Cảnh giác để không mất tiền vì bị lừa đảo qua điện thoại

Cuối năm là thời điểm 'nóng' của hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua điện thoại và mạng xã hội. Vì vậy mỗi người cần cảnh giác, thận trọng trước các cuộc gọi, tin nhắn bất thường để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nghe một cú điện thoại mất luôn tiền tỷ

Cuối tháng 4-2020, bà H. (ở quận Thanh Xuân) nhận được nhiều cuộc gọi từ số thuê bao lạ. Những người này tự giới thiệu là nhân viên bưu chính tại TP HCM, thông báo việc bà H. đang sử dụng một tài khoản tại một ngân hàng, đang nợ 36 triệu đồng và yêu cầu bà sau 2 tiếng đồng hồ phải có mặt để giải quyết.

Khi bà H. khẳng định không có tài khoản ngân hàng và khoản nợ trên thì cuộc gọi được chuyển đến hai người đàn ông, tự xưng là cán bộ điều tra tội phạm của Công an TP HCM, được giao nhiệm vụ điều tra tội phạm ma túy và rửa tiền tại các ngân hàng. Người này thông báo tài khoản ngân hàng của bà H. có liên quan đến đường dây tội phạm, đã nhận nhiều tiền hối lộ từ các đối tượng phạm tội, đe dọa và yêu cầu bà H. cung cấp thông tin cá nhân, số tiền hiện có để phục vụ điều tra.

Do hoảng sợ và tin là thật, bà H. đã cung cấp toàn bộ thông tin cá nhân, thông tin về các khoản tiền tiết kiệm hiện có. Bà H. đã đến phòng giao dịch ngân hàng để mở một tài khoản và làm thủ tục rút toàn bộ số tiền tiết kiệm, chuyển sang tài khoản vừa mở. Sau đó gửi cho các đối tượng toàn bộ thông tin về tài khoản vừa mở (bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu…).

Khi chuyển tiền xong, bà H. được thông báo toàn bộ số tiền đó để phục vụ điều tra, xong việc sẽ trả lại. Bà H. cung cấp toàn bộ thông tin về tài khoản vừa mở cho đối tượng. Chưa dừng lại ở đó, đến cuối tháng 8-2020, bà H. tiếp tục bị các đối tượng đe dọa, yêu cầu gửi thêm tiền vào tài khoản mới để hoàn tất việc điều tra.

Sau khi nộp tiền, bà H. kể cho người thân toàn bộ sự việc, người nhà bà H. khuyên đến ngân hàng để kiểm tra tiền trong tài khoản thì phát hiện toàn bộ số tiền 7 tỷ đồng đã bị rút sạch. Lúc này bà H. mới biết mình bị lừa và vội đến trình báo với cơ quan Công an.

Mới đây, một người phụ nữ ở Hà Nội đã đến cơ quan trình báo bị lừa 13 tỷ đồng sau khi nhận cuộc điện thoại từ người tự xưng là nhân viên cơ quan tư pháp.

Người dân tuyệt đối không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.

Người dân tuyệt đối không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại.

Cảnh giác khi nghe điện thoại lạ

Nhưng đó chỉ là hai trong số hàng trăm nạn nhân bị mất tiền vì tin những cuộc điện thoại dọa dẫm của đối tượng lừa đảo. Thời gian qua, chỉ tính riêng các vụ lừa đảo được người dân trình báo, tố giác, trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã tiếp nhận 776 vụ, với số tiền bị lừa đảo lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Thủ đoạn lừa đảo giả danh, mạo danh Công an, Viện Kiểm sát, Thanh tra, Tòa án, Bưu điện... để chiếm đoạt tài sản gia tăng mạnh, chiếm tỷ lệ trên 65% số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bộ Công an đã nhiều lần khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Mới đây, Tập đoàn VNPT tiếp tục triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hệ thống bảo mật và tuyên truyền, khuyến cáo đến khách hàng.

VNPT khuyến cáo khách hàng cần thận trọng trước những cuộc gọi, tin nhắn bất thường. Khách hàng cần bình tĩnh, cảnh giác khi nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, cơ quan tư pháp thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn và đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Khách hàng cần tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào từ những cuộc gọi trên: không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, đặc biệt là thông tin số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân. Khách hàng cần tắt máy và trình báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02) nhằm được hướng dẫn kịp thời.

Trong trường hợp nhận được tin nhắn từ người thân, bạn bè trên trang mạng xã hội hỏi vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại… khách hàng cần cẩn trọng, nhanh chóng gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để xác nhận thông tin.

Theo VNPT, một kịch bản lừa đảo phổ biến khác, đó là khách hàng nhận được cuộc gọi từ các đầu số nước ngoài như: Modova (+373), Tunisia (+216), Equatorial Guinea (+240), Burkina Faso (+226).

Thực chất đây là các cuộc gọi nháy máy từ thuê bao nước ngoài, bao gồm cả cuộc gọi nháy máy từ các ứng dụng OTT nhằm mục đích lôi kéo lừa đảo khách hàng gọi lại để phát sinh cước viễn thông ngoài ý muốn. Khách hàng chỉ nên gọi đi quốc tế khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài.

Ngoài ra, đối với những cuộc gọi này, VNPT đã chủ động phân loại và chặn các cuộc gọi đến từ các đầu số quốc tế có dấu hiệu lừa đảo.

Khi phát hiện những cuộc gọi, tin nhắn có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng vui lòng phản ánh về tổng đài 18001091 của VNPT để được kịp thời tư vấn, hướng dẫn.

Tân Lương

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/canh-giac-de-khong-mat-tien-vi-bi-lua-dao-qua-dien-thoai-619244/