Cảnh báo trẻ nhập viện do sốt xuất huyết biến chứng nguy hiểm

GD&TĐ - Hiện nay, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh, diễn biến phức tạp và đã len lỏi đến từng ngõ ngách khắp 61 tỉnh, thành phố nước ta.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chủ quan với dịch bệnh nguy hiểm chết người này. Đặc biệt, theo các chuyên gia y tế cảnh báo, biến chứng nguy hiểm SXH là sốc do giảm thể tích máu lưu hành hoặc xuất huyết do giảm tiểu cầu đặc biệt là xuất huyết não, xuất huyết nội tạng… dẫn đến tử vong.

Bệnh nguy hiểm, dấu hiệu không rõ ràng

PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, năm nay số trẻ đến khám SXH tăng cao gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của khoa Truyền nhiễm, từ đầu mùa dịch đến này đã có 185 trẻ mắc xuất huyết đến khám và điều trị nội trú tại bệnh viện. Đáng chú ý, trng số 28 bệnh nhi đang nằm điều trị nội trú hiện nay ở khoa Truyền nhiễm thì có tới 5 bệnh nhi mắc SXH có dấu hiệu cảnh báo vì đã bị biến chứng.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm -Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời gian gần đây, số lượng trẻ nhập viện do bệnh này đã tăng nhiều so với các tháng trước đó. Sốt xuất huyết là một bệnh rất nguy hiểm. Tuy nhiên, biểu hiện bệnh lại không rõ ràng khiến nhiều bậc cha mẹ dễ dàng bỏ qua.

Gia đình chị Nguyễn Thị Phương (Đống Đa, Hà Nội) có con mắc SXH đang điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương, đã sang ngày thứ 5. Trước khi vào viện, ngày thứ 4 bệnh nhi có dấu hiệu hạ sốt nhưng đó chính là giai đoạn dễ bị hạ tiểu cầu. Chỉ số này liên tục giảm, bắt đầu có biểu hiện nôn nhiều không dứt, sốt cao liên tục… Các bác sĩ khoa Truyền nhiễm đã cấp cứu kịp thời, tránh cho bệnh nhi biến chứng nguy hiểm của SXH.

Tại BV E, TS Lương Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp (BV E) cho biết, lượng bệnh nhi bị SXH đang gia tăng, có đêm khoa Cấp cứu tiếp nhân 6 trẻ bị SXH. Hiện tại khoa Nhi có 18/42 bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết với nhiều bệnh nhân có biến chứng nặng. Trong đó, có một bệnh nhân nhi (7 tuổi, ở Đồng Xa, Cầu Giấy, Hà Nội) mắc sốt xuất huyết nặng có biểu hiện sốc kèm theo tiểu cầu và bạch cầu đều giảm thấp, huyết áp dao động. Các bác sĩ phải điều trị tích cực, chống sốc cho bệnh nhi. Nhưng khi bệnh nhi qua cơn nguy kịch thì xuất hiện thoát huyết tương gây ra tràn dịch màng bụng và đa màng.

Để có thể phục vụ bệnh nhân nhi tốt nhất, hiện khoa có 40 giường bệnh điều trị với đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu hiện đại như máy thở, oxy và khí nén áp lực, các máy theo dõi monitoring, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, siêu âm, điện tâm đồ… cùng với đội ngũ bác sĩ là những bác sĩ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cao hằng ngày chăm sóc, khám chữa bệnh cho bệnh nhi.

Cảnh báo nguy cơ biến chứng, tử vong

Trường hợp nữ sinh đầu tiên ở Hà Nội tử vong do SXH khi vào viện do sốc SXH, dẫn đến ngừng tuần hoàn cũng là một trong những hồi chuông cảnh báo về tình trạng chủ quan, dẫn đến biến chứng nguy hiểm của bệnh này.

Từ thực tế điều trị, TS Lương Thu Hiền khuyến cáo, bệnh SXH sẽ nguy hiểm trên cơ địa là trẻ em do hệ miễn dịch kém. Vì vậy người lớn phải theo dõi sát sao con em mình khi có dấu hiệu tăng nhiệt độ cơ thể để nhận biết đúng bệnh và điều trị kịp thời. Khi trẻ mắc SXH nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến tử vong.

Ths. BS Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đối với trẻ em, khi mắc SXH có một số biểu hiện bệnh như sau: Ba ngày đầu sốt cao, trẻ mệt lả đi, hay quấy khóc, nằm ly bì hoặc tỉnh táo chơi đùa như bình thường. Nhiều phụ huynh chủ quan, cho rằng con mình đã khỏe hơn nhưng không phải như vậy. Lúc này, phụ huynh cần để ý xem trẻ có những biểu hiện sau đây hay không như: Đi tiểu ít, khó thở, ấn vào vùng gan thấy đau, nôn nhiều hoặc buồn nôn nhiều, xuất hiện các biểu hiện chảy máu bất thường như chảy máu chân răng, chảy máu cam… thì lúc này gia đình cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.

Theo BS Phạm Hùng - Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sốt xuất huyết hiện gồm có 4 type virus. Với những người đã mắc bệnh 1 trong 4 type trên thì sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời đối với type đó nhưng nó lại không có miễn dịch chéo với những type còn lại. Do đó, trường hợp đã nhiễm 1 type virus rồi mà sau đó nhiễm tuýp khác thì tỉ lệ bệnh nặng sẽ cao hơn so với những người nhiễm lần đầu.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo: Mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng chống các loại dịch bệnh bằng những hoạt động thiết thực nhất. Đó là: Vệ sinh môi trường thường xuyên; diệt muỗi và loăng quăng/bọ gậy; ngủ màn; ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/canh-bao-tre-nhap-vien-do-sot-xuat-huyet-bien-chung-nguy-hiem-3626216-b.html