Cảnh giác chiêu trò lừa đảo sử dụng công nghệ về tới vùng sâu, vùng xa

Lừa đảo sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản những tưởng chỉ xảy ra ở những tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển về công nghệ, thế nên việc nhiều người dân ở Gia Lai trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo: Loại tội phạm này đang tìm về các tỉnh vùng sâu, vùng xa trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nơi người dân còn nhiều hạn chế cả về nhận thức lẫn về công nghệ…

Ngày 17-4, Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) (PC02, Công an Gia Lai) cho biết, trên địa bàn tỉnh Gia Lai gần đây xuất hiện nhiều thủ đoạn lừa đảo với thủ đoạn hết sức tinh vi. Vào tháng 3-2019, bà Nguyễn Thị M. (trú phường Diên Hồng, TP Plây Cu) nhận một cuộc gọi qua điện thoại, đầu dây phía bên kia là một giọng nữ tự xưng là công an, nói đang điều tra một vụ buôn bán ma túy xuyên quốc gia, có liên quan bà M., sau đó đối tượng chuyển máy cho một đối tượng khác là nam giới. Đối tượng này cũng xưng là công an, yêu cầu bà M. phải gửi tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng để xác minh, nếu không liên quan đến vụ án sẽ chuyển trả lại. Vừa lo sợ, lại tin lời nói của các đối tượng là thật, bà M. chuyển hơn 534 triệu đồng trong sổ tiết kiệm vào tài khoản theo yêu cầu. Cũng bị lừa với thủ đoạn nêu trên, đầu tháng 4-2019, ông Nguyễn Ngọc T. (trú thị xã An Khê) đã chuyển vào một tài khoản giả mạo số tài khoản của Bộ Công an với số tiền 350 triệu đồng. Trước đó, ông cũng bị các đối tượng tự xưng là công an đang điều tra án ma túy, có liên quan bản thân ông. Lo sợ bị bắt, ông chuyển tiền để minh oan, ai ngờ mất luôn số tiền lớn. Một vụ việc khác, trong quá trình sử dụng Facebook, chị Nguyễn Thị S. kết bạn, làm quen với một đối tượng sử dụng Facebook có tên “Zdy”. Ngày 27-3, đối tượng “Zdy” nhắn tin, đề nghị chị S. cung cấp thông tin cá nhân để gửi cho chị gói quà, trong đó có 640.000 USD và một số tài sản khác. Ngay ngày hôm sau, chị S. nhận cuộc điện thoại của một người xưng là nhân viên sân bay Nội Bài, thông báo gói quà mà chị nhận có chứa nhiều USD, cho nên chị phải đóng tiền phạt, tiền làm giấy tờ chống rửa tiền, tiền phí… mới được nhận quà. Tin tưởng, chị S. chuyển vào tài khoản của đối tượng 313 triệu đồng và bị lừa mất.

Một hình thức lừa đảo khác. Anh Nguyễn Văn Q. (trú TP Plây Cu, Gia Lai) đăng thông tin bán nhà trên Facebook. Ít ngày sau, xuất hiện một người tên T. liên hệ, đề nghị anh Q. cung cấp thông tin tài khoản, để chuyển 100 triệu đồng đặt cọc mua nhà. Tưởng thật, anh Q. cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của mình. Hôm sau, anh Q. nhận được tin nhắn qua điện thoại, thể hiện tài khoản của mình đã tăng thêm 100 triệu đồng và một mã OTP. Cùng lúc đó, đối tượng T. đề nghị anh Q. nhập mã OTP vào trang web tên: http://westeronline.weebly.com, để nhận tiền. Nhập xong, số tiền 100,7 triệu đồng của anh Q. đã chuyển sang tài khoản của đối tượng. Điện thoại cho đối tượng T. thì không liên lạc được. Ngoài ra, các đối tượng còn giả danh nhà mạng nhắn tin trúng thưởng như trúng xe máy, tặng 100 triệu đồng… nhiều người tưởng thật, đã nạp tiền để nhận thủ tục nhận thưởng. Đến lúc mất tiền, mới biết bị lừa.

Thượng tá Trần Trọng Sơn, Trưởng phòng CSHS Công an tỉnh cho biết, đã có văn bản thông báo đến các trưởng công an huyện, thị xã, thành phố thông qua các hình thức họp tổ dân phố, phát tờ rơi tuyên truyền đến người dân để đề cao cảnh giác; đồng thời nhấn mạnh: Qua một số vụ việc, chúng tôi muốn cảnh báo người dân cần tỉnh táo khi bị đối tượng giả danh cán bộ điều tra, kiểm sát tiếp cận. Bởi vì về nguyên tắc, khi làm việc với cơ quan điều tra, kiểm soát thì luôn có chính quyền, công an cơ sở. Tuyệt đối không nghe điện thoại vì cơ quan điều tra không làm việc qua điện thoại. Hơn nữa, đối tượng giả danh người nước ngoài để chiếm đoạt tài sản thông qua việc đầu tư và hình thức chụp ảnh các thùng hàng gửi cho người dân là lừa đảo. Người dân không cung cấp các thông tin cá nhân (tài khoản, chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước, địa chỉ, số điện thoại, mã giao dịch ngân hàng…) cho các đối tượng gọi đến để xác định đặt tiền cọc. Với hình thức mua bán hàng trên mạng, khi nào nhận được hàng mới chuyển tiền, tuyệt đối không trả tiền trước rồi mới nhận hàng sau. Về dịch vụ “Nhắn tin trúng thưởng”, hiện không có nhà mạng nào cung cấp các dịch vụ kiểu gọi điện, thông báo nạp tiền vào tài khoản... Trường hợp trúng thưởng thì các công ty sẽ trực tiếp đến từng gia đình.

Anh Phan

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40111802-canh-giac-chieu-tro-lua-dao-su-dung-cong-nghe-ve-toi-vung-sau-vung-xa.html