Cảnh báo trẻ ngộ độc thủy ngân ngay tại gia đình

Nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn với các vật dụng chứa thủy ngân gây ngộ độc dẫn tới hậu quả nặng nề nếu không được xử lý đúng cách.

Thủy ngân trong nhiệt kế khi bị vỡ cần phải được xử lý đúng cách nếu không hậu quả khôn lường

Các bác sĩ cảnh báo, nhiều trường hợp trẻ gặp tai nạn với các vật dụng chứa thủy ngân như nhiệt kế, pin đồng hồ…, gây ngộ độc dẫn tới hậu quả nặng nề nếu không được xử lý đúng cách.

Phát hoảng vì trẻ cắn vỡ nhiệt kế, nuốt pin đồng hồ

Mới đây, thông tin bé gái 11 tuổi (Thái Bình) bị nhiễm độc thủy ngân do người nhà vô tình đánh vỡ nhiệt kế khiến nhiều phụ huynh giật mình bởi đây là dụng cụ y tế phổ biến trong các gia đình có con nhỏ.

Nếu muốn kiểm tra định lượng thủy ngân trong cơ thể, cần báo cho bác sĩ biết về thời gian tiếp xúc với các nguồn thủy ngân cũng như các triệu chứng bất thường của cơ thể gặp phải. Dựa trên thời gian tiếp xúc cũng như các triệu chứng, bác sĩ sẽ xác định nên thực hiện xét nghiệm máu, nước tiểu hay tóc sẽ có hiệu quả tốt nhất.
BS. Nguyễn Đăng Tuân, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

Từ quá trình thăm khám, BS. Phạm Thị Thanh Tâm, Trung tâm Cấp cứu và chống độc nhi khoa (Bệnh viện Nhi T.Ư) cũng từng tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc cũng như gặp tai nạn với các vật dụng chứa thủy ngân.

“Phần lớn trong lúc nghịch, trẻ cắn vỡ đầu nhiệt kế và nuốt thủy ngân. Lúc này, các gia đình thường vô cùng hoảng loạn, nếu không xử lý đúng cách có thể dẫn tới hậu quả nặng nề”, BS. Tâm cho hay.

Cụ thể, theo BS. Tâm, khi nhiệt kế bị vỡ, thủy ngân từ dạng lỏng có thể bay hơi ở nhiệt độ phòng gây ngộ độc qua đường hít. Do đó, người dân cần nhanh chóng dùng giấy thu gom những mảnh vỡ, mở cửa phòng, tắt điều hòa để thông khí.

Đáng chú ý, trong quá trình gom phải đeo khẩu trang, sử dụng găng tay, đưa toàn bộ phần chất thải trên vào túi bóng, buộc chặt miệng túi trước khi đưa tới khu vực tiêu hủy.

“Thủy ngân trong nhiệt kế là thủy ngân nguyên tố dạng lỏng, nếu nuốt vào đường tiêu hóa thì không hấp thu vào máu nếu đường tiêu hóa lành lặn. Khi phát hiện có các hạt thủy ngân trong đường tiêu hóa, các bác sĩ sẽ cho trẻ uống thuốc nhuận tràng để đào thải ra khỏi cơ thể. Vì vậy, trong trường hợp trẻ cắn, nuốt phải thủy ngân, gia đình cần giữ bình tĩnh, cho trẻ súc miệng, nhổ bỏ toàn bộ phần vỡ của nhiệt kế. Tuyệt đối không được móc họng, gây nôn dễ khiến cho trẻ sặc thủy ngân vào phổi hay nuốt phải các mảnh thủy tinh khiến bệnh trầm trọng hơn”, BS. Tâm khuyến cáo.

Tương tự BS. Nguyễn Đăng Tuân, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) cho biết, thủy ngân ở dạng lỏng ít độc nhưng dạng khí và các hợp chất hữu cơ và muối vô cơ thì lại vô cùng độc hại. Đây là nguyên nhân gây ra các tổn thương não và gan khi con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải.

“Nuốt phải thủy ngân vô cơ gây phỏng niêm mạc miệng, đau bụng, buồn nôn, nôn ra máu. Trường hợp này thường chỉ hay gặp ở trẻ em khi nghịch ngợm không may nuốt phải pin đồng hồ. Sau vài ngày, bệnh có thể biến chuyển thành hoại tử ống thận cấp, gây suy thận, rối loạn nước và điện giải có thể gây tử vong”, BS. Tuân cảnh báo.

Dấu hiệu trẻ nhiễm độc thủy ngân?

Kết quả chụp X-quang của một bệnh nhi cho hình ảnh nhiều chấm cản quang rải rác, chính là những hạt thủy ngân nằm trong cơ thể

Theo BS. Tuân, nhiễm độc thủy ngân gây nhiều nguy hại đến cơ thể tùy theo con đường phơi nhiễm. Cụ thể, nếu hít phải thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính, người bệnh sẽ có các các triệu chứng ho, khó thở, đau rát, cảm giác tức ngực, có thể sốt.

Những triệu chứng này thường sẽ dịu bớt đi trong vòng 1 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, diễn tiến nặng hơn phù phổi cấp, suy hô hấp, co giật và tử vong.

Đối với trường hợp nhiễm độc thủy ngân mạn tính thường do ăn phải thực phẩm có chứa thủy ngân hữu cơ, bệnh nhân sẽ bị suy nhược thần kinh, giảm thính giác và loạn vận ngôn, thu hẹp thị trường, rối loạn tâm thần, run cơ, rối loạn cử động, thậm chí có thể tử vong.

“Trẻ em ngộ độc thủy ngân có thể biểu hiện má, mũi và môi đỏ hồng, rụng tóc, răng lung lay, phát ban thoáng qua, yếu cơ và tăng nhạy cảm với ánh sáng... Ngoài ra, có thể gặp rối loạn chức năng thận hoặc các dấu hiệu tâm thần kinh như mất cảm xúc, giảm trí nhớ hoặc mất ngủ”, BS. Tuân cho biết.

Liên quan tới việc điều trị ngộ độc thủy ngân, BS. Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, phải căn cứ vào từng dạng tiếp xúc, đường lây nhiễm với mục tiêu đào thải thủy ngân ra khỏi cơ thể.

“Bệnh nhân cần tiến hành định lượng nồng độ thủy ngân trong máu 1 lần/tháng trong các giai đoạn cấp. Sau đó, theo dõi nồng độ thủy ngân trong máu 3 - 6 tháng/lần cho đến khi nồng độ thủy ngân trong máu toàn phần xuống dưới 20 µg/l”, BS. Tâm nói và cho biết, các bệnh nhi hít phải thủy ngân trong không khí hay uống nước ô nhiễm chứa thủy ngân và trải qua thời gian tiếp xúc dài, gây lắng đọng trong cơ thể. Trẻ sẽ mất khoảng thời gian điều trị kéo dài tới 1 năm để đào thải chất độc này ra khỏi cơ thể.

Hoàng Ngân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/canh-bao-tre-ngo-doc-thuy-ngan-ngay-tai-gia-dinh-d498582.html