Cảnh giác thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo

Mặc dù đã có nhiều bài học về các đối tượng giả danh cán bộ, công an gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng đến thời điểm hiện nay nhiều người dân vẫn 'mắc bẫy', bị thiệt hại tài sản. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục có giải pháp mạnh mẽ và tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, tránh những rủi ro đáng tiếc.

Các bị cáo giả danh công an, gọi điện thoại lừa đảo bị xét xử tại Hà Nội, ngày 16-12-2020. Ảnh: Việt Dũng

Những chiêu trò tinh vi

Công an quận Cầu Giấy cho biết, ngày 7-5, Công an phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) tiếp nhận đơn trình báo của ông Q. (trú tại quận Cầu Giấy) về việc nhận được cuộc điện thoại từ một đối tượng tự xưng là công an, thông báo ông Q. đang bị điều tra về vụ án ma túy và yêu cầu ông Q. chuyển tiền cho anh ta để xác minh. Ông Q. đã chuyển 2,6 tỷ đồng cho người gọi điện thoại xong mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Trước đó, một phụ nữ ở quận Hai Bà Trưng cũng đã chuyển 360 triệu đồng cho đối tượng gọi điện tự xưng là công an đang điều tra vụ án ma túy liên quan đến bà. Hiện, Công an phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) đang tiến hành điều tra vụ việc theo đơn trình báo.

Tương tự, chị Nguyễn Thị L. (huyện Phúc Thọ) cho biết, ngày 26-4, chị nhận được cuộc điện thoại của người lạ (số 88260009275) thông báo việc chị mở tài khoản tại một ngân hàng chi nhánh Đà Nẵng và đang nợ số tiền gần 40 triệu đồng. Tuy phủ nhận việc mình vay nợ, nhưng khi người gọi xưng danh là cán bộ điều tra, yêu cầu phải phối hợp thì chị đã làm theo hướng dẫn, gửi ảnh chụp thẻ ngân hàng, chứng minh thư nhân dân, để rồi tài khoản ngân hàng bị "bốc hơi" 395 triệu đồng.

Theo cơ quan Công an, thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua điện thoại. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm thường là: Sử dụng công nghệ cao, ẩn danh hoặc giả danh số điện thoại giống số điện thoại của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… gọi điện thông báo cho nạn nhân đang bị kiện, nợ ngân hàng… Sau đó, chúng yêu cầu nạn nhân thực hiện các thao tác kê khai thông tin cá nhân, số tài khoản hòng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Nhiều người dân nhẹ dạ, hiểu biết hạn chế nên đã bị lừa.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người dân nêu cao cảnh giác nên đã thoát bẫy lừa. Đơn cử như anh Lê Quang Việt, phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) cách đây ít ngày nhận được cuộc điện thoại báo anh bị “phạt nguội” do vi phạm giao thông. Khi anh Việt đề nghị cung cấp chứng cứ thì đầu dây bên kia tắt máy.

Nâng cao nhận thức phòng ngừa

Thượng tá Tạ Quang Hòa, Phó Trưởng Công an huyện Phúc Thọ cho biết, để phòng ngừa loại hình tội phạm này, Công an huyện khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác. Cụ thể, đối với người dùng mạng xã hội cần tránh đưa thông tin cá nhân, để đối tượng xấu không có cơ hội khai thác, thực hiện hành vi lừa đảo.

Một người dân phường Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) đã cảnh giác, thông báo với Công an phường khi nhận được điện thoại của đối tượng giả danh công an, vào tháng 10-2020, hòng lừa đảo, chiếm đoạt 250 triệu đồng - Ảnh: Minh Đức.

Khi gặp tình huống nêu trên, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo không làm theo các yêu cầu của đối tượng, liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời. Đặc biệt, người dân không tải các phần mềm do đối tượng yêu cầu, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã OTP (mật khẩu sử dụng 1 lần) tài khoản ngân hàng...

Còn theo Đại tá Dương Đức Hải, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), thời gian gần đây, khi cơ quan chức năng áp dụng hình thức “phạt nguội” trong xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thì xuất hiện tình trạng một số người dân nhận được các cuộc điện thoại tự xưng là cảnh sát giao thông thông báo việc “phạt nguội” do có hành vi vi phạm. Các đối tượng đề nghị người dân cung cấp số biên bản, nếu chưa nhận được biên bản thì cung cấp thông tin cá nhân để thông báo số biên bản, số tiền xử phạt. Tiếp đó, các đối tượng sẽ yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng hoặc cung cấp mã OTP để xác minh, điều tra, xử lý “phạt nguội” hòng chiếm đoạt tài sản.

Riêng đối với việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông bằng hình thức “phạt nguội”, Đại tá Dương Đức Hải nhấn mạnh, các đơn vị cảnh sát giao thông không gọi điện thoại thông báo đến những trường hợp vi phạm, cũng không yêu cầu người vi phạm chuyển tiền nộp phạt vào bất kỳ tài khoản nào. Khi phát hiện các trường hợp gọi điện như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Không chỉ trong lĩnh vực giao thông, Công an thành phố Hà Nội đã khuyến cáo người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác, tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống, không làm theo yêu cầu từ số điện thoại lạ, kể cả cá nhân tự nhận là đại diện của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án… Được biết, thời gian tới, Công an thành phố Hà Nội sẽ tăng cường xác minh, điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi giả mạo hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1000197/canh-giac-thu-doan-gia-danh-cong-an-de-lua-dao