Cảnh giác với 'đường lưỡi bò' phi pháp được cài cắm tinh vi

Thời gian qua, dư luận xã hội liên tục bức xúc trước việc hàng loạt các mặt hàng, ấn phẩm bị Trung Quốc cài cắm 'đường lưỡi bò'. Đây là thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, sai trái về Biển Đông.

Nhiều ấn phẩm, vật dụng cài cắm "đường lưỡi bò"

"Đường lưỡi bò" hay "đường chín đoạn" là khái niệm mà Bắc Kinh dựa vào để tuyên bố quyền lịch sử đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách này hoàn toàn trái với luật quốc tế và trên thực tế, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) năm 2016 đã ra phán quyết khẳng định tuyên bố của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Dù vậy, Trung Quốc từ lâu đã tận dụng mọi cơ hội để tuyên truyền về "đường lưỡi bò", từ sách giáo khoa cho đến các tạp chí khoa học, dù là trong những lĩnh vực có vẻ không liên quan như môi trường, cả trong nước lẫn trên thế giới.

Đáng lưu ý, từ năm 2012, Trung Quốc đã phát hành mẫu hộ chiếu mới gắn chip điện tử với các trang bên trong có in hình "đường lưỡi bò". Thế nhưng, Bắc Kinh không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền đối với người dân nước này. Họ đã tiến xa hơn.

Tại Việt Nam, chỉ trong tháng 10/2019, ít nhất 3 sự kiện liên quan “đường lưỡi bò” phi pháp lọt vào Việt Nam do người dân phát hiện. Điều đáng nói, những ấn phẩm, sản phẩm này đều đã vào Việt Nam theo con đường “chính thống”.

Bắt đầu từ việc phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ” chứa hình ảnh bản đồ có "đường lưỡi bò" bị cơ quan duyệt phim bỏ sót và được chiếu tại các rạp phim trên cả nước ngày 14/10 vừa qua. 4 giây xuất hiện của "đường lưỡi bò" trong bộ phim hoạt hình dài hơn tiếng rưỡi có thể không dài, nhưng đó lại là cách thức tuyên truyền rất tinh vi của Trung Quốc.

Rồi đến việc bản đồ "đường lưỡi bò" xuất hiện trong tài liệu giới thiệu của hãng lữ hành Saigontourist ngày 18/10. Mới đây nhất là hơn 1.000 cuốn giáo trình Đọc - Viết và Nghe sơ cấp trong bộ "Developing Chinese" của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phải thu hồi vì có in bản đồ "đường lưỡi bò". Và ngày 4/11, Tổng cục Hải quan đã ra lệnh tịch thu xe Volkswagen có “đường lưỡi bò”, phạt tiền nhà nhập khẩu, trưng bày xe là Công ty TNHH ô tô Thế giới.

Hình ảnh bản đồ “đường lưỡi bò” xuất hiện trong phim “Everest - Người tuyết bé nhỏ được chiếu ở Việt Nam.

Cả 4 vụ việc trên cùng nhiều trường hợp “đường lưỡi bò” xuất hiện trước đó trong các sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm văn hóa tại Việt Nam thời gian qua cho thấy sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Một điều rất đáng lo ngại là dù nắm rất rõ quy trình kiểm tra hàng hóa, sản phẩm trước khi cho lưu hành nhưng các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đều thừa nhận sai sót khi không làm hết trách nhiệm để lọt “đường lưỡi bò” rất đáng tiếc.

Sau các vụ việc đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng đã tiêu hủy, đề nghị tiêu hủy những sản phẩm có “đường lưỡi bò”, chấm dứt hợp tác với các đối tác cung cấp ấn phẩm, thậm chí kỷ luật cả những cá nhân có liên quan… Tổng cục Du lịch, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các sản phẩm có hình ảnh “đường lưỡi bò”.

Để không lặp lại những sai lầm rất đáng tiếc, không xử lý theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”, không có cách nào khác, các cơ quan quản lý Nhà nước phải tăng cường “tai mắt”, trách nhiệm, kiểm soát tốt hơn tất cả các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Các ĐBQH lên tiếng

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sau những vụ việc trên, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức - Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, tất cả các sản phẩm có bản đồ đường lưỡi bò trường hợp cần vẫn phải tiêu hủy. Ông Đức cũng phê phán thái độ vô trách nhiệm của những người kiểm duyệt khi để lọt các sản phẩm này vào Việt Nam.

"Có trường hợp khi bị phát hiện, người trong hội đồng kiểm duyệt nói "đây chỉ là tiểu tiết", đó là câu nói vô trách nhiệm", ông Đức nói và khẳng định đó là trọng trách không thể lơ là của cán bộ, đặc biệt là trong lĩnh vực văn hóa.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh cũng nhận xét, việc chậm xử lý hay ngăn chặn những hình ảnh, sản phẩm vi phạm chủ quyền quốc gia vừa qua cho thấy sự lúng túng, thiếu cảnh giác, thiếu nhạy cảm trong nghiệp vụ của các cán bộ, cơ quan quản lý trước những vấn đề liên quan tới quốc phòng, an ninh quốc gia. "Những gì vi phạm chủ quyền quốc gia là không thể chấp nhận được", Thiếu tướng Hồng nhấn mạnh.

Cho rằng, hệ thống pháp luật đang có khoảng trống trước những phát sinh mới, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần kịp thời có hướng dẫn, bổ sung các quy định pháp lý để ngăn chặn tái diễn các hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia.

Như phát biểu của Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách: "Những hàng hóa vi phạm về chính trị, chủ quyền lãnh thổ của chúng ta, cần cương quyết thu hồi hoặc hủy bỏ. Chúng ta cần đưa ra biện pháp cứng rắn trong xử lý với những trường hợp như vậy thì mới ngăn được kẻ xấu lợi dụng quan hệ thương mại, ngoại giao văn hóa... lồng yếu tố xuyên tạc về chủ quyền, lãnh thổ đất nước".

Chế tài là không thể thiếu. Đã đến lúc, cần có thêm các hướng dẫn, bổ sung các quy định pháp lý để ngăn chặn tái diễn các hành vi vi phạm chủ quyền quốc gia như trên. Ngành hải quan, đăng kiểm, quản lý xuất nhập khẩu, giáo dục... cần tăng cường biện pháp nghiệp vụ để sàng lọc những hành vi vi phạm tinh vi này. Còn với mỗi công dân, Đảng viên cũng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, sự vững vàng trong tư tưởng, lập trường… để không lơ là trong cuộc chiến “không tiếng súng” để bảo vệ sự toàn vẹn của lãnh thổ, quốc gia mà cha ông ta đã bao năm gìn giữ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao cờ Tổ quốc trong chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” cho ngư dân. Ảnh: Quang Liêm

Theo Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, truyền thống của Việt Nam là trong các phòng học, phòng làm việc thường có bản đồ Việt Nam. Thông qua bản đồ, mỗi người được giáo dục rằng tổ quốc có hình chữ S và mỗi tấc đất là một tấc vàng. Đó là hình ảnh trực quan, sinh động "đập" vào trong trí nhớ của mỗi người hàng ngày mà không cần tuyên truyền nhiều. Hiện nay, chương trình tặng cờ tổ quốc cho tất cả ngư dân vươn khơi bám biển cũng nhằm khẳng định tàu thuyền của ta đánh bắt ở đâu thì đó là lãnh thổ, chủ quyền của Việt Nam.

"Trên mọi phương diện chúng ta phải tính toán để mọi người dân hiểu được đâu là lãnh thổ Việt Nam, đâu là lãnh thổ nước bạn, để vừa bảo vệ chủ quyền, vừa tôn trọng chủ quyền nước bạn", ông nói.

Chí Tâm

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/xa-hoi/doi-song/canh-giac-voi-duong-luoi-bo-phi-phap-duoc-cai-cam-tinh-vi-319716.html