Cảnh báo tuyển sinh 'vơ bèo, vạt tép', HS quốc tế dự thi toán Hà Nội mở rộng

Tuần vừa qua, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng trước thực tế một số trường đại học thông báo xét tuyển bằng những tổ hợp 'lạ'; lần đầu tiên cuộc thi toán Hà Nội mở rộng có sự tham dự của học sinh quốc tế đến từ 10 quốc gia. Hướng dẫn chi tiết thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT 2018 cũng được ban hành trong tuần này.

Ảnh minh họa/internet

Yêu cầu trường giải trình nếu thấy những tổ hợp quá bất thường

Kỳ tuyển sinh năm nay, một số trường công bố những tổ hợp xét tuyển “lạ” khiến dư luận băn khoăn.

Thông tin trên tuổi trẻ, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, ngoại trừ nhóm ngành sức khỏe, ngôn ngữ Anh và một vài ngành công nghệ, các ngành còn lại đều tuyển tổ hợp văn - sử - địa và văn - sử - giáo dục công dân. Trong đó có các ngành khối kỹ thuật công nghệ như kỹ thuật ôtô, điện - điện tử, chế tạo máy, kỹ thuật xây dựng, công nghệ thông tin; các ngành khối kinh tế đặc thù như kế toán, tài chính ngân hàng .

Một số tên trường cũng được các báo nhắc đến nhiều do sử dụng tổ hợp xét tuyển khá “lạ” như Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Hùng Vương TP.HCM, Trường ĐH Phan Châu Trinh, Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế).

Bộ GD&ĐT đã lên tiếng trước hiện tượng này và cho biết những trường lựa chọn cách trên không nhiều. Bộ sẽ theo dõi sát tình hình, nếu thấy những tổ hợp quá bất thường sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình.

Nếu không có căn cứ thuyết phục, có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để trước hết, kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...

Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung.

Họp báo công bố cuộc thi toán Hà Nội mở rộng 2018

Lần đầu tiên học sinh quốc tế tham dự cuộc thi toán Hà Nội mở rộng

Thông tin về kì thi Toán học Hà Nội mở rộng năm 2018 (HOMC 2018) được các báo đồng loạt đưa tin. Theo đó, tại buổi họp báo chiều 23/3, ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, kì thi này sẽ diễn ra từ ngày 26-30/3 với 498 thí sinh dự thi và lần đầu tiên có sự tham dự của 75 thí sinh quốc tế đến từ 10 nước.

Thí sinh dự thi theo 2 lứa tuổi Junior (14 tuổi, lớp 8), Senoir (16 tuổi, lớp 10). Mỗi thí sinh sẽ tham dự thi cá nhân và thi đồng đội. Bài thi đồng đội các thí sinh vừa làm việc cá nhân vừa phối hợp tập thể. Đề thi và bài thi được trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Đến thời điểm này, công các chuẩn bị cho HOMC 2018 đã sẵn sàng từ công tác an ninh, bảo vệ, tuyên truyền, y tế... đến tổ chức coi thi và chấm thi, tổng kết, trao giải. Kì thi còn bao gồm nhiều các hoạt động ý nghĩa khác như giao lưu với các nhà Toán học với chủ đề "Toán học thật vi diệu", tham gia hội thảo khoa học về chuyên môn...

Hướng dẫn chi tiết thi THPT quốc gia

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018. Trong đó hướng dẫn chi tiết về bài thi và hình thức thi; lịch thi; phần mềm quản lý thi; chế độ báo cáo và lưu trữ; việc đăng ký dự thi và tổ chức hội đồng thi; in sao đề thi; coi thi; chấm thi, chấm kiểm tra, phúc khảo; hướng dẫn quy trình chấm bài thi trắc nghiệm; xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Trong hướng dẫn này, Bộ GD&ĐT cũng công bố mẫu phiếu đăng ký dự thi, phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp THPT, phiếu ghi điểm… cùng những lưu ý quan trọng với thi sinh.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ diễn ra từ 24-27/6. Tổ chức thi 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình Giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT).

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình Giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp; thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT phải dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi 2 do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp.

Thí sinh được đăng ký chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh đã đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp thì bắt buộc phải thi cả 2 bài thi này; nếu thí sinh bỏ 1 trong 2 bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Các học sinh tham gia dự án Món ăn trên tường

Những câu chuyện đẹp về giáo dục

Báo Giáo dục và Thời đại chia sẻ câu chuyện về một dự án nhân văn mang tên “Món ăn trên tường” của thầy và trò lớp 7.2 Trường Quốc tế Việt-Úc (cơ sở Trần Cao Vân, quận 1, TPHCM) thực hiện trong học kỳ 2 năm học 2017-2018.

Với slogan “Một món sử dụng-Một món cho đi”, Món ăn trên tường sẽ dành cho những người khó khăn khi họ cần một bữa, nhưng lại không đủ chi trả tiền cho bữa đó. Những thực khách may mắn hơn khi ghé vào các quán có thể gọi một món để ăn và trả thêm tiền cho “món ăn trên tường”. Để rồi, khi thực sự cần, những người khó khăn sẽ vào “gọi chúng xuống”, thưởng thức với tất cả sự thoải mái như bao khách hàng khác. Ăn xong, họ sẽ rời đi, không cần thanh toán, vì đó là món quà những vị khách có tấm lòng gửi lại.

Sau khoảng 2 tháng thực hiện, nay HS đã tiếp cận được 5 hàng quán, nhà hàng và rất nhiều món ăn đã được dán lên tường. Song song với việc đi vận động các thực khách, những chủ quán tham gia dự án, thầy trò đã cùng nhau lập ra quỹ Món ăn trên tường. Có thể nói, Dự án không chỉ mang đến cho học sinh những trải nghiệm thực tiễn bổ ích, những bài học ý nghĩa, qua đó còn lan tỏa thông điệp về sự sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Báo Quảng Nam có bài viết về thầy giáo Nguyễn Khắc Điệp - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My) hiến 600m2 đất để xây trường. Không những hiến đất xây trường cũ, việc chăm lo cho từng con chữ, từng bữa ăn tại trường mới cũng được thầy Nguyễn Khắc Điệp hết lòng quan tâm.

Từ nguồn xã hội hóa giáo dục, đóng góp của phụ huynh và kinh phí hoạt động, thầy Điệp còn mạnh dạng đề xuất lắp ráp camera tại các khu phòng học, hành lang để quản lý nề nếp học sinh hiệu quả, giờ học được tốt hơn. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội và mối quan hệ cá nhân, thầy Điệp còn kêu gọi giúp đỡ cho nhiều học trò khó khăn tại huyện Nam Trà My.

Lập Phương (tổng hợp)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/canh-bao-tuyen-sinh-vo-beo-vat-tep-hs-quoc-te-du-thi-toan-ha-noi-mo-rong-3920013-v.html