Cảnh báo 'trào lưu Anti vắc-xin' đe dọa tính mạng trẻ em, nguy hiểm như HIV

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), anti vắc-xin nằm trong top 10 'mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu' năm 2019.

Nếu sự vi phạm quy định tiêm chủng được cải thiện, thế giới có thể giảm bớt 1,5 triệu ca tử vong

Nếu sự vi phạm quy định tiêm chủng được cải thiện, thế giới có thể giảm bớt 1,5 triệu ca tử vong

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiêm vắc-xin giúp loài người ngăn ngừa đến 2-3 triệu ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, sẽ có thêm 1,5 triệu ca tử vong khác được ngăn ngừa nếu tình trạng anti vắc-xin trên toàn cầu được cải thiện.

WHO cũng nhìn nhận anti vắc-xin đã góp phần khiến dịch sởi quay lại, giết chết và để lại di chứng cho vô số người trên toàn thế giới, nhất là trẻ em.

Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy trẻ em chưa được tiêm chủng đến 35 tháng tuổi ở Mỹ đã tăng gấp bốn lần từ năm 2001 đến 2015.

Theo các điều tra của WHO, có 3 lý do chính khiến người ta không tiêm chủng: Sự tự mãn, sự bất tiện khi tiếp cận vắc-xin và sự thiếu tự tin. Để đối phó vấn đề này, trong vài năm trở lại đây, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Pháp, Ý, một số tiểu bang của Mỹ đã áp dụng chính sách tiêm vắc-xin bắt buộc với các biện pháp chế tài cứng rắn hướng đến các phụ huynh anti vắc-xin.

Theo WHO, 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu năm 2019 bao gồm: Ô nhiễm môi trường; Bệnh không lây (béo phì, tiểu đường, ung thư, bệnh tim…); Một đại dịch cúm toàn cầu có thể xảy ra; Môi trường dễ tổn thương (nơi sống có khủng hoảng kéo dài, han hán, nạn đói, chiến tranh…); Đề kháng kháng sinh; Ebola và các bệnh có khả năng lây nhiễm cao khác; Dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu kém; “Do dự vắc-xin" (miễn cưỡng hoặc từ chối tiêm vắc-xin dù có sẵn); Sốt xuất huyết; HIV.

Tại Việt Nam Tại Việt Nam, thành công của công tác Tiêm chủng mở rộng đã giúp thanh toán Bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ Uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Tỷ lệ mắc các bệnh thuộc tiêm chủng trên 100.000 dân nếu so sánh năm 2010 với năm 1984 thấy: Bệnh bạch hầu giảm 585 lần, Ho gà giảm 937 lần, Uốn ván sơ sinh giảm 59 lần, Sởi giảm 573 lần.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng nguy cơ của các dịch bệnh trên vẫn tiềm ẩn, cụ thể: nguy cơ vi rút Bại liệt xâm nhập từ các nước lưu hành Bại liệt vào Việt Nam là rất lớn, Uốn ván vẫn là bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh có vắc-xin phòng được triển khai trong tiêm chủng mở rộng và Uốn ván sơ sinh vẫn là bệnh có tỷ lệ chết/mắc cao nhất (53-82%).

Điều đáng nói là mạng xã hội phổ biến là môi trường thuận lợi để tạo nên những tin đồn thất thiệt, những trào lưu phản cảm, những xuyên tạc gây hoang mang cho dư luận, gây thiệt hại nặng nề cho cá nhân, tổ chức hoặc an ninh cộng đồng.

Do vậy việc tiêm chủng phòng bệnh là hết sức quan trọng trong việc duy trì các thành quả mà Việt Nam đã đạt được, không để nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại một cộng đồng nhỏ sẽ trở thành một sự kiện y tế công cộng của Việt Nam.

Do đó, mỗi chúng ta đều cần cẩn trọng trước mỗi tin tức, trào lưu mới trên mạng xã hội để bảo vệ sức khỏe của gia đình, người thân và cộng đồng.

Mai Anh (t/h) - Theo Đời sống Plus/GĐVN

Nguồn Đời Sống Plus: http://doisongplus.vn/canh-bao-trao-luu-anti-vac-xin-de-doa-tinh-mang-tre-em-nguy-hiem-nhu-hiv-59743-9.html