Cảnh giác với gia tăng bệnh nhân đột quỵ não trong mùa lạnh

Khi trời lạnh giá khiến các lỗ chân lông khép lại, sức đề kháng giảm, đây cũng chính là thời điểm thuận lợi cho bệnh đột quỵ não hoành hành.

Mối hiểm họa đột quỵ não với người già

TS.BS Lê Văn Trường, Viện Tim mạch, BV T.Ư Quân đội 108, cho biết kể từ thời điểm giao mùa bắt đầu vào mùa lạnh đến nay bệnh nhân bị tai biến mạch não tăng cao, thường cao hơn từ 20 - 30% so với bình thường. Trong đó phần lớn là những người già. Bởi tuổi càng cao thì tai biến càng dễ xảy ra.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi bị lạnh đột ngột sẽ khiến mạch máu của chúng ta co hẹp lại, máu bị đẩy dồn về trung tâm gây tăng huyết áp đột ngột khiến mạch máu bị vỡ, gây chảy máu não. Đặc biệt, nếu bệnh nhân đã có các mảng xơ vữa thì mạch máu càng bị yếu và dễ vỡ hơn. Thời tiết thay đổi là một yếu tố thuận lợi cho đột quỵ não.

Theo thống kê, khoảng 2/3 số người bị tai biến, đột quỵ não là trên 65 tuổi (Ảnh minh họa)

Để phòng đột quỵ não, phòng ngủ, phòng làm việc tuyệt đối không để gió lùa, lạnh đột ngột. Trước khi ra khỏi phòng cần vận động nhẹ nhàng làm ấm cơ thể. Nên ra ngoài trời khi đã có nắng ấm và cơ thể đã có thời gian "chuẩn bị" để thích nghi dần, không để chênh lệch lớn về nhiệt độ.

Làm thế nào để biết dấu hiệu khởi phát đột quỵ não?

Ở thời kỳ có dấu hiệu khởi phát của tai biến mạch máu não, chúng ta thường có những lần đau đầu mang tính chất kỳ dị, khác hẳn với những lần đau đầu thường ngày và thường kèm theo những rối loạn tâm thần mà dân gian mê tín cho là "nói gở".

Đối với trường hợp tắc mạch não, định khu đau đầu thường ở chỗ não thường liên quan đến vị trí tắc nghẽn mạch ở khu vực đó. Tiếp theo đau đầu, thì hiện tượng đột quỵ sẽ xuất hiện.

Các giai đoạn tiến triển của đột quỵ não thường theo 3 giai đoạn như sau: Giai đoạn bùng lên của những yếu tố bệnh lý thuận lợi cho tai biến xuất hiện như tăng huyết áp, bệnh tim, đái tháo đường, tăng lipid máu; Quá trình tiến triển tiếp theo của thiếu máu não tạm thời; Nhồi máu não hoàn toàn do nghẽn tắc hoặc chảy máu não.

Trong ba giai đoạn này đều có thể xuất hiện hiện tượng đau đầu. Trong trường hợp đau đầu trong nhồi máu não, thì cơ chế phát sinh đau đầu là do tắc động mạch lớn. Nói chung, đau đầu có đặc điểm là dai dẳng hơn trong cơn thiếu máu não tạm thời.

- Đau đầu do tắc động mạch não sau khu trú ở vùng quanh một hoặc hai mắt và cũng thường thấy ở vùng chẩm.

- Đau đầu do huyết khối động mạch thường khu trú ở hai bên vùng chẩm, hiếm thấy ở một bên, lan tỏa ra toàn bộ đầu như vòng đai mũ.

- Đau đầu ở bệnh nhân huyết khối động mạch sống, đôi khi dễ nhầm với đau đầu từng chuỗi, đau đầu thường tập trung xung quanh mắt và triệu chứng thần kinh khu trú có thể không rõ ràng. Đau đầu như đốt cháy, ép hoặc nhói. Khám có thể phát hiện được thêm đau ở một bên vùng chẩm và các dấu hiệu của nhồi máu tủy bên.

- Đau đầu trong trường hợp phồng động mạch não, thường thì phồng động mạch có đường kính nhỏ hơn 5mm không gây ra triệu chứng, nhưng phồng động mạch có đường kính từ 3cm có thể bắt đầu gây nên triệu chứng về áp lực sọ não như một khối phát triển, u. Khi phồng động mạch giãn rộng thì nguy cơ vỡ mạch sẽ tăng lên.

Bệnh nhân phồng động mạch thường có tiền sử đang khỏe mạnh và đột nhiên nhức đầu ghê gớm như rất đau sau một gắng sức như trong khi giao hợp, rặn đại tiện hoặc hoạt động thể lực mạnh mẽ. Đau thường lan ra toàn đầu, nhưng có lúc đau tăng hơn ở vùng chẩm, lan nhanh xuống cổ, gáy, cứng cổ, có thể lan tới lưng và chi dưới.

Tình trạng đau dữ dội kéo dài vài giờ nhưng đau đầu trầm trọng có thể dai dẳng tới 3 - 15 ngày. Bệnh nhân thấy sợ ánh sáng, vận động mắt đau và thường phải cố gắng giữ yên tĩnh, sợ làm bất cứ một vận động nhỏ nào.

Các triệu chứng khác kèm theo thường là rối loạn ý thức, kích thích màng não, các rối loạn hệ thần kinh thực vật, các triệu chứng thần kinh khu trú (liệt nửa người...) và rối loạn thị giác.

Có khoảng 20% bệnh nhân có đau đầu báo hiệu trước vài ngày hoặc vài tuần trước khi vỡ mạch. Các triệu chứng phát sinh ra do thấm mạch hoặc giãn nở phồng động mạch.

Trong những trường hợp thấm mạch nhẹ của phồng động mạch thường không gây đau đầu nặng, kéo dài và không có những triệu chứng sợ ánh sáng và cứng gáy phối hợp.

Đau đầu do dị dạng động mạch não. Khoảng 60% trường hợp xuất hiện ban đầu là chảy máu. Ở đây, chảy máu là thứ phát sau vỡ một tĩnh mạch nhỏ vào khoang dưới nhện (khoang ở dưới màng não) và trong mọi trường hợp như là một quy luật, thường không liên quan đến gắng sức. Bệnh nhân đau đầu đột ngột, nặng ở một bên, lú lẫn (rối loạn tâm thần) và có triệu chứng rối loạn thần kinh. Chảy máu tái phát ở 10% bệnh nhân.

Có khoảng 10% trường hợp biểu hiện ban đầu của dị dạng động - tĩnh mạch não là đau đầu thường xuyên do chảy máu nhỏ, thường đau đầu khu trú ở vùng có dị dạng.

Những tín hiệu sớm và khởi phát đột quỵ não, nhất là cảm giác đau đầu xuất hiện ở thời điểm trước và ngay lúc vừa xảy ra tai biến.

Bởi vậy, nhận biết được những tín hiệu khởi phát của từng loại tai biến có thể giúp các thầy thuốc ở tuyến y tế cơ sở cũng như người bệnh và gia đình họ, ở mức độ nào đó có thể định hướng được loại tai biến sắp và đang ập tới để nhanh chóng xử trí ban đầu rồi đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế có chuyên khoa hồi sức cấp cứu gần nhất. Lúc này cần có chỉ định thận trọng của bác sĩ về phương thức vận chuyển bệnh nhân để tránh gây trầm trọng thêm quá trình diễn biến của bệnh.

Cách tăng cường sức khỏe giảm tải đột quỵ?

Vào mùa đông, nếu không cung cấp đủ năng lượng và nhiệt lượng thì sức đề kháng của cơ thể suy giảm. Vì vậy, chúng ta cần bổ sung các chất bột giàu năng lượng như: Cơm, khoai tây, bánh mì, mì sợi, rau khô… Các thực phẩm này chứa hàm lượng đường lớn, phân hóa chậm nên sẽ trở thành kho năng lượng dự trữ khi cơ thể cần sử dụng.

Ngoài ra, chú ý ăn nhiều chất có vị chua, mặn, ngọt; bổ sung đạm bằng nhiều thực phẩm màu đỏ như: Thịt bò, thịt dê, thịt thăn heo, bơ, sữa, trứng… và bổ sung thực phẩm có nguồn gốc thực vật (đậu nành, đậu phộng, mè) cùng các loại rau quả có màu xanh, đỏ, vàng và xanh đậm.

Những ngày giá rét, cơ thể cần đủ vitamin và khoáng chất hằng ngày nhằm duy trì sự sinh trưởng và phát triển của tế bào. Cho nên, cần thường xuyên sử dụng thực phẩm giàu vitamin A và C (cà rốt, đu đủ, cà chua, cam, quýt, ổi…). Ngoài ra, nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và kali (trứng, sữa, xương động vật), chuối tiêu và các rau quả có màu xanh đậm.

Vào mùa đông, cơ thể cần vận động với cường độ thích hợp để đào thải độc tố tốt hơn. Mặt khác, dù không khát, cơ thể vẫn phải bảo đảm lượng nước tối thiểu 2.000 - 3.000 ml/ngày. Mỗi sáng ngủ dậy, sau khi vệ sinh cá nhân, có thể uống 200 - 300 ml nước sôi ấm pha với 1 muỗng cà phê muối tinh để cung cấp nhiệt lượng cho cơ thể cũng như đào thải độc tố.

Trời lạnh, cơ thể cần ủ ấm nhưng không có nghĩa là suốt ngày ru rú trong nhà. Cơ thể cũng cần “tắm nắng” để tổng hợp vitamin D giúp xương cốt chắc khỏe và chống chọi với giá rét. Cần chú ý luôn giữ ấm cho đôi chân bởi chân có huyệt dũng tuyền là cửa ngõ của tạng thận. Chân cũng tập trung nhiều mút thần kinh, cách xa tim nên dễ gặp trở ngại về tuần hoàn trong mùa đông.

Trước khi ngủ, cần ngâm chân trong nước ấm có pha một chút muối hoặc rượu gừng. Tối ngủ có thể kê cao chân để thúc đẩy tuần hoàn. Ngoài ra, nên dùng túi sưởi để dưới chân hoặc bôi dầu nóng vừa phòng cảm lạnh vừa “tăng nhiệt” cho cơ thể; cũng có thể xoa bóp các huyệt đạo, các khu phản xạ lòng bàn chân và phần khung đại tràng để thúc đẩy tiêu hóa và ngủ tốt hơn.

Bác sĩ Nguyễn Phúc

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/canh-giac-voi-gia-tang-benh-nhan-dot-quy-nao-trong-mua-lanh-d87780.html