Cánh cửa nào cho các cuốn sách 'lỗi thời'

Tại đất nước có khâu kiểm duyệt gắt gao như Australia, sách của Roald Dahl vẫn đang trong giai đoạn cân nhắc để chỉnh sửa. Trong khi đó, người dân đổ xô đi mua phiên bản cũ.

 Bộ sách của Roald Dahl của nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

Bộ sách của Roald Dahl của nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: Câu lạc bộ Đọc sách cùng con.

Trong nhiều ngày vừa qua, các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn người Anh Roald Dahl (1916-1990) đã gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn. Nhiều độc giả phẫn nộ khi biết thông tin 10/19 tác phẩm của ông tái bản năm 2022 đã phải cắt bỏ những câu từ bị cho là "lỗi thời", phân biệt chủng tộc và gây bất bình đẳng giới. Chẳng hạn, thay vì dùng từ "béo phị" để miêu tả nhân vật Augustus Gloop trong câu chuyện Charlie và nhà máy socola, các biên tập viên đã sửa thành một cậu bé "to lớn".

Tại Australia, một đất nước có nền xuất bản được kiểm soát nghiêm ngặt, các cuốn sách của Roald Dahl vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến để chỉnh sửa. Rosemary Johnston, Giáo sư Giáo dục tại Đại học Công nghệ Sydney cho biết Australia có lịch sử biên tập sách dành cho trẻ em rất gắt gao. Đáng chú ý nhất là cuốn Billabong của Mary Grant Bruce, đã được thay đổi để loại bỏ các mô tả gây tranh cãi về thổ dân, người nhập cư Trung Quốc và Ireland.

“Các cuốn sách phản ánh thái độ phân biệt chủng tộc vào thời điểm ra đời. Ở Anh, Enid Blyton cũng bị kiểm duyệt vì những thái độ khác nhau trong đó. Còn tại Australia, chúng tôi muốn có quyền tự do ngôn luận và duy trì tính toàn vẹn, nhưng chúng tôi không muốn công bố bất cứ điều gì nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của một đứa trẻ", bà Johnston cho biết.

Sarah Bacaller, Giám đốc điều hành công ty sản xuất sách nói Voices of Today - cho biết đơn vị này sẽ xem xét văn bản trong từng trường hợp cụ thể. “Nếu ai đó sẽ nghe thấy những từ bị coi là "lỗi thời" trong câu chuyện, họ có thể cảm thấy khó chịu hoặc bị xúc phạm, chúng tôi không muốn cuốn sách hay trở nên phản tác dụng”, bà Bacaler chia sẻ.

Trái lại, chủ tịch Hiệp hội Thư viện Trường học Australia, Natalie Otten lại cho rằng trẻ em nên được dạy về các từ ngữ trong những hoàn cảnh khác nhau để chúng mở rộng khả năng ngôn ngữ hơn. “Việc xem xét bối cảnh thời điểm mà tài liệu được xuất bản lần đầu tiên có thể giúp người học suy nghĩ về nội dung và mức độ liên quan của nó trong thế giới ngày nay. Thay vì 'cấm' những cuốn sách đã lỗi thời, chúng có thể được sử dụng như những công cụ trò chuyện phong phú với người học để làm nổi bật những quan điểm và suy nghĩ khác nhau theo thời gian", bà Otten cho biết. Vì vậy các tác phẩm của Roald Dahl dù bị cho là "lỗi thời" nhưng vẫn có giá trị trong việc phản ánh nhận thức xã hội trong một giai đoạn lịch sử.

Còn đối với người dân Australia, thông báo thay đổi ngôn ngữ mà Roald Dahl sử dụng đã khiến doanh số bán sách thiếu nhi của ông tăng vọt lên vị trí thứ hai danh sách bán chạy của Amazon. Đây là cách người dân phản đối việc chỉnh sửa các tác phẩm kinh điển. Helen Baxter, chủ hiệu sách Blues Point kể lại rằng sau khi mọi người đổ xô tới hỏi mua, cô đã phải đặt một lượng lớn sách bản chưa được chỉnh sửa tại Anh về.

Cùng việc phát hành các ấn bản cập nhật, nhà xuất bản Penguin xác nhận 17 cuốn sách của Roald Dahl sẽ được xuất bản ở dạng cũ vào cuối năm 2023 với tên gọi Bộ sưu tập kinh điển của Roald Dahl để độc giả có thể tự lựa chọn. Francesca Dow, Giám đốc điều hành của Penguin Random House Children's, cho biết nhà xuất bản đã “lắng nghe cuộc tranh luận trong tuần qua, cuộc tranh luận này đã khẳng định lại sức mạnh phi thường từ những cuốn sách của Roald Dahl. Chúng tôi đã cân nhắc lại về việc làm thế nào để các tác phẩm văn học từ thời đại khác có thể được lưu giữ cho phù hợp với mỗi thế hệ mới".

Đức Huy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-cua-nao-cho-cac-cuon-sach-loi-thoi-post1407222.html