Cảnh báo: Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh, sinh viên bắt đầu tăng lên

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2020 diễn ra từ ngày 25-31/5.

Để bảo vệ thế hệ trẻ trước nguy cơ nghiện chất nicotine và các tác hại đối với sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá, ngăn chặn các chiến thuật quảng cáo có hệ thống của ngành công nghiệp thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới lựa chọn chủ đề Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2020: “Bảo vệ giới trẻ khỏi ảnh hưởng của việc quảng cáo và sử dụng các sản phẩm thuốc lá”.

Nguy hại của thuốc lá thế hệ mới với sức khỏe người sử dụng

Hiện nay bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), trên thị trường đang xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới. Trong đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá làm nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Cả hai loại sản phẩm này đều sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng dung dịch hoặc nguyên liệu thuốc lá tạo ra làn hơi khói để người dùng hút vào, có một số thành phần độc hại tương tự như thuốc lá điếu.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê phát biểu tại cuộc họp báo thông tin về Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2020.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê phát biểu tại cuộc họp báo thông tin về Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá năm 2020.

Các tập đoàn công nghiệp thuốc lá trên thế giới đã chi các khoản tiền khổng lồ cho việc nghiên cứu kỹ lưỡng, từ việc thiết kế sản phẩm hấp dẫn giới trẻ cho đến các chiến dịch quảng cáo, tiếp thị nhằm thu hút một thế hệ người dùng thuốc lá mới là giới trẻ.

Làm rõ thêm thông tin về vấn đề này, bà Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cho rằng, hiện nay, việc quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới, gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nhấn mạnh thông điệp các sản phẩm này ít tác hại hơn so với các loại thuốc lá thông thường. Thậm chí, các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá mới tập trung vào việc thu hút giới trẻ.

Tuy nhiên đây chỉ là các quảng cáo nhằm gây nhầm lẫn. Các bằng chứng đến thời điểm hiện tại cho thấy, cả thuốc lá điện tử ENDs và thuốc lá nung nóng HTPs đều có chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường gây hại cho người xung quanh.

Theo điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của nước ta vào năm 2019 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam có xu hướng giảm từ 4% xuống 3,6% nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu tăng lên 2,6%. “Trong khi đó, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng cho thêm các phụ gia có hại cho sức khỏe, rất khó kiểm soát, nhất là đối với thế hệ trẻ. Do đó, tại nước ta không nên cho phép thí điểm bất cứ loại thuốc lá mới nào”- bà Phan Thị Hải nói.

Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ

Các chuyên gia cảnh báo, thuốc lá thế hệ mới gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

WHO: Kêu gọi một thế hệ trẻ không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện như nicotine

Chiến dịch toàn cầu Ngày Thế giới không thuốc lá năm 2020 do Tổ chức Y tế Thế giới phát động nhằm chỉ rõ các chiến thuật quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt là các phương thức mà ngành công nghiệp thuốc lá tác động đến thanh thiếu niên nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thuốc lá.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, cho rằng, Ngày Thế giới phòng chống tác hại của thuốc lá năm nay cũng nhằm trang bị các thông tin giúp thanh thiếu niên nhận thức rõ về tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như bản chất các chiến thuật quảng cáo thuốc lá nhằm lôi kéo các thế hệ hiện tại và tương lai nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá, bất chấp việc gây ra hàng triệu ca tử vong sớm do thuốc lá mỗi năm.

Trong thông điệp của mình, WHO nhấn mạnh: Các quốc gia cần có hành động kịp thời để giúp thế hệ trẻ không bị lừa dối bởi các quảng cáo gây nhầm lẫn rằng có loại thuốc lá ít hại cho sức khỏe, xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh. Những người có tầm ảnh hưởng xã hội trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc, trên các trang mạng xã hội, trong gia đình, tại trường học, những người có khả năng tiếp cận và kết nối với giới trẻ hãy cùng tham gia các hoạt động để chỉ rõ các chiến thuật trong việc nỗ lực tạo ra một thế hệ người hút thuốc lá mới của ngành công nghiệp thuốc lá.

Đồng thời WHO cũng kêu gọi một thế hệ trẻ không sử dụng thuốc lá và các sản phẩm gây nghiện như nicotine; thế hệ trẻ cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền nhằm chỉ rõ sự thật về những chiến thuật quảng cáo thuốc lá gây nhầm lẫn cho người sử dụng để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-ty-le-su-dung-thuoc-la-dien-tu-o-hoc-sinh-sinh-vien-bat-dau-tang-len-n174692.html