Cảnh báo về những ngành nghề sẽ không có người về hưu

Tại Hà Nội, có trên 90%, tương đương với 10.000 lao động nhận trợ cấp thất nghiệp là có độ tuổi trên 35. Thậm chí, ngành chế biến thủy sản, chế biến tôm là 'ngành không có người về hưu' để nhấn mạnh thực tế về tình trạng thải loại lao động trên 35 tuổi đang có xu hướng gia tăng.

Tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về BHXH, BHYT tháng 8/2018 vừa qua, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: Tình trạng người lao động từ 35 tuổi nhận BHXH một lần đang gia tăng là có thật. Thực tế đang diễn ra hiện nay, lao động tại các doanh nghiệp dệt may, da dày, chế biến thủy hải sản có môi trường lao động khắc nghiệt, nên chính công nhân đến tuổi 35 không còn đủ điều kiện sức khỏe để đáp ứng được yêu cầu công việc.

Mặt khác, chính chủ sử dụng lao động tại các doanh nghiệp này cũng tìm mọi cách để đào thải lao động ở độ tuổi này để giảm chi phí lương, BHXH. Thậm chí, chủ sử dụng còn đưa ra các hình thức hỗ trợ, khuyến khích lao động độ tuổi này “tự nguyện” rút khỏi thị trường lao động.

Ông Lê Đình Quảng nêu ra dẫn chứng của Trung tâm việc làm Hà Nội cho thấy có trên 90%, tương đương với 10.000 lao động nhận trợ cấp thất nghiệp là có độ tuổi trên 35. Thậm chí, ông Quảng nhấn mạnh: Ngành chế biến thủy sản, chế biến tôm là “ngành không có người về hưu”. Bởi cứ đến tuổi 35 thì tự công nhân không đủ điều kiện sức khỏe, không chịu được áp lực, thu nhập lại thấp, công nhân phải thôi việc.

Đặc biệt, theo ông Quảng, đầu năm 2018, trong số hơn 85.000 lao động nhận BHXH 1 lần thì phần lớn là lao động trên 35 tuổi.

Ngành chế biến thủy sản, chế biến tôm là “ngành không có người về hưu”. Ảnh minh họa

Ông Quảng khẳng định: “Trên thực tế, nhóm lao động ở diện này, khi ra khỏi thị trường lao động, họ không có cơ hội quay lại thị trường lao động nên đa phần phải lựa chọn nhận BHXH một lần”. Họ không tiếp tục tham gia BHXH, như vậy cũng đồng nghĩa không còn điểm tựa an sinh xã hội khi về già.

Để hạn chế tình trạng này, ông Lê Đình Quảng khuyến nghị, các cấp, ngành cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về lao động, BHXH. Tăng cường công tác truyền thông để người lao động biết được lợi ích ưu việt của việc tham gia BHXH để nhận lương hưu khi về già.

Cùng với đó tăng cường đào tạo nghề, chuyển hướng nghề nghiệp cho lao động sau 35 tuổi có khả năng bị đào thải khỏi thị trường lao động này tiếp tục có cơ hội việc làm thích hợp.

Xem thêm video phát biểu của ông Lê Đình Quảng về tình trạng thải loại lao động trên 35 tuổi

Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh cho rằng, xu hướng người lao động nhận BHXH một lần tiếp tục gia tăng, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi lao động. “Người lao động đang làm việc và tham gia BHXH để tích lũy cho cuộc sống khi về già. Không có lý do gì khi còn trẻ, còn sức lao động, còn cơ hội lao động để trang trải cuộc sống lại nhận BHXH một lần - tiêu trước phần để dành cho lúc ốm đau, bệnh tật, không còn sức lao động khi về già của bản thân”, ông Đào Việt Ánh chia sẻ.

Để giảm thiểu tình trạng này, ông Đào Việt Ánh cho biết, mới đây, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) cũng nêu rõ: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/canh-bao-ve-nhung-nganh-nghe-se-khong-co-nguoi-ve-huu-post48085.html