Cảnh báo tình trạng ngưng tim, ngưng thở dễ gặp trong mùa đông

'Ngừng tuần hoàn không chỉ gặp ở những người cao tuổi mà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, thanh niên khỏe mạnh…', bác sĩ Hoàng Văn Hải, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, chia sẻ

Một buổi diễn tập cấp cứu ngừng tuần hoàn của nhân viên y tế, Trung tâm Cấp cứu 115.

Một buổi diễn tập cấp cứu ngừng tuần hoàn của nhân viên y tế, Trung tâm Cấp cứu 115.

Đột ngột ngất xỉu, mất ý thức

Mới đây là trường hợp của một bệnh nhân nữ (65 tuổi, ở Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) đột ngột bị mệt, đau tức ngực rồi bất tỉnh, mất ý thức đột ngột vào sáng sớm. Ngay lập tức chồng của bệnh nhân đã gọi đến Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nhờ giúp đỡ. Và chỉ khoảng 5 phút sau, một bác sĩ và một điều dưỡng của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã có mặt.

Kiểm tra tình trạng bệnh nhân thấy tim ngừng đập, không thở, không có mạch bẹn, y bác sĩ tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân.

Cùng một lúc, bệnh nhân được hỗ trợ khai thông đường thở, bóp bóng hỗ trợ hô hấp, ép tim ngoài lồng ngực, dùng thuốc cấp cứu… Hoạt động sơ cấp cứu được tiến hành liên tục trong khoảng 30 phút thì tim bệnh nhân đập trở lại, tự thở được và được xe cấp cứu chuyển đến bệnh viện gần nhất.

Bác sĩ Hoàng Văn Hải, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho biết đây không phải trường hợp hiếm gặp đối với các bác sĩ tại Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Bởi trước đó trực tiếp bác sĩ Hải cũng đã thực hiện cấp cứu cho một bệnh nhân khác cũng đột ngột bị ngất xỉu, ngừng tim, ngừng thở.

Cụ thể, trường hợp đó là một người đàn ông 65 tuổi đang đạp xe đạp trên đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đột ngột bị ngất xỉu. Người dân đi đường phát hiện đã gọi điện đến Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nhờ trợ giúp. Nhận được thông tin, ngay lập tức một kíp cấp cứu gồm bác sĩ Hoàng Văn Hải, điều dưỡng Đỗ Thị Thủy và lái xe của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội lên đường đến hiện trường.

"Tại hiện trường, người đàn ông đã ngưng thở, tim ngừng đập. Một số người dân cảm thán “ông ấy không cứu được rồi, ông ấy đi rồi…”", bác sĩ Hải kể.

Khi tiếp cận bệnh nhân, bác sĩ Hoàng Văn Hải nhanh chóng đánh giá tình trạng của bệnh nhân (bệnh nhân mất ý thức, ngưng thở, bắt mạch không có), xác định bệnh nhân bị ngừng tuần hoàn (ngưng tim, ngưng thở), ngay lập tức kíp cấp cứu đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân.

"Quá trình ép tim, bóp bóng kéo dài liên tục hơn 30 phút thì bệnh nhân tái lập tuần hoàn trở lại, tức là tim đập được và tự thở được. Sự việc diễn ra vào sáng sớm se lạnh mà cả người tôi và điều dưỡng Thủy đều ướt đẫm mồ hôi", bác sĩ Hải chia sẻ.

Bác sĩ Hoàng Văn Hải, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, từng trực tiếp thực hiện cấp cứu nhiều ca bệnh ngừng tuần hoàn.

Ngưng tim, ngưng thở có thể gặp ở mọi đối tượng

Theo bác sĩ Hoàng Văn Hải, các ca ngừng tuần hoàn mà Cấp cứu 115 Hà Nội tiếp nhận hầu hết là người có bệnh lý về tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... Bên cạnh đó là những người có tiền sử mắc đái đáo đường, bệnh đường hô hấp, người tập luyện thể thao quá sức khiến tim bị quá tải.

"Ngừng tuần hoàn không chỉ gặp ở những người cao tuổi mà có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, thanh niên khỏe mạnh…, với mỗi đối tượng, bác sĩ sẽ áp dụng những cách ép tim khác nhau để cấp cứu", bác sĩ hải cho biết.

Đáng lưu ý là ngừng tuần hoàn thường xảy ra nhiều hơn vào mùa đông, khi thời tiến chuyển lạnh, nhất là ở những người có sẵn các bệnh lý về tim mạch, hô hấp.

Chia sẻ thêm về tình trạng ngưng tim, ngưng thở bác sĩ Trần Anh Thắng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, cho hay: "Chỉ vài phút sau khi ngừng tuần hoàn, bộ não sẽ bị tổn thương không thể phục hồi, các cơ quan khác của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Trong điều kiện nhanh nhất có thể cần cung cấp được máu cùng với oxy đến cho tế bào não, nhất là trong vòng 3 - 5 phút đầu kể từ lúc ngừng tim. Nhưng đa số người ngừng tuần hoàn không được phát hiện sớm, người nhà quá lo lắng nên vội vàng đưa bệnh nhân đi viện dẫn đến gặp phải những biến chứng nặng nền, thâm chí mất cả tính mạng".

Cũng theo bác sĩ Thắng, cấp cứu ban đầu không tốt, bệnh nhân có thể tử vong hoặc bị tổn thương nặng không thể cứu chữa. Vì vậy cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện rất quan trọng, giúp cứu sống bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ biến chứng.

"Nếu phát hiện thấy người bệnh bất tỉnh, không thở… cần gọi cấp cứu 115 hỗ trợ. Người dân có thể yêu cầu 115 hướng dẫn để cứu người bệnh", bác sĩ Thắng nhấn mạnh.

Ngoài việc được hướng dẫn sơ cứu đúng, nhân viên y tế có thể tư vấn cách di chuyển nạn nhân ra khỏi hiện trường nguy hiểm nếu có. Đặc biệt, không nên tự ý di chuyển người bị ngừng tuần hoàn bằng taxi, xe máy vì có thể gây thêm tổn thương cho người bệnh.

Ngọc Nga - Vân Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/canh-bao-tinh-trang-ngung-tim-ngung-tho-de-gap-trong-mua-dong-553657.html