Cảnh báo tình trạng trẻ hóa bệnh nhân đái tháo đường

Theo các chuyên gia y tế, bệnh đái tháo đường ở người trẻ có nguy cơ biến chứng nặng hơn người lớn tuổi. Vì vậy, để phòng tránh đái tháo đường cho con trẻ, phụ huynh cần kiểm soát chế độ ăn và cân nặng cho trẻ.

Chi phí y tế điều trị đái tháo đường đang trở thành gánh nặng không chỉ cho bệnh nhân, gia đình mà còn cả xã hội. Ảnh: Dương Ngọc

Chi phí y tế điều trị đái tháo đường đang trở thành gánh nặng không chỉ cho bệnh nhân, gia đình mà còn cả xã hội. Ảnh: Dương Ngọc

Nguy cơ tiền đái tháo đường ở trẻ béo phì

Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) cho biết, cứ mỗi giờ có thêm hơn 1.000 bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) mắc mới, và cứ mỗi 8 giây có 1 người chết do ĐTĐ. Hiện nay trên toàn thế giới, có hơn 425 triệu người đang sống chung với bệnh ĐTĐ. Tỷ lệ trẻ béo phì, thừa cân gia tăng như hiện nay đang là dấu hiệu cảnh báo cho tình trạng trẻ hóa bệnh nhân mắc đái tháo đường.

Nghiên cứu của Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho thấy bệnh đái tháo đường hiện là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Riêng trong năm 2017, có 29.000 người chết do các nguyên nhân có liên quan đến đái tháo đường, tương đương với 80 ca tử vong/ngày.

Nghiên cứu mới nhất của Bệnh viện Nội tiết Trung ương trên 2.810 trẻ em lứa tuổi từ 11-14 tuổi vừa qua trên toàn quốc cho thấy nguy cơ tiềm ẩn của bệnh ĐTĐ ở nhóm đối tượng này. Theo đó, đã có 178 trẻ (6,2%) mắc rối loạn glucose máu, trong đó lứa tuổi trẻ nhất (11 tuổi) có tỷ lệ mắc cao nhất (8,1%); trong khi ở nhóm tuổi lớn hơn có rối loạn glucose máu thấp hơn. Tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ là 27,8%, trong đó thừa cân là 17,9% và béo phì là 9,9%.

Về thói quen vận động, nghiên cứu cho thấy 90,6% trẻ em được phỏng vấn đều chơi một môn thể thao nào đó. Tuy nhiên, thời gian trung bình vận động theo tiêu chuẩn của IDF mỗi ngày ở trẻ em ít nhất 60 phút/ngày, trẻ em nữ chưa đạt được.

Bên cạnh đó, hơn 50% số trẻ em được khảo sát đều chơi game, trong đó 34,7% trẻ em chơi game trên 1h/ngày; 100% trẻ em đều dùng mạng xã hội, 88% trẻ vào mạng dưới 60 phút/ngày.

Theo GS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, trẻ hóa bệnh nhân mắc ĐTĐ đang là vấn đề đáng lo ngại do thời gian gần đây, tỷ lệ trẻ béo phì gia tăng. Thậm chí, có trẻ 14, 15 tuổi đã mắc ĐTĐ.

Việc điều trị nhóm bệnh nhân này khó khăn hơn người lớn tuổi vì các thuốc uống hạ đường huyết thường ít được nghiên cứu ở trẻ em và trẻ thường tuân thủ điều trị kém, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt không thể giống như người lớn. Có bệnh nhân 16 tuổi, bị ĐTĐ, cao 1m83, nặng 88 kg, vào viện vì đường máu quá cao. Sau khi điều trị, cân nặng vẫn tăng do chế độ ăn không đảm bảo, đi học thường xuyên ăn thêm.

Cũng theo chuyên gia này, các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy ĐTĐ ở người trẻ, biến chứng sẽ tiến triển nặng hơn, thời gian dẫn đến biến chứng sớm hơn và tỷ lệ có biến chứng nhiều hơn so với ĐTĐ ở người lớn tuổi.

Về nguy cơ tiến triển từ tiền ĐTĐ sang ĐTĐ, theo TS.BS. Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai, theo điều tra dịch tễ của Việt Nam, tỷ lệ mắc tiền ĐTĐ thường cao hơn gấp đôi so với ĐTĐ (5,4% so với 13,7% theo điều tra năm 2012). Đáng lo ngại, tiền ĐTĐ nếu để diễn biến tự nhiên thì sau 10 năm, 50% sẽ chuyển thành ĐTĐ, 25% vẫn là tiền ĐTĐ và 25% có thể trở về bình thường.

Chuyên gia này khẳng định, tiền ĐTĐ là dạng rối loạn đường huyết nhưng chưa đến mức bị ĐTĐ. Có 2 dạng tiền ĐTĐ là tăng đường huyết lúc đói (đường huyết lúc đói dưới 7,0 nhưng trên 5,6 mmol/L) và rối loạn dung nạp glucose (đường huyết đo 2h sau khi uống 75g glucose từ 7,8 đến 11,0 mmol/L).

"Nhiều nghiên cứu chứng minh người tiền ĐTĐ đã có tăng cao nguy cơ bị các biến chứng tim mạch và thần kinh, vì vậy hiện nay trên thế giới có hơn 50 quốc gia đã coi tiền ĐTĐ là một bệnh và có chỉ định điều trị nhằm 2 mục tiêu chính, là ngăn ngừa tiến triển thành ĐTĐ và ngăn ngừa các biến chứng tim mạch - thủ phạm chính gây ra tử vong ở bệnh nhân ĐTĐ", TS. BS. Nguyễn Quang Bảy thông tin.

Biện pháp nào kiểm soát

Nói về việc kiểm soát các nguy cơ mắc tiền ĐTĐ, theo GS.TS Trần Ngọc Lương, cũng như các nước đang phát triển khác, do trình độ hiểu biết còn hạn chế, người bệnh mắc ĐTĐ ở nước ta thường được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn và thường đến bệnh viện với những biến chứng nặng nề kéo theo gánh nặng kinh tế gây ra do bệnh ĐTĐ cũng rất lớn.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bệnh nhân ĐTĐ phải chịu gánh nặng kinh tế lớn gồm chi phí trực tiếp; chi phí gián tiếp và chi phí vô hình. Cả ba loại chi phí này đều ảnh hưởng lớn tới bệnh nhân và gia đình. Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh ĐTĐ không chỉ là nhiệm vụ riêng của ngành Y tế, mà là của cả xã hội.

Các dấu hiệu điển hình của tăng đường huyết, theo GS. Trần Ngọc Lương, là khát và uống nhiều, tiểu nhiều, mau đói, thèm ăn, ăn nhiều nhưng sụt cân nhanh, mệt mỏi, uể oải toàn thân, hoa mắt, chóng mặt... Nếu có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ, nên đến bệnh viện khám ngay để được kiểm tra lượng đường trong máu.

Để phòng chống bệnh, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương khuyến khích người trẻ nên tăng cường tập luyện thể dục thể thao, đồng thời cần tiến hành tầm soát bệnh, có chế độ ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia, thuốc lá, thực phẩm chiên xào, chế biến sẵn.

Còn theo ý kiến của ông Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, với trẻ bị đái tháo đường typ 1, trong chế độ ăn uống hằng ngày vẫn như bình thường, chỉ cần hạn chế trẻ ăn đồ ngọt và mỡ động vật.

Với trẻ mắc bệnh đái tháo đường typ 2 thì năng lượng, tinh bột trẻ ăn hằng ngày cần được tính toán chặt chẽ hơn. Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày vì ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao, đồng thời cần thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu của trẻ để có giải pháp thích hợp.

Các thực phẩm như ngô, khoai, các loại rau xanh như bắp cải, rau cần, rau muống, trái cây chín ít ngọt như thanh long, bưởi cam táo lê, mận nên bổ sung hằng ngày để cung cấp vitamin và chất khoảng cho cơ thể trẻ. Bên cạnh đó, việc vận động cơ thể, tập thể dục, cũng đóng vai trò hết sức quan trọng, nhất là trẻ béo phì.

Cũng theo chuyên gia, trẻ em rất dễ bị tác động trước những quảng cáo về các loại thức ăn vặt trên truyền hình, do đó cha mẹ phải quan tâm hướng dẫn con mình nên ăn những thức ăn lành mạnh và tốt cho sức khỏe. “Bên cạnh đó, phụ huynh cần lưu ý đặc biệt về thông tin dinh dưỡng gắn trên các sản phẩm ăn được. Đây là lời khuyên hữu ích từ chính các nhà dinh dưỡng học về việc làm thế nào để phát hiện các chất béo có hại trong các loại thức ăn”, ông Sơn nêu.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/canh-bao-tinh-trang-tre-hoa-benh-nhan-dai-thao-duong-134776-134776.html