Cánh bướm nâu

Vào những ngày Tết, mọi gia đình có truyền thống tề tựu tưởng nhớ đến tổ tiên và những người thân đã khuất. Nhưng cũng không ít gia đình vẫn trăn trở khi không biết người thân của mình còn nằm lại đâu đó nơi đất lạ quê người. Thầm nghĩ Bắc Trung Nam đâu cũng là nhà, nhưng vẫn thấy ngậm ngùi vì đã mấy chục năm đất nước hòa bình thống nhất mà vẫn còn bao kiếp người tha hương.

1. Vậy là đất nước đã hòa bình thống nhất được hơn bốn mươi năm. Hơn nửa đời người đã trôi qua. Trong quãng đất trời thăm thẳm ấy, trước khi chuyển về làm việc cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn, hai mươi năm tôi đã mặc áo lính. Tôi nhập ngũ ở Quân khu 7, đi học sĩ quan ngoài Bắc, về phục vụ ở Quân khu 9 và Mặt trận 979.

Hai mươi năm đời lính, có nhiều năm tháng ở mặt trận Tây Nam trên chiến trường Campuchia và cả ở biên giới phía Bắc, hướng Hà Giang và Lạng Sơn. Trong những tháng ngày chiến chinh gian nan ở hai đầu đất nước, có biết bao chàng trai trẻ như tôi, đã ra đi không trở về. Tôi may mắn còn nguyên lành, chuyển về làm việc ở TBKTSG từ năm 1996. Thế nhưng sau những trận sốt rét ác tính kinh hoàng trong những mùa khô biên giới Campuchia - Thái Lan, tôi lại hay trầm tư suy nghĩ mông lung về sự tồn tại của một kiếp người.

Trong cái cõi tâm linh mơ hồ đó, dù đã giã từ vũ khí, nhưng tới năm 1998, tôi lại xung phong làm một việc mà cho tới bây giờ, câu chuyện ngày ấy vẫn cứ đong đưa lặng lẽ ở trong lòng mỗi khi tôi ngẫm nghĩ về thời gian, sự sống và cái chết.

Chuyện về người cha vợ của tôi, dân Cần Thơ tập kết ra Bắc năm 1954, là trung úy ở sư đoàn 338, sau chuyển ngành về Khu Gang thép Thái Nguyên rồi bị bệnh chết năm 1969, lúc 50 tuổi, mai táng trên núi Chùa thuộc tỉnh Bắc Thái lúc bấy giờ, nhưng mãi 29 năm sau hài cốt mới được đưa về Nam.

2. Câu chuyện bắt đầu từ một giấc mơ.

Đêm hôm ấy, khoảng hai giờ sáng, lần đầu tiên trong đời, chị Dần nằm chiêm bao thấy một ngôi mộ hoang. Mộ um tùm cỏ dại, nằm ven một ngọn đồi, dưới chân đồi là ruộng lúa. Có một con bướm nâu to bằng lòng bàn tay bay theo chị rồi đậu trên mộ. Chị Dần tỉnh dậy, thấy sợ, kể lại giấc mơ với người chị vừa từ Cần Thơ ra. Chị Liên làm ở tòa án tỉnh Cần Thơ, về quê Thái Nguyên nghỉ hè, nghe giấc mơ của cô em dâu, mới bảo, chuyến này về chị cũng muốn đi tìm mộ giúp cho gia đình một người bạn ở Cần Thơ, rồi đưa tấm sơ đồ mộ chí bạn gửi theo cho chị Dần xem. Lật tấm sơ đồ cũ nát gửi từ Bắc Thái về Cần Thơ sau năm 1969, chị Dần lơ mơ đoán ra địa danh núi Chùa, một ngọn núi thấp ở thôn Hương Chùa, xã Hà Châu, huyện Phú Bình, cách thị trấn Ba Hàng, huyện Phổ Yên chỗ nhà chị hơn mười cây số. Nhớ lại giấc mơ có con bướm nâu lạ lùng, chị Dần bảo để mình đi tìm mộ thay cho chị Liên.

Sáng ra chị Dần đạp xe vào Phú Bình, dọc đường mua ít nhang đèn. Vào tới núi Chùa, hỏi những người dân làng, biết trên núi có một khu mộ cũ có mai táng bộ đội miền Nam tập kết vốn là cán bộ Khu Gang thép Thái Nguyên. Lang thang tới trưa, chị Dần gặp ông Kiếm, một nông dân nhà ở gần khu mộ. Bác Kiếm đưa chị ra triền núi, bảo nơi đây còn nhiều mộ của “các cụ bộ đội tập kết ngày xưa”. Tiếc là không nấm mộ nào còn bia, cái nhỏ cái to ngập tràn cỏ dại. Chị Dần lo âu, lâm râm khấn: “Lạy cụ Thạnh, linh thiêng xin cụ báo cho con gặp được mộ phần”. Chợt có một con bướm nâu chấp chới bên mình, con bướm to bằng lòng bàn tay, chị Dần lại khấn: “Linh thiêng, xin đậu lại”. Không ngờ con bướm nâu bay tiếp một đoạn rồi đáp xuống ngôi mộ cuối cùng. Chị Dần giật mình khi nhìn thấy một phần mộ quạnh hiu đầy cỏ dại nằm kề bên bờ ruộng, cảnh tình giống y như trong giấc chiêm bao đêm hôm qua. Thế rồi chị Dần thắp nhang cúng vái bên nấm mộ và hẹn với bác Kiếm sẽ quay lại.

3. Nhà tôi ở khu gia binh Trần Khánh Dư cũ, thuộc phường Xuân Khánh, cách nhà mẹ vợ tôi chừng 5 cây số trong ấp Lợi Nguyên, xã An Bình, Cần Thơ. Sáng sớm ngày 24-8-1998, khi đang chờ xe về Sài Gòn để bay ra Hà Nội, đi Thái Nguyên thì mẹ vợ tôi điện thoại ra. Mẹ vừa nói vừa khóc, rằng đêm qua mẹ nằm mơ gặp cha tôi, tướng mạo y như trong tấm hình tôi phóng to mang theo, mặc đồ đại cán, quân hàm trung úy. Ông nhắc mẹ nhớ dặn tôi là “khi tìm gặp mộ, đào lên rồi phải rửa xương cho thiệt kỹ trước khi tẩm liệm đưa về”.

Tôi khoác ba lô lên đường mà bụng dạ cồn cào hình ảnh giấc chiêm bao của mẹ. Hồi tiễn chồng đi tập kết, mẹ mới 25 tuổi, là một hoa khôi y tá của trường Thiếu sinh quân Quân khu đóng ở Cà Mau. Ngày đó, mẹ đang mang thai Lệ Thanh, con gái út, còn người anh trai thì chưa đầy hai tuổi. Vậy là hai cha con Lệ Thanh - vợ tôi bây giờ - từ hồi đó, đã không biết mặt nhau.

Hôm sau tôi lên Thái Nguyên, tìm gặp anh Huấn, chị Dần. Chưa từng biết nhau mà khi gặp nhau, cứ như là chuyện của anh em ruột thịt trong nhà. Ba người con của anh chị đang học ở Hà Nội. Trưa hôm đó anh Huấn chở tôi lên nhà bác Kiếm, rồi tìm gặp cả bà Vụ, chủ đất khu mộ bên triền núi Chùa. Bác Vụ đã gần bảy mươi, kể rằng mười năm trước khi vỡ hoang khu đồi núi này để trồng sắn, nhà bác đã gặp dãy mộ, nhưng bia thì cái còn cái mất. Riêng phần mộ cuối chân đồi, tấm bia đã đổ bể, bác chỉ còn nhớ là bia có ghi quê người mất ở Cần Thơ. Sợ dân chăn trâu lấy cắp, bác đưa tấm bia bể lên gửi trong nhà chùa trên đồi nhưng bây giờ chẳng hiểu sao nó cũng không còn nữa.

Nhìn những nấm mộ buồn hiu liêu xiêu bên triền đồi trong buổi chiều trung du hoang vắng, tôi chợt nghe lạnh cả người. Thầm nghĩ Bắc Trung Nam đâu cũng là nhà, nhưng vẫn thấy ngậm ngùi vì đã mấy chục năm đất nước hòa bình thống nhất mà vẫn còn bao kiếp người tha hương, chưa sum họp gia đình, lạnh lẽo nắm xương tàn xa xứ. Lại nghe lòng thoáng nỗi hoài nghi. Trong mười một nấm mộ này, Trung úy Trần Hữu Thạnh yên nghỉ chính xác ở chỗ nào, dù trong sơ đồ ghi rõ “mả ông Thạnh” nằm ở cuối cùng phía Nam triền núi.

Anh Huấn, bác Kiếm, bác Vụ và cả ông Sở, Chủ tịch xã Hà Châu, đều khuyên tôi nên mời thêm thầy cúng xin âm dương chứng giám để cho lòng được thanh thản. Vậy là chúng tôi tìm tới nhà ông thầy Thiều bên thôn Châu Tuấn.

Chuyện tôi không thể nào quên là trưa hôm sau, vừa khi ông thầy Thiều khấn vái gieo trúng hai đồng tiền sấp ngửa thì có một con bướm màu nâu to bằng lòng bàn tay của tôi, chấp chới quanh ngọn khói nhang. Chợt nhớ tới giấc mơ của chị Dần, tôi nhắm mắt khấn thầm: “Có phải linh hồn Trung úy Thạnh, xin đậu lại”. Lạ thay, khi tôi vừa mở mắt ra, con bướm nâu cũng vừa đáp xuống bờ cỏ trên nấm mồ trước mặt.

4. Tôi ngả người trên ghế máy bay, chuyến bay sáng ngày 30-8-1998 Hà Nội - TPHCM, muốn ngủ một giấc nhưng không tài nào ngủ được. Các bạn ở Văn phòng Đại diện TBKTSG tại Hà Nội đã lo giúp mọi thủ tục để hài cốt cha tôi được cùng về theo khoang hành khách. 29 năm, hài cốt đã hóa thành cát bụi, chỉ còn một ít đủ vóc hình hài, đã được chị Dần tẩm liệm cẩn thận trong tấm vải đỏ, đựng trong một cái hộp đặt giữa túi xách và dặn tôi không được rời tay cho tới giờ cải táng là sáu giờ chiều hôm đó, tại quê nhà.

Tôi thầm thì động viên Trung úy Trần Hữu Thạnh: “Xưa ba xuống tàu đi tập kết khi Bắc - Nam còn chia cắt, giờ ba về bằng đường hàng không khi nước nhà đã sum vầy, thế cũng là vui. Cái hậu sự này chứa chan biết bao nhiêu tình nghĩa, của ngày hôm qua và mới mấy bữa nay; của chị Liên, chị Dần, anh Huấn, anh Sở, của gia đình bác Kiếm, bác Vụ và nhiều bác nông dân thôn Hương Chùa đã giúp tìm kiếm và bốc mộ ba”. Tôi lại nhớ lời dặn của ông thầy Thiều: “Cố gắng về cho kịp sáu giờ tối ngày 30-8, là giờ tốt. Nhớ đi thẳng ra nơi cải táng, đừng ghé đâu cả. Nhớ đưa hài cốt đặt trong quách sành”. Tôi đã điện thoại về nhà dặn lại tất cả mọi chuyện.

Tối hôm đó, dường như có đầy đủ bà con nội ngoại gia đình bên vợ tôi tham gia lễ cải táng tại nhà bà Hai Tần, mẹ vợ tôi. Vừa mừng vừa tủi, như là cảnh gia đình đã đón ông ngoại và mấy cậu, dì trở về sau ngày miền Nam giải phóng. Gia đình xây sẵn ngôi mộ phía sau nhà, trên cái nền cao của ngôi nhà lớn bị bom đánh tan tành hồi Tết Mậu Thân 1968. Hài cốt Trung úy Trần Hữu Thạnh được cải táng nơi đây, không xa mồ mả tổ tiên trong khu vườn xanh um của gia tộc có gốc ở miền Trung vào đây lập nghiệp từ hơn một trăm năm trước.

Chuyện sau cùng tôi muốn kể ra đây là hình bóng của con bướm nâu lạ lùng lần đầu tiên trong đời tôi gặp ở núi Chùa. Bữa đó, dù đã gần tám giờ tối, trong khi mọi người đang tề tựu trong nhà, chợt có con bướm nâu, hình hài y như tôi đã gặp, chập chờn bay vào nhà, bay trên đầu mọi người rồi bay lại bàn thờ đầy nhang khói, đậu lại chỗ khung ảnh thờ tổ tiên rồi lại đậu trên tấm hình Trung úy Trần Hữu Thạnh.

Huỳnh Kim

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/284390/canh-buom-nau-.html