Cảnh giác trước nguy cơ ngộ độc đồ chơi làm từ nhựa dịp trung thu

Trung thu là dịp thị trường đồ chơi cho trẻ em rất đắt hàng. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần cảnh giác trước nguy cơ gây ngộ độc cho con em mình từ những món đồ chơi bằng nhựa.

Nhộn nhịp thị trường đồ chơi nhựa nhập khẩu dịp Trung thu

Tại những điểm chuyên bán đồ chơi cho trẻ em, người mua có thể dễ dàng nhận thấy hầu hết trong số đó là đồ chơi bằng nhựa màu sắc lòe loẹt có nguồn gốc từ Trung Quốc như: siêu nhân, robot, đồ nấu ăn, ô tô, bóng, xếp hình...

Các cửa hàng bán đồ chơi đang bắt đầu nhộn nhịp hơn vì cũng đã sắp đến trung thu - Ảnh Dân trí.

Các cửa hàng bán đồ chơi đang bắt đầu nhộn nhịp hơn vì cũng đã sắp đến trung thu - Ảnh Dân trí.

So với những cửa hàng đồ chơi cao cấp uy tín nhập từ Châu Âu có giá cả triệu đồng/bộ, thường chỉ dành cho những người có điều kiện, thì những món đồ chơi này chỉ với giá vài chục đến vài trăm đồng/bộ là phù hợp với túi tiền của quảng đại phụ huynh hơn cả.

Chủ cửa hàng bán đồ chơi ở Lương Văn Can, chị T.T.D. cho biết, đồ chơi trẻ em trước đây chỉ thực sự tiêu thụ mạnh vào dịp Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu, vào dịp Noel cũng khá khẩm hơn ngày thường một chút… Nhưng hiện nay, mức sống ngày càng được nâng lên, trẻ nhỏ không chỉ được quan tâm, tạo điều kiện hơn, mà còn bởi đồ chơi trên thị trường hiện nay rất đa dạng và phong phú. Sự đa dạng về chủng loại, mà giá thành lại vừa với mức thu nhập nên các bậc phụ huynh không cần phải quá đắn đo khi quyết định cho trẻ.

Chị cho biết thêm, số lượng đồ chơi do Việt Nam sản xuất rất ít, mẫu mã không đa dạng và giá cũng khá cao nên không hấp dẫn người mua cho lắm.

Hầu hết đồ chơi bàn trên thị trường là hàng nhập lậu

Lực lượng QLTT Lạng Sơn thu giữ số lượng lớn đồ chơi trẻ em nhập lậu - Ảnh Anninhthudo.

Thế nhưng, các mặt hàng bán chạy lại thường là đồ chơi Trung Quốc bắt mắt cập nhật theo xu hướng các bộ phim hoạt hình mà trẻ hay xem. Chúng được các thương lái chủ yếu nhập lậu về Việt Nam và hầu hết đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Tháng trước, ngày 28/8, một số lượng lớn đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ được nhập lậu vào Việt Nam vừa bị lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn thu giữ. Toàn bộ số hàng như 30 túi bóng nhựa đồ chơi (100 quả/túi); 18 bộ đồ chơi mô hình bán kem bằng nhựa nhãn hiệu Sueet Ca, 24 bộ đồ chơi mô hình bán kem bằng nhựa nhãn hiệu Diy, 24 bộ đồ chơi tập Boxing.

Đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ nhập lậu được cơ quan chức năng phát hiện ra, còn rất nhiều món đồ chơi khác đã được vận chuyển theo con đường không chính ngạch về Việt Nam và được bày bán công khai đến tận tay người tiêu dùng.

Tác hại của những món đồ chơi từ nhựa

Hậu quả đáng tiếc do chơi đồ chơi không rõ nguồn gốc này đã xảy ra khi các cháu nhỏ dùng miệng ngậm hay cắn đồ chơi. Đặc biệt là những cháu gái thích chơi trò nấu ăn, gia đình, nội trợ... thường dùng đĩa, thìa nhựa ngậm vào miệng để ăn "giả vờ". Báo chí đã từng đăng nhiều trường hợp các cháu bé bị dị ứng, ngộ độc do dùng đồ chơi nhựa.

Bé gái Yến N. bi dị ứng dưng hết cả miệng do chơi bộ đồ hàng nhựa của Trung Quốc - Ảnh Dân trí.

Nhưng đó chỉ là những tác động ngay thấy được, theo các chuyên gia, tác hại nguy hiểm hơn của những món đồ chơi kém chất lượng là gây ra những bệnh nan y, mãn tính khi bé tiếp cận lâu dài với chúng.

Theo các chuyên gia Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam, nhựa có nhiều loại, nếu là nhựa nguyên sinh thì độ an toàn cao, còn nhựa tái sinh thì rất nguy hiểm nếu tiếp xúc gần gũi với con người. Tuy nhiên, xét cho cùng, tất cả các loại nhựa dù nguyên sinh hay tái sinh khi tiếp xúc với nhiệt độ cao đều sản sinh ra chất độc hại.

Trong quá trình gia công nhựa, người ta có thể đưa vào một số chất hóa dẻo, chất phụ gia. Đặc biệt, các sản phẩm có chứa chất hóa dẻo khi ở nhiệt độ cao sẽ thải ra chất độc hại gây ảnh hưởng sức khỏe con người như tim mạch, tuần hoàn máu hay thậm chí có thể gây ra bệnh tâm thần, ung thư…

Bên cạnh đó, các sản phẩm càng nhiều màu sắc thì tiềm ẩn nguy cơ độc hại càng cao. Vì dung dịch tạo màu này là màu công nghiệp tạo từ các loại hóa chất độc hại như crom, chì, thủy ngân… Đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, chất này dễ dàng rời bỏ chất gốc và dễ phân tán vào cơ thể nếu nó tiếp xúc với nhiệt độ nóng, khi trẻ ngậm đồ chơi hoặc qua đường hô hấp. Ngoài ra, phthalate có thể gây nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng, nhất là đối với trẻ em.

Minh Minh (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/canh-giac-truoc-nguy-co-ngo-doc-do-choi-lam-tu-nhua-dip-trung-thu-a243008.html