Cánh cửa rộng cho người đẹp dự thi quốc tế

Đề xuất bỏ quy định người thi hoa hậu phải là nữ, chưa phẫu thuật thẩm mĩ hay người đẹp có quyền đi thi quốc tế khi có giấy mời... là một số trong số khá nhiều thay đổi tại Dự thảo Nghị định quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn Chính phủ vừa trình tại phiên họp Thường vụ Quốc hội trung tuần tháng 7 vừa qua.

Những quy định có phần nới lỏng đó liệu có góp phần khiến cho các cuộc thi nhan sắc bớt phần lộn xộn là điều mà nhiều người quan tâm? Đề xuất bỏ quy định người thi hoa hậu phải là nữ, chưa phẫu thuật thẩm mĩ hay người đẹp có quyền đi thi quốc tế khi có giấy mời... là một số trong số khá nhiều thay đổi tại Dự thảo Nghị định quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn Chính phủ vừa trình tại phiên họp Thường vụ Quốc hội trung tuần tháng 7 vừa qua. Những quy định có phần nới lỏng đó liệu có góp phần khiến cho các cuộc thi nhan sắc bớt phần lộn xộn là điều mà nhiều người quan tâm?

Có được danh hiệu tại các cuộc thi nhan sắc luôn là mơ ước của nhiều cô gái trẻ.

Có được danh hiệu tại các cuộc thi nhan sắc luôn là mơ ước của nhiều cô gái trẻ.

Lĩnh vực thi hoa hậu, người đẹp vẫn luôn là một trong những lĩnh vực nảy sinh khá nhiều vấn đề trong thời gian vừa qua. Mặc dù các cơ quan quản lý đã liên tục thay đổi những quy định cho phù hợp trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể nhưng tình những lùm xùm quanh các danh hiệu nhan sắc vẫn thường xuyên diễn ra.

Chất lượng các cuộc thi nhan sắc sụt giảm, việc những người đẹp tham gia thi"chui" tại các cuộc thi quốc tế hay những người mang danh hiệu lại vướng vào tệ nạn xã hội... là điều đã từng xảy ra khiến cơ quan chức năng không khỏi đau đầu. Những thay đổi tại dự thảo Nghị định năm nay được hy vọng phù hợp với tình hình mới và sẽ khắc phục được phần nào thực trạng đáng buồn này.

Trình bày tờ trình tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, hoạt động nghệ thuật biểu diễn đang điều chỉnh bởi Nghị định 79 năm 2012 và Nghị định số 15 năm 2016.

Tuy nhiên, đến nay đã phát sinh một số vướng mắc, hạn chế. Ví dụ như quy định về cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác: xuất, nhập cảnh, lao động, thương mại, thi đua, khen thưởng... Điều này đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng sự chồng chéo giữa các quy định để trục lợi. Do đó, việc ban hành Nghị định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là cần thiết, phù hợp.

Dự thảo nghị định có 6 chương, 31 điều, trong đó điểm mới ở lĩnh vực thi Hoa hậu, người đẹp là việc không bắt buộc điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ như quy định hiện hành.

Theo đó, những người dự thi các cuộc thi người đẹp, người mẫu chỉ cần đáp ứng các tiêu chí do ban tổ chức cuộc thi quy định trong điều lệ, quy chế cuộc thi. Đồng thời, không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn, không có án tích hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Hoa hậu Lương Thùy Linh sẽ là đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2020 (dự kiến tổ chức trong năm 2021).

Dự thảo cũng bỏ quy định cá nhân phải đạt danh hiệu tại các cuộc thi người đẹp trong nước mới được dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế. Các người đẹp đi thi quốc tế không nhất thiết phải lọt top 3 cuộc thi trong nước. Họ chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó.

Theo đó, những người Việt Nam ra nước ngoài để tham dự cuộc thi chỉ cần có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, đồng thời không trong thời gian bị đình chỉ hoạt động biểu diễn, không có án tích, hoặc không phải là người đang bị buộc tội theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Đây có thể coi là một trong những quy định mới, khác biệt nhất so với quy định cũ.

Dự thảo cũng quy định rõ, UBND cấp tỉnh, nơi cá nhân cư trú sẽ là cơ quan cấp văn bản xác nhận cho cá nhân từ Việt nam ra nước ngoài để tham dự cuộc thi người đẹp. Văn bản xác nhận này phải được gửi về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để quản lý trong 3 ngày làm việc. Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, việc này nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm nội dung quản lý nhà nước vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập như hiện nay.

Lâu nay, chúng ta thực hiện việc quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm. Đây được coi là phương án có thể kiểm soát được số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, thời gian qua việc này bộc lộ bất cập là dễ tạo cơ chế xin cho hoặc tổ chức thi chui như hiện nay.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp luôn tìm cách xin cơ quan quản lý, cấp phép tạo thuận lợi trong việc kêu gọi tài trợ, bảo hộ độc quyền và trục lợi từ danh hiệu của cuộc thi. Trước đây, mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc gia được cấp phép, cùng 3 cuộc thi cấp vùng, ngành, 1 cuộc thi cấp tỉnh. Dự thảo mới sẽ không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi trong nước. Đồng thời, dự thảo cũng bỏ quy định gọi danh hiệu lâu nay: đoạt giải tại các cuộc thi cấp quốc gia được gọi là hoa hậu, nhỏ hơn là hoa khôi.

Có ý kiến cho rằng, việc xóa bỏ một số quy định có dẫn đến tình trạng loạn danh hiệu như đã từng xảy ra hay không? Một số chuyên gia trong lĩnh vực xã hội cho rằng, việc đó không gây loạn danh hiệu mà trả hoa hậu đúng vị trí, vai trò trong xã hội. Việc cấp phép trước đây vô tình tạo nên thương hiệu cho một cuộc thi dẫn đến người ra lấy thương hiệu để xin tài trợ, quảng bá rầm rộ cuộc thi, dẫn đến hệ lụy như lâu nay.

Một quy định mới liên quan tới các cuộc thi hoa hậu, người mẫu là thu hồi kết quả cuộc thi, không công nhận danh hiệu đạt được trong cuộc thi. Theo đó, dự thảo quy định, UBND cấp tỉnh nơi cấp phép cuộc thi có quyền ban hành văn bản yêu cầu thu hồi danh hiệu, giải thưởng khi phát hiện cá nhân đạt danh hiệu giải thưởng vi phạm. Cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc UBND cấp tỉnh nơi cá nhân cư trú có quyền không công nhận danh hiệu của cá nhân chưa được xác nhận từ Việt Nam ra nước ngoài để tham dự cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Đồng thời, dự thảo Nghị định quy định cá nhân có nghĩa vụ chấm dứt sử dụng danh hiệu đạt được trong cuộc thi người đẹp, người mẫu và phải thông báo đến tổ chức, cá nhân liên quan.

Liên quan tới quy định này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, quy định khi bị thu hồi cá nhân có nghĩa vụ chấm dứt sử dụng danh hiệu đạt được trong cuộc thi người đẹp, người mẫu và phải thông báo đến tổ chức, cá nhân liên quan là chưa hợp lý, khó khả thi và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa phù hợp. Có thể nói, dự thảo Nghị định yêu cầu ý thức tự giác của những người đẹp nhưng điều này không phải lúc nào cũng có hiệu quả.

Một trong những vấn nạn ở các cuộc thi Hoa hậu, người đẹp là thi chui. Dự thảo Nghị định lần này có thể coi như bước ngoặt mở toang cánh cửa cho các cuộc thi nhan sắc.

Lý giải cho những thay đổi này, các ý kiến cho rằng thực tiễn cuộc sống đa dạng hơn quản lý văn hóa. Các cuộc thi nhan sắc quốc tế có những tiêu chí, quy định riêng để tìm ra người phù hợp. Việc chúng ta đưa ra tiêu chí của mình là không phù hợp, không cần thiết nên phải điều chỉnh. Người dân có quyền tham gia những cuộc thi này và nhà nước không nên cấm.

Ngoài ra, việc một số người thi chui lại đạt giải cao cho thấy nên tạo điều kiện cho việc người đẹp đi thi nước ngoài nếu thấy phù hợp. Thay vì siết chặt các cuộc thi, Dự thảo Nghị định lần này nới lỏng với các cuộc thi cho thấy sự thay đổi trong quan niện của người quản lý.

Ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn thì cho rằng khi gỡ các quy định nghiêm ngặt, tự các cuộc thi sẽ đào thải lẫn nhau. Những cuộc thi uy tín sẽ tồn tại. Từ đó cũng thay đổi quan niệm về những người đạt danh hiệu. Họ không phải là biểu tượng hay tượng trưng cho nhan sắc của một quốc gia mà chỉ là những người phù hợp với tiêu chí các cuộc thi quốc tế.

Có thể nói, việc điều chỉnh những quy định mới về điều kiện, năng lực tổ chức, các cuộc thi nhan sắc, bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về tiêu chuẩn đạo đức của người tham dự... cho thấy sự thay đổi trong quản lý các cuộc thi nhan sắc phù hợp với tình tình mới, nhằm bảo đảm các cuộc thi đạt được tiêu chí, mục đích, hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Tuy nhiên, những thay đổi này có thật sự đạt được hiệu quả như mong muốn hay không vẫn còn đợi thực tiễn trả lời.

Khánh Thảo

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/canh-cua-rong-cho-nguoi-dep-du-thi-quoc-te-606056/