Cảnh giác khi Trung Quốc mạnh tay mua cổ phần DN Việt

Cảnh giác khi nhà đầu tư Trung Quốc hướng tới các nhóm doanh nghiệp nhỏ Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), Trung Quốc thuộc top 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam. Song, số dự án Trung Quốc góp vốn mua cổ phần cũng rất cao ở mức 593 dự án với chỉ khoảng 280 triệu USD. Báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Xuân Trường, giảng viên cao cấp Bộ môn Thuế, Học viện Tài chính về vấn đề này.

Không thể lạc quan với dòng đầu tư từ Trung Quốc

- PV: Nhiều người băn khoăn về xu hướng đầu tư nói trên của Trung Quốc, theo ông, điều này nên được giải thích thế nào?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Trên thực tế ngoài những dự án đầu tư có quy mô lớn, có công nghệ cao, chúng ta cũng có nhiều dự án nhỏ hoặc dự án lớn nhưng công nghệ không hiện đại. Riêng các doanh nghiệp Trung Quốc thì có xu hướng đầu tư số vốn nhỏ và tập trung đầu tư theo cách thức góp vốn hoặc mua lại cổ phần.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Trước hết, dưới góc độ kinh tế, doanh nghiệp và nhà đầu tư luôn lựa chọn địa điểm đầu tư, hình thức đầu tư, lĩnh vực đầu tư, phương thức hợp tác kinh doanh… theo cách mà họ đánh giá là có thể mang lợi lợi nhuận cao nhất. Đối với những lĩnh vực không đòi hỏi vốn pháp định thì họ không bị ràng buộc về vốn đầu tư tối thiểu.

Thứ hai, Trung Quốc là nước láng giềng gần gũi với Việt Nam nên điều kiện về địa lý gần gũi tạo điều kiện để các doanh nghiệp nhỏ có thể triển khai đầu tư ra nước ngoài với chi phí thấp (so với đầu tư ra nước có khoảng cách địa lý xa hơn).

Thứ ba, các doanh nghiệp Trung Quốc tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà họ có lợi thế khi tiếp cận thị trường Việt Nam do sự gần gũi về văn hóa và tập quán tiêu dùng của hai nước mà những lĩnh vực này thường không đòi hỏi đầu tư vốn lớn như: Phòng khám y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe, thẩm mỹ…

Thứ tư, giống như ở mọi quốc gia, luôn tồn tại cả những người kinh doanh chân chính, bài bản và những người kinh doanh chụp giật.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc phát hiện điểm yếu của một số đối tác Việt Nam là kinh doanh theo kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về kinh doanh và quản trị nên chủ trương góp vốn đầu tư với mục tiêu lợi dụng để trục lợi, thậm chí lừa đảo đối tác và người tiêu dùng Việt Nam.

Trên thực tế, đã có trường hợp chủ doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam lừa đảo vốn của ngân hàng thương mại, quỵt tiền lương người lao động rồi bỏ trốn về Trung Quốc.

- PV: Người ta lo ngại, khi người Trung Quốc đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ, mục tiêu của họ chỉ là lợi nhuận, các yêu tố môi trường sẽ bị coi nhẹ bớt. Mặt khác, họ cũng sẽ tìm cách mang lao động Trung Quốc sang, và sẽ còn xuất hiện nhiều hơn những phố Trung Quốc... Ông chia sẻ với những lo ngại trên như thế nào?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Như đã nói trên, người kinh doanh và đầu tư luôn quan tâm tới lợi nhuận, thậm chí chỉ là lợi nhuận trước mắt, ngắn hạn. Chỉ với những doanh nghiệp lớn, làm ăn bài bản mới quan tâm đến phát triển bền vững, gắn sự phát triển của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng và quan tâm thực hiện trách nhiệm xã hội.

Đương nhiên, Nhà nước luôn phải có trách nhiệm định hướng và quản lý để phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, tiến bộ xã hội, công bằng xã hội, bảo vệ lợi ich quốc gia, đảm bảo an ninh và quốc phòng.

PGS.TS Lê Xuân Trường

Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng rằng để doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư quá nhiều sẽ ảnh hưởng không tốt về văn hóa hoặc an ninh quốc gia. Không nên vì sợ ảnh hưởng của mặt trái mà đóng cửa với Trung Quốc nói riêng và với các nước khác trên thế giới nói chung.

- PV: Tuy nhiên, cũng không thể không cảnh giác trước những mặt trái. Theo ông, chúng ta nên làm thế nào?

PGS.TS Lê Xuân Trường: Có rất nhiều việc phải làm, trong đó, những việc sau đây là rất quan trọng:

Một là, các cơ quan nhà nước cần thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về đầu tư và kinh doanh. Kiểm tra kỹ các điều kiện về đầu tư khi cấp phép đầu tư.

Cần có biện pháp phối hợp để nắm bắt nhân thân của các nhà đầu tư nước ngoài, năng lực của nhà đầu tư… Đảm bảo các nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư Trung Quốc nói riêng tuân thủ đúng quy định pháp luật về đầu tư và kinh doanh của Việt Nam.

Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam, đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra sai phạm để kịp thời ngăn chặn các hoạt động kinh doanh trái pháp luật của các nhà kinh doanh có mục tiêu lừa đảo.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân nắm bắt các thủ đoạn, các hành vi có dấu hiệu lừa đảo của các doanh nghiệp Trung Quốc để người dân chủ động trong hợp tác với đối tác Trung Quốc.

Bốn là, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ khởi sự kinh doanh để người kinh doanh có kiến thức cần thiết khi bỏ vốn đầu tư và đặc biệt là khi hợp tác đầu tư, kinh doanh, làm ăn với các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc.

Năm là, tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật về đầu tư và kinh doanh để sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật chưa chặt chẽ, không rõ ràng hoặc còn có khoảng trống chưa quy định để tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ và hợp lý cho đầu tư và kinh doanh, qua đó, vừa thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, vừa đảm bảo phát triển kinh tế xã hội theo đúng định hướng của Nhà nước.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/canh-giac-khi-trung-quoc-manh-tay-mua-co-phan-dn-viet-3345414/