Cảnh cáo Hạt trưởng Kiểm lâm huyện để rừng pơ-mu bị tàn phá

Tại phiên họp định kỳ lần thứ 9 diễn ra trong hai ngày 8 và 9-4-2021, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét, kết luận và quyết định thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ, đảng viên vi phạm. Trong đó, đáng chú ý là có Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lắk, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Bông, địa phương có rừng pơ-mu quý hiếm hàng trăm năm tuổi bị tàn phá mà Nhân Dân điện tử liên tục phản ánh trong thời gian qua bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Hiện trường vụ khai thác lâm sản trái phép tại tiểu khu 1174, thuộc rừng nguyên sinh do UBND xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông quản lý được Công an huyện phát hiện vào ngày 12-6-2020.

Hiện trường vụ khai thác lâm sản trái phép tại tiểu khu 1174, thuộc rừng nguyên sinh do UBND xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông quản lý được Công an huyện phát hiện vào ngày 12-6-2020.

Tại phiên họp định kỳ lần thứ 9 diễn ra trong hai ngày 8 và 9-4-2021, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xem xét, kết luận và quyết định thi hành kỷ luật hàng loạt cán bộ, đảng viên vi phạm. Trong đó, đáng chú ý là có Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lắk, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Bông, địa phương có rừng pơ-mu quý hiếm hàng trăm năm tuổi bị tàn phá mà Nhân Dân điện tử liên tục phản ánh trong thời gian qua bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, đồng chí Y Te Bkrông, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Lắk, thời điểm năm 2019-2020 với cương vị là Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông, nhưng đồng chí Y Te Bkrông chưa trực tiếp, thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn đối với cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chưa có kế hoạch, biện pháp, giải pháp cương quyết, hiệu quả… để tổ chức đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng khai phá, lấn chiếm rừng trái pháp luật xảy ra thường xuyên, liên tục trên địa bàn huyện trong năm 2019 và 2020; chậm trễ trong tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể Hạt Kiểm lâm và các cá nhân có liên quan tại đơn vị theo chỉ đạo của cấp trên.

Những khuyết điểm, sai phạm nêu trên của đồng chí Y Te Bkrông là một trong những nguyên nhân quan trọng làm diện tích rừng trên địa bàn huyện Krông Bông bị phá hoại, làm suy giảm diện tích che phủ, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và Chi bộ, Cơ quan Hạt kiểm lâm Krông Bông. Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất thi hành kỷ luật đồng chí Y Te Bkrông bằng hình thức cảnh cáo.

Nhiều cây gỗ pơ-mu hàng trăm năm tuổi quý hiếm có đường kính lớn tại Tiểu khu 1219, thuộc lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Krông Bông quản lý, bị lâm tặc ngang nhiên vào đánh dấu xí phần để khai thác.

Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Krông Bông là một trong những “điểm nóng” về phá rừng, khái thác lâm sản trái pháp luật ở Đắk Lắk; trong đó có những vụ khai thác gỗ pơ-mu thuộc nhóm IIA quý hiếm, nhưng chủ rừng và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) của huyện Krông Bông không phát hiện được, đến khi các lực lượng chức năng phát hiện thì rừng đã bị tàn phá, khai thác nặng nề, hàng chục mét khối gỗ quý hiếm đã được tuồn ra khỏi rừng, lâm tặc cũng đã tẩu thoát.

Không chỉ không phát hiện được các vụ phá rừng, không bắt được lâm tặc mà lực lượng QLBVR và các chủ rừng ở huyện Krông Bông cũng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật, để tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật trên địa bàn địa bàn trở thành “điểm nóng”, khiến dư luận bức xúc và đặt câu hỏi liệu có sự tiếp tay hay bảo kê cho tình trạng phá rừng ở đây hay không?

Cụ thể, từ ngày 9 đến 12-4-2020, lực lượng chức năng đã phát hiện tại lô 4, khoảnh 4, Tiểu khu 1219, thuộc lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông (Công ty Lâm nghiệp Krông Bông), huyện Krông Bông quản lý có một số đối tượng đang khai thác gỗ trái pháp luật, khi bị phát hiện các đối tượng đã bỏ trốn vào rừng nên không bắt giữ được đối tượng nào.

Lực lượng chức năng đã tiến hành mở rộng kiểm tra hiện trường tại các lô 8, 9, 11, 13, khoảnh 4, Tiểu khu 1219, phát hiện có 19 cây gỗ pơ-mu bị cưa hạ, trong đó có một cây đã bị lấy đi phần thân, ba cây đã cắt thành đoạn ngắn, 15 cây còn nguyên tại hiện trường. Qua đo đếm sơ bộ ban đầu, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là 37,219 m3 thuộc loại rừng phòng hộ. Ngay sau khi phát hiện vụ khai thác rừng pơ-mu trái pháp luật này, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông mới vào cuộc trưng cầu giám định về khối lượng, chủng loại gỗ, vị trí khai thác, loại rừng… để hoàn tất hồ sơ xử lý hoặc chuyển các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Lâm tặc ngang nhiên vào rừng khai thác trái pháp luật gỗ pơ-mu, rồi dùng trâu kéo gỗ ra khỏi rừng.

Trước đó, vào ngày 20 và 21-9-2018, lực lượng kiểm lâm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk phối hợp Chi cục Kiểm lâm vùng IV tiến hành kiểm tra tại Tiểu khu 1219, xã Yang Mao, huyện Krông Bông thuộc lâm phần quản lý của Công ty Lâm nghiệp Krông Bông. Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện 48 cây gỗ pơ-mu bị đốn hạ, khai thác trái phép, trong đó 21 cây đã bị lấy đi phần thân khỏi hiện trường, chỉ còn lại gốc và ngọn; 27 cây còn lại bị cắt hạ, trong đó tám cây còn nguyên, 19 cây bị lấy đi một phần thân.

Qua kiểm đếm của lực lượng chức năng, số gỗ còn tại hiện trường khoảng 20 m3. Các vết cắt bằng cưa xăng, mùn cưa tại hiện trường còn rất mới, nhiều gốc cây mới được đốn hạ, mủ còn chảy ra tại các vết cắt, cành lá còn xanh tươi. Vị trí các cây gỗ bị khai thác được xác định bằng máy GPS 78s nằm ở lô 5, lô 23, khoảnh 2; lô 8, lô 21 khoảnh 3 Tiểu khu 1219, thuộc lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Krông Bông quản lý. Dọc từ khoảnh 2 đến khoảnh 3, lâm tặc đã chặt hạ nhiều cây rừng mở một con đường mòn và nhiều đường xương cá, vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng bằng gùi, trâu kéo… Thế nhưng, chủ rừng cũng như các ngành chức năng ở địa phương không hề hay biết, khi vụ việc được phát hiện thì đã có 48 cây đã bị “xẻ thịt”.

Sau đó, vụ việc khai thác rừng Pơ-mu nghiêm trọng này đã được chuyển sang Công an tỉnh Đắk Lắk để khởi tố, điều tra, truy bắt các đối tượng khai thác gỗ Pơ-mu trái pháp luật. Trong khi điều tra, chưa tìm ra thủ phạm thì vào tháng 2-2019, lâm tặc tiếp tục đột nhập vào khu vực Tiểu khu 1219 khai thác trái phép 24 cây; vào tháng 12-2019, tiếp tục khai thác trái phép chín cây tại lô 21 khoảnh 3 và lô 13 khoảnh 4 Tiểu khu 1219; tháng 2-2020, khai thác 14 cây và tháng 4-2020 khai thác tiếp 19 cây.

Với hàng loạt vụ khai thác gỗ pơ-mu trái pháp luật diễn ra trong một thời gian ngắn và cùng tại một khu vực nhưng lực lượng QLBVR và chủ rừng không phát hiện, bắt giữ được đối tượng nào khiến dư luận không khỏi nghi ngờ công tác QLBVR ở đây đang có vấn đề?

Điều khó hiểu nữa là sau khi xảy ra vụ khai thác trái pháp luật 48 cây gỗ pơ-mu tại Tiểu khu 1219 vào tháng 9-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNN) và UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo, xử lý, như Sở NN và PTNT đã ban hành các công văn: Công văn số 2815/SNN-CCKL ngày 18-10-2018 xử lý việc khai thác gỗ trái pháp luật tại Tiểu khu 1219; Công văn số 377/SNN-CCKL ngày 18-2-2019 về việc tăng cường công tác QLBVR tại các xã Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao, huyện Krông Bông; Công văn số 722/SNN-CCKL ngày 18-3-2019 và Công văn số 870/SNN-CCKL ngày 1-4-2019 về việc khai thác gỗ, phá rừng trái pháp luật tại Công ty lâm nghiệp Krông Bông; Công văn số 3762/SNN-CCKL ngày 31-12-2019 về việc xử lý vụ khai thác gỗ tại Tiểu khu 1219; Công văn số 565/SNN-CCKL ngày 5-3-2020 và Công văn số 1042/SNN-CCKL ngày 20-4-2020 về việc xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra các vụ khai thác, phá rừng trái pháp luật…

Còn UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng liên quan có phương án phối hợp đồng bộ với Công ty Lâm nghiệp Krông Bông ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật xảy ra trên lâm phần của Công ty lâm nghiệp Krông Bông quản lý như: Công văn số 8808/UBND-NN&MT ngày 11-10-2018; Công văn số 2225/UBND-NN và MT ngày 21-3-2019 về việc xử lý phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật; Công văn số 1340/UBND-NN&MT ngày 20-2-2020 về việc giải quyết kiến nghị của Sở NN và PTNT…

Thế nhưng thực tế, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ pơ-mu trái pháp luật tại Tiểu khu 1219 nói riêng và trên lâm phần do Công ty Lâm nghiệp Krông Bông quản lý không những không được ngăn chặn mà ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng.

Những cây gỗ pơ-mu hàng trăm năm tuổi quý hiếm còn lại tại Tiểu khu 1219 thuộc lâm phần do Công ty lâm nghiệp Krông Bông quản lý.

Cũng trong năm 2020, lực lượng Công an còn phát hiện bắt giữ một vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép quy mô lớn khác cũng xảy ra trên địa bàn huyện Krông Bông. Cụ thể, vào khoảng 23 giờ ngày 12-6-2020, sau hơn hai tháng kiên trì mật phục, một tổ công tác của Công an huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã bắt quả tang ba đối tượng gồm: Trần Minh Phúc, 32 tuổi; Y Tứ Niê, 19 tuổi và Y Phan Niê, 18 tuổi, cùng trú tại huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đang có hành vi khai thác lâm sản trái phép tại Tiểu khu 1174, thuộc rừng nguyên sinh do UBND xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk quản lý.

Tại hiện trường, tổ công tác phát hiện có bảy điểm tập kết gỗ với hơn 140 hộp gỗ được xẻ vuông vắn, chiều dài hơn 3m, đường kính từ 30-40cm. Số gỗ bị khai thác chủ yếu là gỗ dỗi, bạch tùng và gỗ xoan thuộc nhóm IV đến nhóm VII, với tổng khối lượng hơn 75 m3. Bên cạnh đó, tổ công tác còn phát hiện hai lán trại, hai xe máy cày và nhiều dụng cụ mà các đối tượng dùng để khai thác gỗ trái phép.

Mở rộng điều tra, Cơ quan điều tra Công huyện Krông Bông xác định, Lê Ngọc Phúc 47 tuổi, trú tại xã Hòa Phong, huyện Krông Bông là đối tượng tổ chức, cầm đầu cùng bảy đối tượng khác đều trú ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk vào rừng khai thác gỗ về bán.

Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk công bố kết luận kiểm tra và Quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với đồng chí Y Te Bkrông, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Lắk, nguyên Huyện ủy viên, Bí thư Chi bộ, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Krông Bông, dư luận ở Đắk Lắk hết sức đồng tình với mức kỷ luật này. Qua đó nhằm giáo dục, răn đe chung và nâng cao trách nhiệm của các lực lượng QLBVR. Tuy nhiên, dư luận ở Đắk Lắk cũng không khỏi băn khoăn, thắc mắc vì sao Công ty Lâm nghiệp Krông Bông là chủ rừng, để rừng pơ-mu quý hiếm hàng trăm năm tuổi bị tàn phá với quy mô lớn và xảy ra liên tục trong thời gian dài như vậy, nhưng lãnh đạo công ty này vẫn chưa bị xử lý? Câu trả lời xin dành cho lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan chức năng của tỉnh.

NGUYỄN CÔNG LÝ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thoi-su-phap-luat/canh-cao-hat-truong-kiem-lam-huyen-de-rung-po-mu-bi-tan-pha-643126/