Cảnh giác với 'di sản Madoff' biến tướng

Những ngày qua, thông tin về trùm lừa đảo Bernard Madoff qua đời do bệnh tật trong một nhà tù liên bang tại bang Bắc Carolina (Mỹ) ở tuổi 82 một lần nữa khiến dư luận 'sôi sục', đồng thời gợi lại 'nỗi đau' của giới đầu tư tài chính trên toàn thế giới.

Cuộc đời và sự nghiệp của Madoff có lẽ rất giống một bức tranh đa sắc nhưng càng về sau càng xám xịt. Với xuất phát điểm bình thường, người đàn ông sinh ra tại quận Queens, thành phố New York này phải làm nhiều nghề để kiếm sống trước khi “bén duyên” với môi giới chứng khoán. Madoff tham gia một nhóm phát triển hệ thống giao dịch điện tử từ thập niên 1970, mà sau này trở thành sàn chứng khoán NASDAQ nổi tiếng-nơi ông ta từng giữ chức chủ tịch trong nhiều năm.

Một sự nghiệp lẫy lừng tại Phố Wall, được nhiều người trọng vọng và tận hưởng cuộc sống xa hoa bậc nhất là những gì mà không ít người ghen tỵ khi nhìn vào Madoff thời bấy giờ. Dù vậy, đó chỉ là vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài. Thực chất, Madoff chính là “tổng đạo diễn” của hệ thống lừa đảo đa cấp quy mô cực lớn và chỉ được đưa ra ánh sáng khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 xảy ra, kéo theo làn sóng rút vốn ồ ạt khỏi các quỹ của siêu lừa này. Trong cơn bĩ cực vì thanh khoản đổ vỡ, Madoff buộc phải cúi đầu nhận tội.

 Ông Bernard Madoff. Ảnh: AP

Ông Bernard Madoff. Ảnh: AP

Lúc ấy, giới kinh doanh ở Mỹ và trên thế giới mới ngã ngửa khi biết rằng, hệ thống đầu tư do Madoff sáng lập hoàn toàn dối trá. Thủ đoạn của ông ta khá đơn giản: Huy động vốn đầu tư lớn với lời hứa mức lãi khổng lồ cho khách hàng. Cũng như Charles Ponzi, cha đẻ của mô hình lừa đảo Ponzi (kim tự tháp), Madoff lấy tiền của nhà đầu tư sau trả lãi cho nhà đầu tư trước. Những khoản tiền kếch xù còn lại được Madoff dùng để phục vụ cho lối sống xa xỉ của bản thân, gia đình và chi cho những “tay chân” thân thiết. Nhằm tăng thêm uy tín, Madoff và nhân viên của y đã gửi tới khách hàng các tài liệu giả xác nhận về những giao dịch chưa bao giờ được thực hiện hay số liệu “hư cấu” về các khoản lợi nhuận không có thật. Do đó, Madoff có thể lèo lái mô hình lừa đảo của mình vượt qua nhiều cú sốc kinh tế như: Đợt suy thoái đầu những thập niên 1990, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1998 hay giai đoạn sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001.

Theo cáo trạng của tòa, Madoff thú nhận đã “bịp” khoảng 37.000 người ở 136 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong gần 4 thập niên cho đến thời điểm bị bắt vào ngày 11-12-2008. Tổng cộng, các nạn nhân đã chuyển cho Madoff hơn 17,5 tỷ USD, trở thành một trong những vụ “vỡ hụi” đầu tư tài chính lớn nhất trong lịch sử. Dựa vào các tài liệu giả của Madoff, họ tin rằng số tài sản này đã lên tới gần 65 tỷ USD. Với việc thừa nhận 11 tội danh bao gồm lừa đảo, rửa tiền và khai man... kẻ đầu sỏ này đã bị tuyên phạt 150 năm tù giam và bị tước bỏ tất cả tài sản cá nhân vào năm 2009.

Theo ông Denny Chin, vị thẩm phán liên bang của thành phố New York đã kết án Madoff, tội ác của y là “cực kỳ xấu xa” và “đã tàn phá cuộc sống của hàng nghìn gia đình”. Quả thực, Madoff bị tống vào tù nhưng bi kịch của các nạn nhân trong vụ lừa đảo thì vẫn chưa kết thúc. Vì mất hết gia tài vào hệ thống của Madoff, có những người quá bế tắc đã chọn kết liễu cuộc đời mình, hoặc không thì cũng điêu đứng, tán gia bại sản.

Madoff có thể sẽ đi vào quên lãng nhưng “di sản” y để lại dường như không chấm dứt như cuộc đời y. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã cảnh báo rằng, ngoài hình thức lừa đảo Ponzi “truyền thống” như của Madoff, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, ngày càng xuất hiện nhiều mánh khóe đa cấp biến tướng từ đó.

Tuy nhiên, dù mô hình lừa đảo Ponzi được vận hành ở bất cứ phiên bản nào, việc nhận diện chúng không hề khó. Công tố viên Andrew Stoltmann tại thành phố Chicago (Mỹ) cho hay, chúng có những đặc điểm khá giống nhau, như: Cam kết lợi nhuận cao, ổn định với rủi ro thấp hoặc thậm chí không rủi ro, trả lãi ngay lập tức khi nhà đầu tư muốn rút, “bao” lỗ, cháy tài khoản... Chính vì vậy, để không có thêm một “Madoff thứ hai” hoặc tránh vướng vào những mạng lưới tương tự, ông Stoltmann khuyến nghị mỗi người phải nâng cao nhận thức, kiểm soát cảm xúc trước lời mời chào hấp dẫn của những kẻ lừa đảo; đồng thời chính quyền cần thích ứng với tình hình và có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn loại tội phạm trên.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/canh-giac-voi-di-san-madoff-bien-tuong-657109