Cảnh giác với chiêu trò của 'Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ'

Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh TT-Huế có hàng trăm đối tượng sinh hoạt tại hàng chục điểm, nhóm của tổ chức tự xưng 'Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ'. Các điểm, nhóm hoạt động trải dài từ thành thị đến nông thôn, kể cả 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới.

CATP Huế làm việc với M.T.Q, một trong những đối tượng chính của cái gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ” tại TT-Huế.

Vươn “vòi bạch tuộc”

Qua nắm tình hình, CQĐT CA tỉnh TT-Huế phát hiện, trên địa bàn TT-Huế, các đối tượng tham gia “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” đã tổ chức thành nhóm 2-3 người đến các nơi công cộng, khu vực tập trung đông người để rủ rê, lôi kéo người dân tham gia. Luận điệu các đối tượng sử dụng thường là: “Gần đến ngày tận thế, mọi người nhanh chóng tham gia vào Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ để được vào “Nước Thiên Đàng”. Trong thời gian ngắn, các đối tượng đã lôi kéo hàng trăm người vào tổ chức tự xưng là “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”. Đến ngày 11-5, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt đối tượng chủ mưu của “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” gồm Lê Q.X (trú H. A Lưới), Trương Th. (H. Phú Vang), Lê Ng. (TP Huế), Mai T.Q (TP Huế)... CATP Huế đã thu giữ nhiều tài liệu, phương tiện tuyên truyền đạo trái phép của các đối tượng. Theo CQĐT, để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, địa điểm sinh hoạt của các đối tượng liên tục thay đổi. Phụ trách điểm, nhóm là nhóm trưởng, tổ chức sinh hoạt, tập hợp tình hình liên quan đến việc tham gia của “tín đồ”. Trên nhóm trưởng là khu vực trưởng, có nhiệm vụ thông báo kế hoạch hiệp nhóm trong khu vực, tổ chức sinh hoạt chung. Điều đáng nói, trong số hàng trăm “tín đồ” mà cơ quan chức năng của tỉnh nắm được có không ít người là giáo viên, kỹ sư... đang công tác trong các đơn vị Nhà nước.

Thượng tá Trần Ngọc Lam - Phó trưởng phòng Phòng chống phản động và chống khủng bố CA tỉnh TT-Huế cho biết, mục tiêu của các đối tượng truyền đạo trái phép này là phải đạt 7 tỷ “tín đồ”. Đối tượng chúng nhắm đến là sinh viên, học sinh, người có vấn đề về tâm lý, tư tưởng không vững vàng, có khúc mắc trong đời sống gia đình. Sau khi lôi kéo được người tham gia, các đối tượng đưa về các quán cà-phê, nhà hàng... để các nhóm trưởng hướng dẫn học “kinh thánh” của tổ chức này, sau đó liên hệ Chấp sự Tùng ở Hà Nội vào làm lễ Bap tem (rửa tội), rồi phân về sinh hoạt tại các điểm, nhóm.

Theo cơ quan chức năng, kinh phí hoạt động của tổ chức tự xưng này, ngoài tiền tài trợ từ nước ngoài, còn có sự đóng góp của các “tín đồ” với mức 10% trên tổng số thu nhập hằng tuần của từng người. Nhóm này rao giảng là Thờ Mẹ Thiên Chúa, không được thờ người khác, kể cả cha mẹ, ông bà tổ tiên; không vào chùa chiền, miếu đình, không ăn đồ thờ cúng. Để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng cấp cho mỗi “tín đồ” một “mã số sự sống”, chỉ ghi danh điểm nhóm, không ghi địa chỉ cư trú và thực hiện “không nghe, không thấy” khi bị chính quyền phát hiện. Ngoài ra, các đối tượng còn lập các nhóm liên kết sinh hoạt trên mạng Internet và thường xuyên thay đổi tên nhóm trong thời gian tối đa khoảng 1 tháng.

Trần Thị Hường (trái) đang truyền đạo trái phép tại TP Huế.

Cần nêu cao tinh thần cảnh giác

Trước thực trạng “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” đang “vươn vòi bạch tuộc” khắp địa bàn tỉnh TT-Huế, Đại học (ĐH) Huế và các trường đã đưa ra các giải pháp để tạo ra hiệu quả tốt hơn trong việc tác động đến nhận thức của HS, SV nhằm nâng cao cảnh giác. Ông Trương Quý Tùng - Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết: “Chiều 3-5, ĐH Huế đã có công văn hướng dẫn cụ thể, phân công trách nhiệm đến lãnh đạo các trường, các ban, ngành chức năng, đoàn thể trực thuộc ĐH Huế. Ngoài ra, ĐH Huế cũng chỉ đạo bộ phận chức năng thông qua mạng lưới của Ban công tác HS, SV để nắm tình hình, kịp thời báo cáo Ban Giám đốc ĐH Huế khi có tình huống phát sinh”.

PGS.TS Nguyễn Đình Luyện - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế chia sẻ: “SV thường xuyên hoạt động ở các câu lạc bộ, đội, nhóm. Vì vậy, sự phối hợp giữa Đoàn Thanh niên và Hội SV cùng với các câu lạc bộ, đội, nhóm sẽ tạo ra mạng lưới để tuyên truyền tốt đến người học”. Theo lãnh đạo các trường, hiện nay cũng đang phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh để nắm bắt tình hình SV, nhất là các trường hợp có dấu hiệu khả nghi. Đồng thời, các trường cũng thúc đẩy vai trò của giảng viên cố vấn kết hợp với ban cán sự các lớp để theo dõi, kịp thời nhắc nhở SV nâng cao cảnh giác. Thời gian tới, sẽ có sự phối hợp với các cơ quan chức năng để có những đợt tuyên truyền sâu, rộng và kỹ hơn.

TS Phạm Văn Hùng - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh TT-Huế cho biết, đến thời điểm này, ngành Giáo dục vẫn chưa phát hiện trường hợp HS bị các đối tượng truyền bá, lôi kéo tham gia “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”. Không chủ quan, Sở đã triển khai văn bản của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, chủ động phối hợp với chuyên môn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho HS nhằm cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo của đối tượng xấu. Các trường tăng cường các biện pháp bảo vệ an ninh trường học, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những người lạ mặt vào các trường để truyền đạo trái phép.

Đại tá Nguyễn Văn Thanh - Phó Giám đốc CA tỉnh TT-Huế khuyến cáo, mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe theo những lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

HẢI LAN

Thuê chung cư để truyền đạo trái phép

Nguyễn Thị Hường thuê chung cư để truyền đạo trái phép.

Đại tá Hoàng Long - Trưởng CATP Huế cho biết, CQĐT của đơn vị vừa phát hiện 2 đối tượng tự xưng là tổ chức “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ” thuê phòng 401 Chung cư P. Hương Sơ, TP Huế để truyền đạo trái pháp luật. Các đối tượng bị bắt giữ gồm Nguyễn Thị Hường (1968, trú xã Kiên Thọ, H. Ngọc Lặc, Thanh Hóa) và Trần Thị Hường (1995, trú xã Hồng An, H. Hưng Hà, Thái Bình). Tại cơ quan CA, 2 đối tượng khai nhận, từ tháng 5-2017 vào TP Huế kiếm việc làm và sinh hoạt theo “Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ”.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_183144_ca-nh-gia-c-vo-i-chieu-tro-cu-a-ho-i-tha-nh-du-c.aspx