Cảnh giác với nạn lừa đảo, ép buộc lao động trên tàu cá

Do lao động đi biển ngày càng khan hiếm nên tại một số địa phương ven biển xuất hiện 'nghề cò ngư phủ'. Đáng chú ý, từ đây đã sinh ra các đường dây lừa đảo, ép buộc người đi lao động trên các tàu cá. Câu chuyện của những người bị lừa gạt, ép buộc đi lao động 'khổ sai' trên biển ở một số tàu cá trong thời gian gần đây là một minh chứng.

2 đối tượng Huỳnh Thanh Vũ và Trần Minh Trung có liên quan đến đường dây lừa bán 12 lao động đi biển, bị BĐBP Kiên Giang bắt giữ ngày 27-7-2018. Ảnh: Lê Đồng

Ngày 24-7-2018, BĐBP Kiên Giang nhận được tin báo từ BĐBP Ninh Thuận về việc một số lao động đang làm việc trên 2 tàu cá của tỉnh Kiên Giang có dấu hiệu bị lừa đảo, ép buộc lao động trên biển. Lập tức, BĐBP Kiên Giang chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với BĐBP Cà Mau và BĐBP Ninh Thuận cùng các cơ quan chức năng xác minh, điều tra đường dây môi giới sử dụng lao động bất hợp pháp; đồng thời yêu cầu chủ tàu cá bị phản ánh đến làm việc.

Đến ngày 27-7-2018, BĐBP Kiên Giang đã áp giải tàu cá được cho là đang giữ những người bị lừa đi lao động trên biển vào đất liền và giải cứu thành công 12 người lao động. Qua lời khai, các nạn nhân cho biết, họ bị một số người hành nghề xe ôm ở TP Hồ Chí Minh lôi kéo, lừa là có công việc lựa cá trên biển với mức lương 12 triệu/tháng. Vậy là họ đồng ý đi theo để làm việc rồi bị “sập bẫy”. Hai đối tượng có liên quan đến vụ việc là Huỳnh Thanh Vũ và Trần Minh Trung, đều trú tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, sau đó bị bắt giữ.

Trước đó, vào ngày 26-3-2018, Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau nhận được điện thoại cầu cứu của nạn nhân bị lừa bán đi lao động trên tàu cá KG 1908 TS của ông Thái Văn Học, trú tại huyện Vĩnh Quang, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, do Nguyễn Chí Tâm, trú tại xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát Đồn Biên phòng Sông Đốc đã phát hiện phương tiện đò dọc không biển kiểm soát, do ông Cao Thanh Ngoan, trú tại ấp Đất Biển, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau điều khiển đang chở 10 người từ ngoài biển vào cửa Sông Đốc. Trong số 10 người trên thì có 1 đối tượng là Danh Mụi, trú tại ấp An Bình, xã Bình An, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, chuyên làm “nghề cò ngư phủ” từ các tỉnh khác về “bán” cho các chủ tàu. Toàn bộ số người này được đưa về đồn Biên phòng để làm rõ.

Tại Đồn Biên phòng Sông Đốc, đối tượng Danh Mụi khai nhận, theo chỉ đạo của cha mình là ông Danh Tuấn, từ đầu năm 2018 đến nay, Mụi đã trực tiếp lên TP Hồ Chí Minh tuyển mộ và nhận 30 người đưa về cho ông Danh Tuấn quản lý, đưa đi làm thuyền viên trên các phương tiện ở Kiên Giang và Cà Mau. Riêng tại tỉnh Kiên Giang, Mụi đã trực tiếp giao người cho các chủ tàu cá khoảng 8 - 9 lần, mỗi lần 1 - 2 người. Sau khi thuyền viên lên tàu làm việc được khoảng 3 - 4 ngày, chủ tàu sẽ ứng cho Mụi từ 8 - 10 triệu đồng.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Mận, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP: “Tình hình mua bán người tại các tỉnh ven biển miền Trung, miền Nam diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nổi lên tại các tỉnh, tahnhf phố như: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu... Các đối tượng “cò mồi” ở bến xe các tỉnh nội địa sẽ tìm cách tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt những thanh niên có nhu cầu tìm việc làm, sau đó đưa xuống các tỉnh ven biển câu kết với các đối tượng người địa phương ép họ viết giấy vay nợ để khống chế rồi bán cho các chủ tàu đánh cá trên biển bóc lột sức lao động.

Trước tình hình trên, các đơn vị BĐBP đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, nắm vững những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm nguy hiểm này; đồng thời, bám chắc địa bàn, xây dựng kế hoạch nhằm đấu tranh ngăn chặn kịp thời”.

Từ đầu năm 2018 đến nay, các đơn vị BĐBP đã điều tra, phát hiện 3 vụ, bắt 4 đối tượng, giải cứu 23 nạn nhân bị lừa bán và bị bóc lột sức lao động trên các tàu cá. Qua các vụ việc này cho thấy, do lao động đi biển ở các địa phương rất khan hiếm, nên một vài chủ tàu cá phải tìm lao động đi biển thông qua các “cò ngư phủ”. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho nạn lừa đảo, ép buộc lao động đi biển ngày càng trở nên phức tạp, khó kiểm soát.

Lê Đồng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/canh-giac-voi-nan-lua-dao-ep-buoc-lao-dong-tren-tau-ca/