'Cánh chim bằng' của báo chí Việt Nam

Người ta thường nói, nghề báo giúp ta có những cuộc gặp gỡ, những trải nghiệm quý báu trong đời. Mỗi lần gặp ông - nhà báo Phan Quang, tôi đều cho rằng đó là một sự may mắn, hậu đãi của đời, của nghề dành cho mình.

Nhà báo Phan Quang

Ngày mới vào nghề báo, tôi được giao nhiệm vụ thực hiện bài phỏng vấn nhà báo Phan Quang. Đã được biết về ông nhưng giống như một học sinh phổ thông lớp văn nghe đến tên nhà văn Chu Lai, nhà thơ Trần Đăng Khoa vậy, gần gũi, ngưỡng mộ nhưng... cao vời vợi, đâu dám nghĩ sẽ có ngày được gặp, được nói chuyện.

Cơ hội hiếm có được gặp nhân vật “tầm cỡ” vậy mà tôi lại mắc phải sự cố khiến bây giờ nghĩ lại vẫn thấy xấu hổ. Vì đã lớn tuổi, ông nghe không được tốt nên tôi gửi trước nội dung phỏng vấn qua email để khi gặp trao đổi cho thuận lợi, song vì mải tập trung vào nội dung thư mà tôi quên không gửi kèm câu hỏi…

Nhưng xóa tan những lo lắng của tôi, ông vẫn rất nhẹ nhàng và sau đó, tôi vẫn có buổi phỏng vấn nhà báo Phan Quang thật ý nghĩa. Có lẽ ông hiểu tâm trạng của một phóng viên trẻ trước những tình huống như tôi nên thông cảm hoặc tính ông quảng đại, không để ý! Điều đó khiến cho tôi-một phóng viên mới vào nghề thấy mình thật may mắn, nhưng đó cũng là bài học khiến tôi ghi nhớ mãi.

Những lần gặp sau đó, lần nào cũng vậy, tôi luôn nhận được sự ân cần, nhiệt tình từ ông. Sau chào hỏi, ông thường bắt đầu bằng câu: “Bây giờ bác cháu ta bắt đầu công việc nhé!”, thỉnh thoảng, ông góp ý: “Theo bác... cháu thấy có được không?” và thường thì cuối buổi, ông hay chủ động: “Để bác biếu cháu cuốn sách này đọc tham khảo nhé!”...

Cách ông nói chuyện, đối xử khiến tôi thấy đôi khi giống như một người đồng nghiệp đi trước chia sẻ kinh nghiệm cho người đi sau; lúc lại giống như người bạn, cười thật sảng khoái khi kể lại kỷ niệm tuổi thiếu thời; có lúc tôi lại thấy ở ông hình bóng ông nội mình...

Có lẽ cản trở lớn nhất trong những cuộc trò chuyện đó là ông nghe không tốt nhưng ông cũng không ngại chờ đợi tôi viết những ý kiến, câu hỏi của mình ra giấy rồi vui vẻ trả lời. Đặc biệt, mỗi lần làm việc, ông đều chuẩn bị trước những tài liệu cần thiết kẹp riêng vào một tập, bên ngoài dán giấy ghi chú rõ ràng. Tôi để ý thấy trên bàn ông có nhiều tập tài liệu như vậy.

Tất nhiên ở ông không phải chỉ có sự gần gũi, nhẹ nhàng khiến người gặp cảm mến. Người ta biết đến Phan Quang là nhà báo, nhà hoạt động xã hội xuất sắc, từng giữ các trọng trách như: Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Với tôi, nhắc đến tên nhà báo Phan Quang còn là nói đến một tấm gương về sự lao động nghiêm túc, miệt mài đáng khâm phục suốt cuộc đời. Nghỉ hưu ở tuổi 75 nhưng có thể nói đó là giai đoạn ông tập trung viết được nhiều nhất. Xem lại những sách ông đã in, bao gồm cả sách dịch có hơn 60 cuốn, chưa kể những cuốn in chung với các tác giả khác thì hơn nửa được xuất bản sau khi ông nghỉ hưu.

Năm 2020, khi chuẩn bị bước sang tuổi 93, ông in cuốn “Tím ngát tuổi 20” là tuyển truyện ngắn, truyện vừa sáng tác thuở thanh xuân của mình và tập bút ký, tiểu luận “Dưới ánh hoàng hôn”. Trước đó, cuối năm 2019, nhà báo Phan Quang in cuốn hồi ký “Trên nẻo đường này xưa ta đã đi” ghi lại một đoạn đường tác nghiệp từ khi tham gia công tác sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, tháng 5-1975.

Nhà báo Phan Quang tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp năm 1945, cậu học trò Phan Quang Diêu (tên thật của Phan Quang) tham gia hoạt động Đoàn Thanh niên cứu quốc. Tuổi trẻ đầy hào hứng, Phan Quang Diêu cũng tham gia tập quân sự rồi còn cùng mấy anh em thuê thợ rèn làm con dao găm giắt bên hông cho ra dáng. Trong buổi biểu tình giành chính quyền của huyện nhà Hải Lăng (Quảng Trị), Phan Quang Diêu được chọn là một trong 4 thanh niên đứng bảo vệ cho người diễn giả.

Sau giành chính quyền, Phan Quang Diêu được phân công công tác ở nhiều vị trí khác nhau. Năm 1948, ông được chọn trong số những thanh niên có trình độ văn hóa, lý lịch tin cậy và đã trải qua ít nhiều thử thách ở chiến trường và vùng địch hậu để đưa ra Việt Bắc học tiếp, chuẩn bị đi nước ngoài học tập. Nhưng ra đến vùng tự do, thấy ông có ít nhiều khả năng viết, Thường vụ Liên khu ủy IV quyết định đưa ông về Báo Cứu quốc.

Sau này, nhà thơ Chế Lan Viên-khi ấy là biên tập viên của báo - nhớ lại: “Ấy thế mà tôi chưa bao giờ thấy Diêu sử dụng cái thế mạnh trên, kể cả cái thế rất mạnh là nằm trong mấy chục thanh niên mà anh Nguyễn Chí Thanh bứt từ cơ sở ra để đào tạo lâu dài. Diêu đến để xin học việc và luôn giữ tư thế như một người học việc. Học gì? Ngay đêm đầu tiên anh đã viết bài”. Phan Quang đã đến với nghề báo như vậy, dẫu ông yêu văn chương từ trước.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét: “Phan Quang là một cây bút vạm vỡ và đa tài. Cũng chính vì sự đa tài ấy mà ông lại tự che khuất ông. Bởi thế, không ít bạn đọc chỉ biết một Phan Quang nhà báo, Phan Quang dịch giả mà quên mất Phan Quang còn là một nhà văn. Ông viết văn còn sớm hơn cả viết báo và dịch sách”.

Tác phẩm đầu tay Phan Quang viết nghiêm túc là đoạn ghi chép có nhan đề “Tiếng mõ buồn” khi vừa học xong bậc tiểu học 6 năm tại trường Pháp-Việt. Chính Phan Quang cũng từng nói vì nghiệp báo nên ông đành gác lại mọi chuyện văn chương, đành rẻ rúng với mối tình đầu dù vẫn nhớ thương, tiếc nuối. “Cuộc đời viết lách giống như một cuộc hôn nhân “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, dù con đang yêu người khác.

Yêu văn học nhưng lại làm báo chí. Cuối cùng trong cuộc hôn nhân lý trí này, dần dà tôi cũng tìm thấy tình yêu chân thực và tôi đã sống hết mình, chung thủy với người vợ, dốc hết tâm sức xây dựng tổ ấm chung, dù ma lực văn chương tương tự mối tình đầu, thi thoảng lại hiện lên gieo cho mình chút vấn vương”.

Dù sau này trải qua nhiều vị trí công tác, ở vị trí nào ông cũng cố gắng hết sức làm tốt nhiệm vụ của mình nhưng Phan Quang vẫn nói ông thích nhất là giai đoạn làm phóng viên. Khi đã nghỉ hưu, có lần phóng viên hỏi: Nên gọi ông là nhà gì? Nhà báo, nhà văn hay nhà ngoại giao? Ông trả lời: Cứ gọi tôi là nhà báo là được. Lại có người hỏi: Nếu có phép màu quay ngược thời gian, ông sẽ khởi đầu sự nghiệp bằng nghề nào, văn chương hay báo chí?

Phan Quang nói: Nếu trả lời sẽ bắt đầu bằng văn học thì như vậy có vẻ phụ bạc, bất công với cái nghề mình đã theo đuổi trọn đời. Tương tự như mối tình đầu của mỗi người, nó vấn vương, đeo đẳng ta dài lâu một cách vô cớ. Nhưng cứ đắm chìm vào hoài niệm và những cảm xúc đã qua của mối tình đầu mà quên đi hiện tại thì quả là không phải với người vợ tao khang bao nhiêu năm chung sống bên nhau.

Và sự thực hơn 70 năm qua, Phan Quang đã sống hết mình, thủy chung với người vợ-nghề báo không chỉ bằng những bài viết mà ngay cả khi không làm phóng viên, ông vẫn có nhiều đóng góp cho báo chí nước nhà.

Năm 1954, Phan Quang Diêu chuyển công tác về Báo Nhân Dân, bắt đầu dùng bút danh Phan Quang và có 28 năm gắn bó ở đây. Nhà báo Hoàng Tùng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân có lần nhớ lại: Trong thời gian làm việc ở Báo Nhân Dân, Phan Quang là một trong những đồng chí đi nhiều nhất. Đi bằng xe đạp dưới sự gầm rú của máy bay và tiếng nổ của bom đạn Mỹ”.

Một lần Bác Hồ đến thăm Báo Nhân Dân dịp Tết Bính Thân 1956 mà không báo trước, đúng ngày Phan Quang trực, hay tin, ông liền vội ra đón Bác. Bác hỏi: “Chú làm việc gì ở đây?”. “Thưa Bác, cháu làm phóng viên ạ!”. Bác nói: “Chú là phóng viên, là nhà báo. Năm mới, Bác chúc chú viết cho đúng, cho hay, có nhiều người đọc. Có đúng và hay người ta mới đọc. Có nhiều người đọc, báo chí mới vận động được quần chúng…”.

Mỗi lần cầm bút, Phan Quang lại trăn trở làm sao viết cho đúng, cho hay. Lời dạy của Bác đã định hướng cho cả cuộc đời nghề nghiệp của Phan Quang. Ông quan niệm, muốn làm tốt thì phải vừa làm, vừa học và học thường xuyên, học qua thực tế, giáo trình, chuyên gia. Khi phụ trách Ban Nông nghiệp, Ban Kinh tế, ông còn đăng ký học ở Trường Đại học Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam), Trường Đại học Kinh tế quốc dân để lấy kiến thức phục vụ công việc.

Năm 1981, nhân kỷ niệm 30 năm Báo Nhân Dân ra số đầu tiên, Phan Quang được phân công lo việc xây dựng phòng truyền thống. Công việc này làm nảy sinh một vấn đề được bàn luận nhiều tại Báo Nhân Dân và Hội Nhà báo Việt Nam là nên chăng, Việt Nam có một ngày truyền thống báo chí?

Sau nhiều cuộc trao đổi, thảo luận, đồng chí Hoàng Tùng khi đó đang là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương đã chủ trì cuộc họp có mặt nhiều đồng chí lãnh đạo, cả Phan Quang khi ấy đang kiêm Phó tổng thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. Từ kết luận hội nghị ấy cùng gợi ý của đồng chí Trường Chinh, Hội Nhà báo Việt Nam đã trình cấp trên xin chọn ngày 21-6 là Ngày truyền thống.

Phan Quang từng nói, tâm nguyện của ông là được làm người cầm bút viết báo, làm văn đến khi xuôi tay nằm xuống. Nhưng do yêu cầu công tác, năm 1982, ông phải tạm biệt Báo Nhân Dân sang làm Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương. Ông nhận thấy báo chí nước ta bên cạnh những thành tựu còn một số nhược điểm cần bổ sung, điều chỉnh như: Chất lượng chưa cao và đồng đều; nhiều người trong ngành là tay ngang, thiếu kiến thức nghiệp vụ báo chí; báo chí có khi đăng không đúng gây hệ quả xấu…

Và theo đề nghị, Vụ Báo chí đã được Ban Tuyên huấn Trung ương cho phép soạn dự thảo chỉ thị của Ban Bí thư về đổi mới công tác quản lý báo chí. Dự thảo được Ban Bí thư Trung ương Đảng thảo luận và thông qua. Sau này, Phan Quang với tư cách đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin chủ trì ban soạn thảo dự luật báo chí đầu tiên của nước ta sau đổi mới.

Năm 1988, khi đang làm Thứ trưởng Bộ Thông tin kiêm Phó tổng thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Phan Quang được phân công làm Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông xin thôi Thứ trưởng Bộ Thông tin để tập trung làm tốt công việc ở đài. Giai đoạn này đất nước bước vào thời kỳ đổi mới còn nhiều khó khăn, cuộc sống của cán bộ, nhân viên đài vất vả. Phan Quang thấy đây là một trong những điều cần đổi mới vì chỉ có đổi mới, có làm được việc vì cái mới hay không rốt cuộc vẫn xuất phát từ con người.

Rồi với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và tiếp thu, học tập kinh nghiệm, ông cùng tập thể lãnh đạo tạo bước ngoặt cho đài, trước hết là khơi dậy tinh thần tự chủ, thi đua phát huy sáng kiến của từng thành viên; luôn lắng nghe ý kiến bạn nghe đài; xây dựng tiềm lực kinh tế và đẩy mạnh hội nhập quốc tế… Và đây là thời kỳ lần đầu tiên Đài Tiếng nói Việt Nam phủ sóng toàn quốc, tách các hệ kênh, mở rộng các chương trình tiếng Việt, tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài…

Từ năm 1993, sau khi nghiên cứu gần 100 bản quy ước về đạo đức báo chí trên thế giới và tiếp thu các ý kiến, Phan Quang trình Dự thảo “Quy ước đạo đức nghề nghiệp báo chí Việt Nam” gồm 10 điều và được Đại hội VI Hội Nhà báo Việt Nam nhất trí thông qua vào tháng 3-1995.

Còn nhiều việc nữa nhà báo Phan Quang đã góp sức mà như ông nói, chung quy mọi việc cũng thể hiện ý thức trách nhiệm và tấm lòng của một người làm báo với sự nghiệp báo chí nước nhà và các đồng nghiệp thân yêu. Và hơn 70 năm qua, “Phan Quang là “cánh chim bằng” của báo chí Việt Nam bay vượt qua hai thế kỷ với tâm hồn lộng gió thời đại”-như Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Đại đã nhận xét.

Theo QĐND

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/quot-canh-chim-bangquot-cua-bao-chi-viet-nam-n19972.html