Cảnh giác trước các luồng thông tin trên mạng xã hội hiện nay

Phải nói chưa bao giờ, sự tác động và tốc độ lan truyền của các thông tin nhanh như hiện nay. Một thế giới phẳng hiện hữu trên mọi lĩnh vực. Lợi dụng công nghệ thông tin, sự lan truyền nhanh chóng của các trang mạng xã hội, các đối tượng phản động, có tư tưởng chống đối chủ động xác định như một 'cửa' tích cực để xuyên tạc, bôi nhọ, lôi kéo những cá nhân có nhận thức lệch lạc, hiềm khích, bất mãn với chế độ. Từ đó, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và vị trí kiến thiết của Nhà nước và Chính phủ trong xây dựng, phát triển đất nước.

Cảnh giác với mọi thông tin xấu, độc xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Internet

Cảnh giác với mọi thông tin xấu, độc xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Ảnh: Internet

Có một vấn đề “xưa rất xưa” mà có lẽ ai cũng biết, tính trung thực và chính xác của các trang mạng xã hội luôn là điều rất khó kiểm định. Nó có thể chỉ là nghe phong thanh, kiểu “gió nói”, những đồn thổi, nhặt nhạnh của những cá nhân, thậm chí của một tổ chức mà người nghe, người xem không định hình được “mặt mũi” nó ra làm sao. Từ những thông tin không chính thống, có khi chỉ là chuyện vụn vặt, không đầu, không cuối, qua “trí tưởng tượng” của người viết, nó trở thành con voi, thành vấn đề nhức nhối của xã hội. Tuy biết đó là những sự “không đâu”, người không có bản lĩnh, nhận thức “lõm bõm” về chính trị, kinh tế, xã hội, cộng vào đó, bản thân có những điều chưa bằng lòng với quá trình tổ chức thực thi ở các cấp chính quyền cơ sở, bám lấy đó để như là một minh chứng cho sự “bất an” của xã hội. Nhất là khi các thông tin ấy được một đám đông hùa theo, cổ vũ, khích lệ, đồng cảm rồi chia sẻ. Khi đó, bản thân dễ rơi vào sự “ảo tưởng” mình như “người lính tiên phong” mà không biết, bản thân đang bị cú huých “bụi giậu” có ý đồ của người khác.

Đón nhận thông tin, tiếp nhận thông tin là quyền của mỗi cá nhân, nhưng biết lựa chọn thông tin cho đúng, cho trúng không phải ai cũng có thể làm được, nó là sự lựa chọn thông minh của người đọc, người nghe. Trong thực tiễn cuộc sống, không phải không có những cá nhân tự đánh mất mình trước những thông tin sai lệch. Khi một sự việc xảy ra, tự cho mình là nhà điều tra, đưa ra các kiểu giả thuyết, tình huống và cứ làm như đúng rồi. Cùng là sự vật hiện tượng, khi đứng ở các góc độ khác nhau thì sự nhận biết sẽ khác nhau. Câu chuyện thầy bói xem voi trong đời sống dân gian xem ra vẫn còn nguyên giá trị với những ai tiếp nhận thông tin như thế.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng đang khẩn trương các bước chuẩn bị cho Đại hội XIII sắp tới, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, chạy chức, chạy quyền trong bộ máy lãnh đạo. Đây là hoạt động công khai, một quan điểm cách mạng, một ý chí thống nhất, một chủ trương trong sáng và một nguyên tắc thực thi dân chủ, là sự bình đẳng trước pháp luật của nhà nước pháp quyền. Là người dân, ai cũng biết, đó không chỉ là yêu cầu, mà còn là một trong những nội dung có tính chất cốt lõi để xây dựng một chính Đảng trong sạch, đủ tầm lãnh đạo xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Nói cách khác, đó là quá trình tự nội tại trong Đảng, trong bộ máy đang tự “làm sạch”, loại bỏ những ung nhọt, “tế bào chết” làm ảnh hưởng đến sức mạnh của Đảng. Lợi dụng vào sự công khai ấy, không ít các đối tượng chỉ “nắm lấy” những thứ mà tổ chức Đảng đã loại bỏ để rêu rao cho rằng cả một cơ thể ấy đã hỏng, đã mất bản chất của người lãnh đạo. Đó chính là trò “đánh tráo khái niệm”, “mập mờ đánh lận con đen”, lấy cái cá biệt đẩy lên thành cái phổ biến.

Khi xã hội loài người xuất hiện giai cấp, nhà nước ra đời thì đồng thời cũng xuất hiện tham nhũng. Nếu tham nhũng hiểu theo nghĩa rộng thì, đó là hành vi của bất kỳ người nào có chức vụ, quyền hạn hoặc được giao nhiệm vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ được giao để vụ lợi. Còn theo nghĩa hẹp, được nêu trong Luật Phòng, chống tham nhũng thì tham nhũng là hành vi của người có chức, có quyền đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Lòng tham là thuộc tính của con người, tham nhũng cũng là thuộc tính của tất cả các chế độ xã hội có giai cấp và có nhà nước.

Song, tính ưu việt, tính chiến đấu của chính Đảng chân chính đó là dám công khai, dám đấu tranh, không bao che hay giấu giếm, kiên quyết đấu tranh với bất cứ ai, bất cứ người nào, không khoan nhượng, không có “thẻ bài miễn trừ”, không có vùng cấm, tất cả đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu là người có nhận thức đúng đắn, có bản lĩnh, sẽ phải có cái nhìn hai mặt, đa chiều và theo hướng vận động, phát triển đúng quy luật của mọi sự vật hiện tượng trong thế giới vật chất. Nếu chỉ nhìn một chiều, một góc độ nhất định, chỉ thấy “cái tôi” mà không thấy cái “chúng ta” đó là cái nhìn rơi vào phiến diện, hồ đồ hoặc siêu hình, vô căn cứ và thiếu sức thuyết phục.

Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không còn là sự thật. Đã là sự thật thì chỉ có một. Vẫn biết nhận thức là cả một quá trình. Quá trình nhận thức ấy nhanh hay chậm lại phụ thuộc vào khả năng của mỗi con người trong khi thế giới vật chất lại luôn vận động và phát triển. Ngay trong nhận thức cũng có nông, sâu, có đầy đủ và hạn chế, có chuẩn mực và sai lệch.

Trong một thế giới phẳng, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, tác động và ảnh hưởng của nó cũng là điều tất yếu. Trước các luồng thông tin, biết lựa chọn, biết sàng lọc, biết loại bỏ, hãy biết nhận về mình những gì đúng đắn nhất đó chính là một sự lựa chọn, tiếp nhận thông minh. Bình tĩnh khi tiếp nhận, có một cái nhìn khách quan trước mọi sự vật hiện tượng xảy ra, cảnh giác trước tất cả những luồng thông tin “miễn phí”. Chỉ khi đó, mới không tự đánh mất bản thân, đánh mất khả năng nhận biết sáng suốt của con người. Làm chủ bản thân, cảnh giác trước mọi thông tin, ấy là khi đủ tỉnh táo và bình tĩnh để có được những điều chính xác nhất như mong đợi.

Phạm Quế Nghi

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/canh-giac-truoc-cac-luong-thong-tin-tren-mang-xa-hoi-hien-nay/