Cảnh báo về tình trạng người Trung Quốc phạm pháp ở TP Đà Nẵng

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng TP Ðà Nẵng liên tục phát hiện, bắt giữ nhiều đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam hoạt động sai mục đích, thực hiện các vụ vi phạm pháp luật gây rúng động trong dư luận.

Đầu tháng 6/2019, Bộ Công an phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Đà Nẵng, do Phòng Cảnh sát Kinh tế chủ công, triển khai tổng tấn công, truy quét 6 tụ điểm cho người Trung Quốc thuê lưu trú, sử dụng kinh doanh có biểu hiện hoạt động trái phép.

Tại 6 tụ điểm gồm: Nhà số 74 Nguyễn Đình Chiểu, nhà số 116 Dương Tôn Hải, nhà số 10 Hoài Thanh, chung cư Mường Thanh số 51 Trần Bạch Đằng cùng ở quận Ngũ Hành Sơn, nhà số 5 Bằng Lăng 5 thuộc khu đô thị Euro Vila, khách sạn Legacy 347-349 Trần Hưng Đạo cùng ở quận Sơn Trà, lực lượng chức năng phát hiện 35 người Trung Quốc (có 4 nữ) cùng một số phục vụ người Việt Nam phục vụ.

Khi bị bắt, một số đối tượng bất hợp tác, thậm chí chống đối, một số người Trung Quốc dùng phương ngữ, tỏ dấu hiệu bất đồng ngôn ngữ để trốn tránh việc khai báo, tuy nhiên bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã xác định được thủ đoạn, hành vi của cả nhóm.

Các đối tượng khai nhận là thành viên trong một tổ chức tại Trung Quốc, xây dựng đường dây hoạt động xuyên quốc gia để tổ chức đánh bạc qua mạng.

Để tránh bị truy xét tại Trung Quốc, các đối tượng này sử dụng thủ đoạn dùng visa du lịch đến nhiều tỉnh thành ở Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng để hoạt động.

 5 người quốc tịch Trung Quốc bị tạm giữ vì có hành vi "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi" (ảnh: Xuân Nha)

5 người quốc tịch Trung Quốc bị tạm giữ vì có hành vi "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi" (ảnh: Xuân Nha)

Các đối tượng này chia ra nhiều nhóm nhỏ thuê nhà, mỗi nhóm có quản lý lo việc ăn ở, đối phó với chính quyền khi bị kiểm tra hành chính, đồng thời tổ chức sử dụng mạng internet ở Việt Nam để tổ chức đánh bạc.

Sau khi lập hồ sơ, Công an TP Đà Nẵng cùng Bộ Công an di lý, trục xuất 35 người Trung Quốc tổ chức đánh bạc qua mạng ra cửa khẩu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để bàn giao cho phía Trung Quốc vào chiều ngày 8/6.

Ngày 14/9, thực hiện chuyên án được xác lập trước đó, lực lượng công an kiểm tra hành chính căn nhà số 31 đường Lê Minh Trung (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Căn nhà này là nơi lưu trú của nhóm 5 người Trung Quốc và một phụ nữ Việt Nam. Kiểm tra căn nhà này, cơ quan công an phát hiện trong điện thoại di động và máy vi tính xách tay đang hoạt động có một số hình ảnh, video đồi trụy chuẩn bị được phát tán lên mạng Internet.

Ngay sau đó, Công an TP Đà Nẵng đã tiến hành tạm giữ hình sự 5 người có quốc tịch Trung Quốc, gồm: Tưởng Đăng Quân (SN 1989), Trương Huệ Mẫn (SN 1981), Phương Tuấn Kiệt (SN 1986), Đới Hồng Hi (SN 1997), Lưu Tiểu Duy (SN 1999) vì có hành vi "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi". 5 đối tượng này được sự giúp sức của nữ đồng phạm Sầm Thị Sen (SN 1995, trú tại xã Tân An, huyện Đắc Cơ, tỉnh Gia Lai) để thực hiện hành vi.

Tại cơ quan Công an, nhóm này khai nhận, qua mạng xã hội, Sầm Thị Sen đã đăng tin tuyển các cô gái trẻ, có ngoại hình đẹp để "làm việc nhẹ nhàng với mức lương cao". Khi các cô gái liên hệ, Sen hẹn gặp và dụ dỗ họ "đóng phim". Với cảnh quay kích dục (nhưng không giao cấu) trong khoảng thời gian 6 giờ, các đối tượng sẽ trả "thù lao" 700.000 đồng; nếu quay cảnh có quan hệ tình dục thì thù lao là 1 triệu đồng.

Sau khi có các “diễn viên” đóng clip, nhóm này sẽ quay và phát trực tiếp các clip kích dục quay được lên mạng xã hội ở Trung Quốc. Bọn chúng thu tiền từ các thành viên mạng xã hội này thông qua một tài khoản ngân hàng được mở tại Trung Quốc.

Bước đầu cơ quan chức năng xác định có 4 cô gái đã tham gia làm “diễn viên” cho nhóm này trong đó có em N.H.K.D mới 15 tuổi 3 tháng tính đến lúc em K.D. tham gia quay clip với nhóm này.

Trong nhóm này, người phụ nữ Việt Nam duy nhất là Sầm Thị Sen vừa là bạn gái của Trương Huệ Mẫn vừa là phiên dịch cho cả nhóm người Trung Quốc. Sen cũng là người đứng tên thuê căn nhà 31 Lê Minh Trung nơi nhóm này đang lưu trú.

Khi vụ nhóm người Trung Quốc dụ dỗ trẻ em đóng “phim người lớn” gây chấn động dư luận vẫn chưa “hạ nhiệt” thì 3 ngày sau Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) tiếp tục phát hiện và tạm giữ 34 người Trung Quốc về hành vi hoạt động trái phép, sai mục đích nhập cảnh.

Một trong những tụ điểm tụ điểm cho người Trung Quốc thuê lưu trú, sử dụng kinh doanh có biểu hiện hoạt động trái phép. (ảnh:N.T)

Nhóm đối tượng này xin visa thị thực và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp với mục đích du lịch. Được cấp visa, nhóm này đã thuê thuê nguyên khách sạn Chula (số 388 Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và đưa người Trung Quốc sang với mục đích du lịch, nhưng thực chất là thực hiện các hoạt động trái phép qua mạng internet.

Đặc biệt, để tránh bị nghi ngờ, khách sạn vẫn luôn mở cửa. Các bộ phận lễ tân, bảo vệ vẫn được trả lương để làm việc như bình thường nhưng không đón khách, luôn trả lời hết phòng khi khách đến đặt phòng.

Qua công tác nắm tình hình, ngày 15/9, Công an quận Ngũ Hành Sơn đã phối hợp với Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng tiến hành kiểm tra, phát hiện 34 người Trung Quốc đang lưu trú tại khách sạn này. Tại hiện trường phát hiện nhiều laptop, điện thoại di động được các đối tượng sử dụng để kết nối với các trang web ở Trung Quốc.

Những tang vật bày có thể các đối tượng này dùng để thực hiện đầu tư phi pháp, thao túng chứng khoán. Hành vi này bị cấm ở Trung Quốc nên cả nhóm sang Việt Nam để thực hiện hành vi phạm tội.

Thời gian gần đây, tình trạng người nước ngoài nói chung, người Trung Quốc nói riêng nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: mại dâm, cờ bạc, hoạt động trái phép qua mạng internet, trốn truy nã… đang trở nên phổ biến và hết sức phức tạp.

Từ đầu năm đến nay, hơn 200 người nhập cảnh hoạt động sai mục đích tại Đà Nẵng đã bị các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/9, báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia tăng mạnh. Tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao (lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng...) là người nước ngoài, lợi dụng địa bàn Việt Nam để hoạt động có chiều hướng gia tăng.

Đà Nẵng là địa phương phát triển về du lịch, lượng khách quốc tế đến thành phố tăng lên rất nhanh. Năm 2017 có hơn 1,4 triệu lượt người nước ngoài đến Đà Nẵng du lịch và làm việc. Đến năm 2018 đã tăng lên 93% so với năm 2017. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng thêm 500 ngàn người, dự kiến hết năm 2019 người nước ngoài đến Đà Nẵng tăng so với năm 2018 khoảng 70-80%.

Tuy nhiên, mặt trái của việc mở cửa đón khách là xuất hiện các ổ nhóm người nước ngoài hoạt động trái phép. Nổi lên tình trạng người Trung Quốc đến Đà Nẵng tổ chức các đường dây đánh bạc qua mạng, sử dụng trái phép ma túy, cướp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối…

Đến cuối năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 có hơn 400 người Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và bị lực lượng chức năng Đà Nẵng trục xuất khỏi Việt Nam. Đáng chú ý, trong số này có 35 người Trung Quốc đang bị truy nã, 20 người từng phạm pháp hình sự.

Tại kỳ họp 11, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX vừa qua, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên - Giám đốc Công an TP Đà Nẵng giãi bày, công tác xử lý vấn đề người nước ngoài hoạt động tội phạm ở TP Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, một điều đáng trăn trở là chính một số người dân thành phố lại đang tiếp tay cho những hành vi sai trái của các đối tượng này.

Các đối tượng tội phạm sẵn sàng bỏ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để thuê lại các khách sạn, căn biệt thự, chung cư cao cấp… Trong khi đó, người Việt mình đứng tên cho thuê khách sạn, đăng ký kinh doanh, làm tạm trú, thuê phòng trọ cho các nhóm người Trung Quốc tổ chức các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn…

Việc xử lý vi phạm đối với người nước ngoài phạm tội ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn do các đối tượng có nhiều phương thức, thủ đoạn đối phó. Nhiều trường hợp đối tượng vi phạm cố tình không xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc lợi dụng sự khác biệt ngôn ngữ để né tránh cơ quan chức năng.

Để nâng cao hoạt động quản lý người nước ngoài, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy chế để quy định rõ trách nhiệm các sở ban ngành, công an quận huyện về quản lý người nước ngoài. Đồng thời, lực lượng công an cũng có cơ chế phối hợp riêng với quận huyện và giao nhiệm vụ rõ ràng cho các đơn vị trong ngành.

Để ngăn chặn, xử lý về lâu dài đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ riêng lực lượng công an mà còn cả sự quyết liệt của chính quyền địa phương các cấp và người dân. Cần có quy định, biện pháp quản lý chặt các cá nhân, tổ chức khi ký hợp đồng cho người nước ngoài thuê bất động sản, để biết người thuê sử dụng vào mục đích gì.

Các cơ quan xuất nhập cảnh, an ninh phải thống kê, xác định được thông tin nhân thân, mục đích của những người nhập cảnh vào Việt Nam.

Cùng với đó, người dân cần phối hợp với cơ quan chức năng trình báo những dấu hiệu khả nghi, dấu hiệu phạm tội của những người nước ngoài để các cơ quan nhanh chóng giải quyết, ngăn chặn.

Mộc Lan

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cong-to-kiem-sat-tu-phap/an-ninh-trat-tu/canh-bao-ve-tinh-trang-nguoi-trung-quoc-pham-phap-o-tp-da-nang-76010.html