cùng với đó, thời tiết là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển nên nhiều thực phẩm rất dễ mốc, gây ngộ độc cho người sử dụng. Do đó, chỉ cần sơ suất trong chế biến và bảo quản thực phẩm là có thể dẫn đến ngộ độc.

Các chuyên gia ATTP cho biết, một số thực phẩm có nguy cơ cao gây ngộ độc trong những ngày lễ, Tết như ăn gỏi hay thịt chưa chín kỹ. Bánh, mứt, nước ngọt và thực phẩm giá rẻ không rõ nơi sản xuất, thực phẩm có màu (hóa chất) và mùi lạ, không rõ hạn dùng.

Các loại hải sản khô lâu ngày bị nấm mốc, các loại cá và hải sản không tươi sống hay chưa chín kỹ. Ăn các loại rau sống không được rửa sạch. Sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn, các thức uống tự pha chế không đảm bảo vệ sinh. Như vậy, có thể thấy vấn đề ATTP dịp cuối năm vô cùng quan trọng, nếu không được chú trọng thì hậu quả sẽ rất khôn lường.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc.

Người tiêu dùng cần cẩn trọng chọn mua, bảo quản, thực phẩm để phòng ngừa ngộ độc.

Theo Cục ATTP, để đảm bảo ATTP Tết, các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tại các tỉnh thành, kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và kinh doanh dịch vụ ăn uống tập trung trên địa bàn quản lý, phát hiện sớm các hành vi vi phạm về ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi và sản phẩm vi phạm về ATTP theo đúng quy định của pháp luật.

Đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và chuyển cơ quan điều tra truy tố trước pháp luật những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm nghiêm trọng, tái diễn.

Những mặt hàng chú trọng kiểm tra là những hàng hoát được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống...

Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng.

Tránh lựa chọn những thực phẩm không rõ nguồn gốc, màu sắc sặc sỡ

Để phòng tránh NĐTP, việc quan trọng nhất là phải chọn mua được thực phẩm an toàn, các chuyên gia ATTP lưu ý, người dân cần tránh mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn thông tin nhà phân phối, nhất là đối với bánh kẹo nhập khẩu. Hãy tìm mua từ những thương hiệu uy tín từ cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại để được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm.

Với các loại rau, quả tươi phải giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không giập nát, không có mùi lạ. Người tiêu dùng cũng cần hết sức thận trọng với các loại thực phẩm có màu sắc bắt mắt vì có thể những sản phẩm này có chứa phẩm màu, phụ gia độc hại cho sức khỏe.

Theo Cục ATTP Bộ Y tế, khi lựa chọn mua thực phẩm đóng hộp, đóng gói sẵn, cần nhận diện thông tin về nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ rõ ràng trên sản phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh, thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng trên nhãn.

Mặt khác, không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc, đặc biệt là ngũ cốc, hạt có dầu có chứa độc tố vi nấm nguy hiểm... Ngoài vấn đề lựa chọn thực phẩm, các thức ăn cần được nấu chín để loại trừ nguy cơ bị ngộ độc. Đối với các thức ăn như rau sống, cần phải rửa thật kỹ 2 - 3 lần trước khi ăn...

Nếu người tiêu dùng sau khi ăn có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu điều trị kịp thời và báo cơ quan chức năng, địa phương về sản phẩm thực phẩm không an toàn để kiểm tra, xử lý theo quy định.

Thanh Loan

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-voi-ngo-doc-thuc-pham-dip-cuoi-nam-n185033.html