Cảnh báo tình trạng tuyển nhân viên giả danh bác sĩ để tư vấn bán hàng qua mạng

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, hiện tình trạng vi phạm về gian lận thương mại trong lĩnh vực thực phẩm chức năng (TPCN) vẫn khá phổ biến.

Vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng hiện vẫn tràn lan. Ảnh internet

Một số hành vi mà các công ty kinh doanh, sản xuất TPCN hay sai phạm, đó là sản xuất TPCN dù chưa công bố, ghi nhãn sai hoặc gây hiểu lầm giống thuốc chữa bệnh, hay một số công ty đã thay đổi địa điểm sản xuất kinh doanh mà không thông báo lại với cơ quan quản lý...

Đặc biệt, theo ông Phong, hiện đang xuất hiện tình trạng rất nguy hiểm là nhân viên tư vấn giả danh là bác sỹ, dược sỹ để tư vấn và bán TPCN. Điển hình như mới đây, ngày 25/6 sau khi có thông tin báo chí phản ánh, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định thu hồi 13 giấy xác nhận sản phẩm của công ty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược (Nam Từ Liêm, Hà Nội), đồng thời ra quyết định thu hồi 4 giấy công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm do Cục cấp cho các sản phẩm của công ty này vì vi phạm trong quảng cáo khi tuyển nhân viên giả danh bác sỹ tư vấn bán hàng qua mạng, quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.

Trước đó, theo phản ánh, bác sỹ Trương Hữu Khanh hiện đang công tác tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, bị trang mạng xã hội dùng hình ảnh quảng cáo thuốc tăng chiều cao. Về vấn đề này, bác sỹ Trương Hữu Khanh khẳng định không tham gia quảng cáo cho bất kỳ loại thuốc, thực phẩm chức năng nào.

Còn bác sỹ Võ Xuân Sơn tại TP.HCM là một trong những người rất uy tín của chương trình thiện nguyện “Đĩa cơm trên tường” cũng bị lợi dụng hình ảnh quảng cáo thuốc trị hói đầu, thuốc trị liệt dương, xuất tinh sớm trên các trang mạng. Ngay sau sự kiện xảy ra, bác sỹ Võ Xuân Sơn bày tỏ, sẽ đề nghị cơ quan Công an vào cuộc để bảo vệ uy tín của mình.

Một trường hợp khác là lương y Hai Dậu (Quận 7, TP.HCM) được nhiều người dân quý mến bởi các hoạt động thiện nguyện mang bài thuốc gia truyền cho người nghèo. Hình ảnh của ông bị đưa lên quảng cáo bán thuốc tăng chiều cao. Ông cho biết, ông không đi quảng cáo cho đơn vị nào.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm khẳng định, thực trạng tư vấn viên, người tư vấn giả làm bác sỹ, dược sỹ rất phổ biến. Đáng cảnh báo là bản thân các tư vấn viên này không có kiến thức về y tế nhưng khi tư vấn còn nói quá lên về mức độ nguy hiểm của căn bệnh mà khách hàng đang nhờ tư vấn nhằm gợi ý người tiêu dùng mua sản phẩm.

“TPCN chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, TPCN tuyệt đối không được ghi nhãn là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người”, ông Phong nói.

Để không rơi vào “bẫy” quảng cáo TPCN mà DN giăng ra với người tiêu dùng, ông Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo, người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm TPCN có quảng cáo dưới các hình thức như: dùng thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo, dùng hình ảnh cán bộ y tế quảng cáo, sử dụng danh nghĩa, hình ảnh cơ quan y tế quảng cáo. Bởi với những hành vi quảng cáo này, chưa cần kiểm tra đã cho thấy quảng cáo không đúng quy định.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, để quản lý tốt hơn sản phẩm TPCN, Thủ tưởng chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 17số 17/CT-TTg về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Tại Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thanh tra với các hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng với mặt hàng dược mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dong-nam-duoc-tuyen-nhan-vien-gia-danh-bac-si-de-tu-van-ban-hang-qua-mang.aspx