'Cánh cửa' nào cho phim tài liệu?

Kỳ công và đòi hỏi người làm phim phải tập trung tâm sức trong một thời gian dài, nhưng sau một số phim gây chú ý như 'Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng', 'Lửa Thiện Nhân' hay 'Chuyện ngày hôm qua', phim tài liệu lại gần như vắng lặng ngoài hệ thống rạp chiếu. Vì sao lại có nghịch lý này?

Được Hiệp hội các Viện Văn hóa và Đại sứ quán các nước châu Âu (EUNIC) tại Việt Nam phối hợp với Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức, Liên hoan Phim Tài liệu châu Âu – Việt Nam đã trở thành sự kiện thường niên được người yêu thích dòng phim này chờ đợi.

Năm 2019, Liên hoan bước sang tuổi thứ 10 với 25 tác phẩm đặc sắc của 11 quốc gia gồm Áo, Pháp, Bỉ, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Cộng hòa Séc, Anh, Israel và Việt Nam.

Đây không phải là những siêu phẩm điện ảnh đình đám, gây sốt phòng vé như các phim “bom tấn” giàu tính giải trí thường thấy nhưng, nói như chia sẻ của Viện trưởng Viện Goeth tại Việt Nam, ông Wilfried Eckstein thì đây là những thước phim phản ánh sinh động, chân thật nhất về đời sống xã hội trong mỗi giai đoạn nhất định với những thông điệp nhân văn nhất, súc tích nhất và cũng giàu thông tin nhất.

Có những phim như “Nữ thẩm phán” của Bỉ, “David Hockney: Một phong cảnh mở” của Anh, đạo diễn phải mất 3 năm ròng rã mới hoàn thành tác phẩm. Đổi lại, người xem có dịp hiểu hơn cuộc đấu tranh khốc liệt, kể cả những giằng xé nội tâm của người đại diện cho công lý trong mỗi vụ án, mỗi bước đường điều tra tội ác, mỗi buổi thẩm vấn hay khám nghiệm hiện trường.

Cũng bằng sự lao động sáng tạo cần mẫn của người làm phim mà khán giả hiểu được hành trình trở lại, những sáng tạo không ngừng nghỉ và cả những góc khuất của người họa sĩ tài năng sau những giây phút thăng hoa…

“Chuyện ngày hôm qua”, một trong số phim tài liệu Việt hiếm hoi được phát hành ngoài rạp.

“Chuyện ngày hôm qua”, một trong số phim tài liệu Việt hiếm hoi được phát hành ngoài rạp.

NSND Nguyễn Như Vũ, quyền Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương cũng chia sẻ rằng, đã tròn 10 năm, gần như đến hẹn lại lên, người yêu mến dòng phim tài liệu lại ngóng chờ những bộ phim đặc sắc được chọn chiếu trong dịp Liên hoan Phim tài liệu châu Âu – Việt Nam.

Từ chỗ không hẳn nhiều khán giả, vài năm gần đây, các buổi chiếu phim đều đầy ắp người xem. Trừ những ngày mưa gió, nhiều buổi chiếu, ban tổ chức phải kê thêm ghế cho khán giả ngồi dọc lối đi. Với ban tổ chức và với cả người làm phim nữa, đây thực sự là một tín hiệu vui.

Liên hoan Phim năm nay cũng chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 10 ngày (từ 31-5 đến 9-6) nhưng có đến 10 tác phẩm của nước ngoài và 15 tác phẩm của Việt Nam được trình chiếu. Nhiều phim đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng điện ảnh nổi tiếng, kể cả Giải César năm 2019, Giải thưởng của Bỉ 2019 cho Phim tài liệu xuất sắc, hay ở Việt Nam là giải thưởng Cánh Diều Vàng…

Bộ phim về Thủ tướng Đức “Angela Markel – Hơn cả bất ngờ” nhưng được đem đến từ Anh quốc là một bất ngờ khó cưỡng cho người yêu thích dòng phim tài liệu, hấp dẫn đông đảo khán giả hơn.

Trao đổi về sức hấp dẫn của phim tài liệu với khán giả ở nước ngoài và tại Việt Nam, đại diện của Tây Ban Nha, Cộng hòa Séc cũng đều khẳng định, dù có ít khán giả hơn so với các tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim truyện nhưng phim tài liệu vẫn có những vị trí nhất định, không thể thay thế.

Nhiều năm gắn bó với Liên hoan phim, đôi lần, họ bất ngờ khi người xem tại Việt Nam lại đón nhận tác phẩm nồng nhiệt, thậm chí có phim còn được yêu thích hơn cả khi phát hành ở quốc gia có phim được sản xuất.

Về vấn đề này, Đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thừa nhận, mặc dù thời gian gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy lượng người quan tâm xem phim tài liệu ngày càng cao hơn nhưng chưa hẳn hình thành một thị trường thật sự cho dòng phim này tại Việt Nam.

Phim phát hành ngoài rạp là mong muốn của các nhà làm phim nhưng ra rạp được hay không lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hệ thống rạp hiện nay phần lớn do cổ phần và tư nhân, kinh doanh đặt lên hàng đầu. Phim tài liệu kén khán giả. Khi ra rạp khó thu hút người xem. Tuy nhiên, đây không phải là điều quan trọng nhất.

Quan trọng là vẫn là tác phẩm có hay hay không. Gần đây đã có một số tác phẩm của các nhà sản xuất phim độc lập ra rạp thành công như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm, “Lửa Thiện Nhân” của Đặng Hồng Giang, sau này chúng tôi có “Chuyện ngày hôm qua” - phim tài liệu về ban nhạc Bức Tường của đạo diễn Đặng Linh.

Hãng phim Tài liệu Khoa học Và Trung ương cũng đang “rục rịch” chuẩn bị cho ra rạp “Tuổi thác ghềnh” – phim tài liệu nói về vấn đề giáo dục tuổi mới lớn. Phải mất gần một năm, ê kíp mới hoàn thành tác phẩm này nhưng cũng xác định ra rạp sẽ nhiều vất vả.

Như nhiều phim khác do Hãng sản xuất, Nhà nước chỉ đầu tư kinh phí làm phim, không có chi phí phát hành. Nếu có trình chiếu cũng chỉ có thể chiếu tại rạp của Hãng và hệ thống các trường học. Tuy nhiên, theo quy định, chiếu tại rạp của Hãng sẽ không bán vé.

Ban tổ chức chỉ vận động ủng hộ mục đích mang tính từ thiện là chính. Vì vậy, nếu có tiền để phổ biến phát hành đã rất mừng, lãi lời là rất khó.

Ông Tùng cũng cho biết, bình quân, mỗi năm Hãng làm 25 phim theo đơn đặt hàng của nhà nước, mỗi phim khoảng 700 triệu. Đầu ra chủ yếu là các kênh truyền hình. Phim làm xong, các đơn vị truyền hình sẽ gửi công văn sang, Hãng copy và được chi trả một chút gọi là công copy.

Đến nay, với hàng ngàn phim được lưu giữ, trong đó có những phim tài liệu, phóng sự thực hiện từ sau năm 1954, Hãng đang sở hữu một khối lượng tác phẩm – di sản văn hóa lớn.

Tiếc cho khối di sản đồ sộ chưa có điều kiện phát huy, Hãng dã có ý tưởng chọn các phim có khả năng hấp dẫn khán giả để chiếu rạp, trước mắt là rạp của Hãng, khai thác phục vụ hàng tuần, đưa rạp chiếu Hãng thành là điểm sinh hoạt văn hóa, xem phim tài liệu tại Hà Nội.

Tuy nhiên, để triển khai cụ thể thì phải tính toán kỹ vì rạp của Hãng Phim không được bán vé như các rạp khác, chỉ thu tiền theo kiểu ủng hộ, bỏ hòm từ thiện.

Ngọc Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/canh-cua-nao-cho-phim-tai-lieu-547272/