Cảnh giác bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa

Hiện trà lúa mùa sớm ở Nam Định đang bắt đầu đẻ nhánh. Song, rầy lứa 4 đã xuất hiện trên cánh đồng lúa với mật nơi cao từ 100 - 200 con/m2.

 Các trà lúa sớm trên địa bàn tỉnh Nam Định đang vào giai đoạn đẻ nhánh. Ảnh: Mai Chiến.

Các trà lúa sớm trên địa bàn tỉnh Nam Định đang vào giai đoạn đẻ nhánh. Ảnh: Mai Chiến.

Theo Chi cục Trồng trọt - BVTV Nam Định, rầy lứa 4 (chủ yếu rầy lưng trắng) đã nở với mật độ trung bình từ 30 - 50 con/m2, nơi cao 100 - 200 con/m2, cá biệt 200-300 con/m2.

Tại các xã Giao Thanh, Giao Lạc (huyện Giao Thủy); Hải Bắc, Hải Hưng (huyện Hải Hậu); Trực Hưng, Ninh Cường (huyện Trực Ninh)… phổ biến rầy trưởng thành và tuổi 1; mật độ rầy trưởng thành cao hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2018, 2019 (từ 5 - 7 lần).

Chi cục nhận định, rầy trưởng thành sẽ tiếp tục đẻ trứng, gia tăng mật độ và nở rộ từ ngày 27/7 - 2/8, trùng với giai đoạn rất mẫn cảm với bệnh lùn sọc đen hại lúa.

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, kết quả phân tích giám định virus từ ngày 29/6 - 20/7 có 3/65 mẫu rầy dương tính với virus lùn sọc đen, chiếm 4,6% (tại huyện Giao Thủy, Nam Trực, Vụ Bản), cao hơn so với cùng kỳ vụ trước, nguy cơ rất cao việc bùng phát trở lại bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa 2020.

Trước tình hình trên, để bảo vệ tốt dàn lúa mùa; Sở NN-PTNT Nam Định đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các địa phương duy trì mực nước nông cho ruộng lúa từ sau cấy đến khi kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu, không để ruộng khô hạn…

Tổ chức phun thuốc trừ rầy lưng trắng lứa 4 đồng loạt để chủ động phòng ngừa bệnh lùn sọc đen tập trung từ ngày 27/7 - 02/8. Các huyện phía Nam tỉnh và những vùng đã xuất hiện bệnh lùn sọc đen trong những vụ trước cần tổ chức tốt công tác phòng trừ rầy lứa 4. Sử dụng thuốc có hoạt chất Thiamethoxam hoạt chất Imidacloprid… Sau 3 ngày phun thuốc nếu rầy còn mật độ cao cần tiếp tục phun trừ lại.

MAI CHIẾN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/canh-giac-benh-lun-soc-den-hai-lua-mua-d269272.html