Cảnh báo vào mùa sốt xuất huyết, người dân cần đề phòng muỗi đốt

Thống kê tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ đầu tháng 10 đến nay có sự gia tăng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), trung bình mỗi ngày khoảng 30 bệnh nhân nhập viện. TS.BS Nguyễn Kim Thư – Trưởng khoa Virút – Ký sinh trùng của BV cho biết, bệnh SXH lây qua đường muỗi đốt do đó ngoài các biện pháp vệ sinh môi trường, người dân cần chú ý đề phòng muỗi đốt. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Tại Khoa Virút – Ký sinh trùng hiện đang điều trị và theo dõi cho nhiều bệnh nhân mắc SXH có dấu hiệu cảnh báo. Có gia đình 2 người, 5 người đều "dính" SXH phải nhập viện. Những trường hợp mắc SXH mức độ nặng sẽ được chuyển đến khoa Cấp cứu của BV để tiếp tục điều trị.

Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, năm nay đợt dịch SXH bắt đầu từ khoảng tháng 7,8. Từ vài tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhân nhập BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã cao hơn năm ngoái, tuy chưa bằng vụ dịch năm 2017 nhưng cũng là điều đáng báo động. Hiện, mỗi ngày cơ sở Giải Phóng tiếp nhận khoảng 20-25 bệnh nhân.

TS. Thư cho biết, các bệnh nhân SXH có nhiều mức độ khác nhau: bệnh nhân không có dấu hiệu cảnh báo, bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo và bệnh nhân SXH nặng.

“Với trường hợp bệnh nhân SXH có dấu hiệu cảnh báo thì cần nhập viện điều trị và theo dõi. Các bệnh nhân nằm tại Khoa Virút – Ký sinh trùng thường có dấu hiệu cảnh báo từ ngày thứ 4, ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt nên người bệnh thường chủ quan nghĩ là đã khỏi bệnh. Do đó, nhân viên y tế luôn phải theo dõi sát sao bệnh nhân hàng ngày, tiến hành xét nghiệm công thức máu cũng như theo dõi tình trạng bệnh nhân để xử lý kịp thời nếu người bệnh có diễn biến nặng lên”- TS. Thư nói.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân SXH đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân SXH đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Các bác sĩ cho biết, nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đưa ngay người bệnh tới bệnh viện gần nhất vì đó là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm:

- Chảy máu: Các chấm hay đốm màu đỏ trên da. Chảy máu mũi, lợi. Nôn ra máu. Đi ngoài phân đen. Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo.

- Nôn liên tục.

- Đau bụng dữ dội.

- Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật.

- Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm.

- Khó thở.

Ngoài ra, nếu bệnh nhân có tình trạng sốt cao liên tục không kiểm soát được bằng các thuốc hạ sốt thông thường cũng nên đến bệnh viện để được xử trí có hiệu quả hơn. Tỉ lệ biến chứng nặng của SXH là khá nhỏ. Đa phần bệnh SXH được bác sĩ hướng dẫn điều trị và theo dõi tại nhà, chỉ nhập viện khi có các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Vì thế, người bệnh không nên quá hoang mang, lo lắng.

Một trường hợp điển hình của bệnh SXH với dấu hiệu xuất huyết dưới da ở cẳng chân.

Vệ sinh môi trường và đề phòng muỗi đốt

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm cũng cho hay, bệnh SXH lây truyền qua đường muỗi đốt, trong khi Việt Nam lại nằm trong vùng dịch tễ của SXH chính vì vậy gần như năm nào nước ta cũng có dịch SXH. Đặc biệt ở miền Nam do khí hậu nóng ẩm nên bệnh thường diễn ra quanh năm, còn ở miền Bắc chủ yếu là từ tháng 6, tháng 7 đến tháng 11.

“Bệnh SXH lây truyền qua đường muỗi đốt nên người dân cần phòng tránh muỗi đốt” – TS. Thư khuyến cáo.

Ngành y tế cũng khuyến cáo cho mọi người dân, mỗi hộ gia đình chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày.

Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị sốt, xuất huyết… đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Khi người bệnh có biểu hiện sốt trước tiên nên đi khám để xác định nguyên nhân do SXH hay nguyên nhân khác để được xử lý theo đúng căn nguyên gây bệnh. Nếu sốt do SXH, người bệnh nên tuân thủ các nguyên tắc sau:

Nghỉ ngơi và uống đủ nước

Khi cơ thể đang sốt cao, hãy nghỉ ngơi, hạ sốt, uống nhiều nước và dinh dưỡng đầy đủ. Trong đó, sữa, nước hoa quả (thận trọng với người bệnh đái tháo đường) và các dung dịch điện giải đẳng trương (oresol) và nước cơm được khuyến khích dùng với người bệnh.

Nếu uống quá nhiều nước trắng đơn thuần có thể gây rối loạn điện giải, vì thế các loại nước trên được khuyên dùng, nước hoa quả, nước rau luộc, nước oresol… đều rất tốt cho người bệnh.

Chỉ uống hạ sốt paracetamol

Liều hạ sốt được khuyến cáo là < 4 gram mỗi ngày đối với người lớn và tính liều theo riêng cho trẻ em. Chỉ nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol, còn việc phối hợp thêm các thuốc khác phải theo chỉ định của thầy thuốc.

Bệnh nhân cũng cần lưu ý tuyệt đối tránh không dùng các thuốc hạ sốt họ salicylat (aspirin), mefenemic acid (ponstan), hay các chất chống viêm không-steroid khác (NSAID).

Ngoài ra, bệnh nhân có thể chườm ấm để hỗ trợ hạ sốt.

Bệnh nhân không tự ý uống kháng sinh. Bởi SXH là bệnh do virus gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Vì vậy, uống kháng sinh không mang lại tác dụng điều trị.

Theo suckhoedoisong.vn

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/201910/canh-bao-vao-mua-sot-xuat-huyet-nguoi-dan-can-de-phong-muoi-dot-2458518/